XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC ĐÁP ỨNG XU THẾ HỘI NHẬP

XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC ĐÁP ỨNG XU THẾ HỘI NHẬP

    Trong xu thế phát triển của nền hành chính công vụ, yêu cầu đặt ra là gắn vị trí việc với năng lực cá nhân của công chức, viên chức (CCVC) nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh vốn có của mỗi người. Vì vậy, hiện nay xu thế về xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ CCVC không thể chỉ thuần tuý đào tạo, bồi dưỡng mang tính “đại trà”, phổ biến chung chung mà cần phải gắn liền với mỗi cán bộ nhằm phát huy hiệu quả các tố chất và năng lực cụ thể nhằm đáp ứng được các yêu cầu của công việc, vị trí việc làm.

    1. Xây dựng đội ngũ cán bộ theo hướng phát triển năng lực

    Công tác cán bộ bao gồm nhiều khâu với những nội dung khác nhau nhằm những mục tiêu và yêu cầu khác nhau nhưng cùng hướng tới đích cuối là phục vụ cho công tác, trong đó bao gồm: tuyển dụng, bố trí sử dụng, nâng ngạch, đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá... Khâu nào cũng giữ những vai trò quan trọng nhất định có tính liên kết chặt chẽ với nhau, đặc biệt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đóng vai trò làm cơ sở nhằm trang bị tri thức, kỹ năng chuyên môn làm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, lãnh đạo, điều hành. Tuy nhiên, dù đã được đào tạo, bồi dưỡng, một số cán bộ, công chức còn lúng túng trong việc thực hiện nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cần đổi mới theo hướng gắn với năng lực của mỗi cá nhân để đáp ứng được những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn công tác, cụ thể là ở từng vị trí việc làm.

    Năng lực là “khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó” [1] như năng lực tư duy, năng lực tài chính hoặc là “phẩm chất tâm sinh lý và trình độ chuyên môn tạo cho con người khả năng hoàn thành một loại hoạt động nào đó với chất lượng cao” như năng lực chuyên môn, năng lực lãnh đạo.

    Năng lực là tổ hợp các thuộc tính độc đáo của cá nhân phù hợp với những yêu cầu của một hoạt động nhất định, đảm bảo cho hoạt động đó có kết quả tốt. Năng lực vừa là tiền đề, vừa là kết quả của hoạt động. Năng lực vừa là điều kiện cho hoạt động đạt kết quả nhưng đồng thời năng lực cũng phát triển ngay trong chính hoạt động ấy (kinh nghiệm, trải nghiệm) [2].

    Như vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ CCVC theo hướng phát triển năng lực chính là thúc đẩy nhằm giúp cho mỗi cá nhân tự chủ động kết hợp các kiến thức, kỹ năng, thái độ đáp ứng những yêu cầu cụ thể của vị trí công việc, vị trí việc làm ở trong cơ quan, đơn vị, tổ chức và ở những môi trường tác nghiệp cụ thể trong thực tiễn khi thực hiện công vụ.

    Nếu như trước đây, xây dựng đội ngũ cán bộ CCVC theo lối truyền thống là cung cấp tri thức, kỹ năng nghiệp vụ một cách chung chung và có tính dàn trải thì phát triển theo năng lực chỉ tập trung và nhấn mạnh đến những năng lực thực sự cần thiết đáp ứng yêu cầu cụ thể của công việc. Chất lượng, hiệu quả của công việc được đo lường dựa một cách định tính thông qua năng lực thực hiện được của CCVC. Năng lực cụ thể được coi là trọng tâm của quá trình đào tạo, bồi dưỡng và lấy người học làm trung tâm cho việc thiết kế các nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá. Do đó, cơ sở quan trọng nhất của phát triển năng lực là phải xác định được những năng lực cần thiết và cụ thể gắn với mỗi cá nhân cán bộ CCVC không chỉ đáp ứng nhu cầu năng lực công việc hiện tại mà còn phải phát triển cùng với sự vận động của hiện thực xã hội.

    Trong xu thế hội nhập và phát triển, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, ngang tầm nhiệm vụ thì vai trò quan trọng của đào tạo, bồi dưỡng theo hướng phát triển năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức không chỉ tập trung vào những năng lực hiện tại mà còn tạo ra những cơ hội phát triển trong tương lại với những năng lực mới có thể đáp ứng nhu cầu hiện thực. Đây là một trong những bước đột phá nhằm ngày càng chuyên môn hoá, chuyên nghiệp hoá và chuyên sâu hoá công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị.

    2. Đổi mới công tác xây dựng đội ngũ cán bộ theo hướng gắn với phát triển năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức

    Trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược được đề cập trực tiếp với nhiều nội dung quan trọng. Đồng thời Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh quan điểm “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” [3]. Để có được đội ngũ cán bộ nêu trên, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng hơn lúc nào hết. Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, thực tiễn những năm qua đã có những chuyển biến tích cực, hiệu quả về công tác phát huy những năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, vẫn còn có những hạn chế, khiếm khyết nhất định cần phải được thẳng thắn chỉ rõ nhằm góp phần đẩy mạnh sự đổi mới không chỉ về mặt nhận thức và còn là hành động thực tiễn cụ thể, quyết liệt trước những yêu cầu đặt ra của sự phát triển.

    Một là, các nội dung xây dựng, phát huy năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện vẫn chưa thực sự gắn kết giữa lý luận, lý thuyết với thực hành, thực tế vị trí việc làm, công tác cụ thể của cán bộ. Sau thời gian triển khai thực hiện một số chương trình, tài liệu theo quy định của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/09/2017 của Chính phủ, các nội dung chương trình vẫn còn nặng tính lý thuyết.

    Hai là, trong quá trình xây dựng đội ngũ việc quy hoạch, tạo nguồn và cử cán bộ công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng chưa căn cứ vào nhu cầu của cá nhân về hoàn thiện, nâng cao về tri thức, kỹ năng, nghiệp vụ và yêu cầu thực tiễn của công việc và vị trí việc làm ở cơ quan, đơn vị tổ chức. Chủ yếu cán bộ, công chức, viên chức khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng chỉ nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tiêu chuẩn liên quan đến chứng chỉ, bằng cấp. Điều này ít nhiều ảnh hưởng không nhỏ đến tính hiệu quả thực sự cùng với chất lượng năng lực cán bộ gắn với thực tiễn công tác. Do đó, tâm thế học tập của cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng năng lực, trình độ lý luận, nghiệp vụ ít nhiều còn có sự “miễn cưỡng”. Điều này là trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức khi cử cán bộ đi học chưa gắn với những quyền và trách nhiệm cụ thể của công việc, vị trí việc làm của người được cử đi. Vì vậy, không ít người học mang tâm thế là đi học theo kiểu “trả nợ” và chiếu lệ theo các quy định của cơ sở đào tạo. Đây là một sự lãng phí không chỉ về tài chính mà cả về thời gian, công sức của cả đôi bên.

    Ba là, vẫn còn có những hạn chế nhất định đối với việc huy động đội ngũ các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm thực tiễn phong phú tham gia vào quá trình xây dựng, quy hoạch, tạo nguồn và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức. Đặc biệt là việc chú trọng đến các năng lực hiện hữu người học để từng bước định hướng phát huy trong từng lĩnh vực và vấn đề cụ thể của thực tế công tác đặt ra.

    Bốn là, hoạt động kiểm định, đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở hiện nay vẫn còn là vấn đề để ngỏ. Phần lớn các cơ sở mới chỉ phát phiếu thu thập ý kiến đánh giá từ người học sau khi kết thúc khoá học. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng lại chính là sau khi được đào tạo, bồi dưỡng thì khi trở về cơ quan, đơn vị, tổ chức bắt tay trở lại với công việc cụ thể gắn với vị trí việc làm thì hiệu quả công việc đánh giá tới đâu và như thế nào cùng với những tiêu chí trước đó trong quá trình xây dựng đội ngũ.

    Từ thực tiễn nêu trên, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cần thực sự chuyển mình, đổi mới theo hướng phát triển năng lực của cán bộ, công chức, viên chức để nâng cao hơn nữa nội lực của đội ngũ cán bộ cả hệ thống chính trị. Đồng thời, việc phát triển năng lực cá nhân sẽ thúc đẩy sự tự giác và tính chủ động trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức kịp thời đáp ứng yêu cầu của vị trí công việc trong thực tiễn xã hội và quá trình phát triển, hội nhập quốc tế.

    3. Đổi mới công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng phát triển năng lực

    Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến, Đảng nhấn mạnh: “Công tác đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức mới được quan tâm, từng bước gắn với chức danh, với quy hoạch và sử dụng cán bộ”[4]. Tiếp nối thành tựu đó, với sự nỗ lực vượt bậc, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ các cấp, gắn với tiêu chuẩn chức danh và quy hoạch cán bộ được quan tâm, chú trọng và đầu tư tương xứng” [5].

    Thứ nhất, đổi mới công tác xây dựng đội ngũ cán bộ gắn với đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CCVC theo hướng phát triển năng lực. Đồng thời, đổi mới phương pháp đào tạo gắn với thực tiễn nhiều hơn và gắn liền với từng vị trí việc làm, công việc của mỗi cán bộ ở cơ quan, đơn vị ở địa phương và cơ sở. Chính phủ ban hành Nghị định 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/12/2021 sắp tới) với những nội dung có tính đổi mới, đột phá. Trong đó, có việc cán bộ, công chức, viên chức tham gia học các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức và theo nhu cầu bản thân. Điều này thể hiện rõ tinh thần gắn đào tạo, bồi dưỡng với sự phát triển năng lực cá nhân và thực tiễn xã hội đề ra. Đặc biệt, Nghị định 89/2021/NĐ-CP đã nhấn mạnh đến nội dung của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải bảo đảm kết hợp giữa lý luận và thực tiễn; kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng thực hành; tích hợp, lồng ghép các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng; không được trùng lặp. Chương trình, tài liệu phải thường xuyên được bổ sung, cập nhật, nâng cao phù hợp với tình hình thực tế. Như vậy, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu công việc, trong đó xác định rõ kiến thức, kỹ năng người học cần đạt được sau khi kết thúc khoá học như cập nhật thông tin, bổ sung tri thức mới, hiện đại, sự phát triển kỹ năng nghề nghiệp hoặc nghiệp vụ công tác đáp ứng nhu cầu công việc.

    Mặt khác, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong việc xây dựng đội ngũ gắn với xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng với đề án vị trí việc làm cụ thể của từng chức danh, nghề nghiệp và vị trí công tác cụ thể. Có như vậy mới phát huy được ưu thế và hiệu quả được nâng cao lên trong quá trình thực hiện đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng phát triển năng lực đáp ứng yêu cầu và nhu cầu thực tiễn công tác. Do đó, cần xây dựng được khung chuẩn về năng lực cho người học. Theo đó, khung năng lực là tập hợp những năng lực cần thiết của cá nhân cần phải có khi đảm nhận một vị trí công việc nhất định. Xây dựng được khung năng lực gắn với từng vị trí công việc sẽ cho thấy ở những vị trí nhất định, tổ chức cần những con người với yêu cầu cụ thể về năng lực như thế nào. Đây là cơ sở quan trọng để không chỉ xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, cho phép cán bộ được lựa chọn chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, thiết thực với nhu cầu công việc, từ đó có động lực và thái độ học tập tích cực, nghiêm túc. Đây là đặc điểm quan trọng của phát triển năng lực từ chỗ truyền thụ chuyển sang là chủ động tự học tập, tự nghiên cứu và tự tích luỹ nâng cao cho bản thân về tri thức, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ theo lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp cụ thể. Vì vậy, xác định đúng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của mỗi cá nhân, vị trí việc làm, công tác sẽ có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của đào tạo, bồi dưỡng người học theo hướng phát triển năng lực.

    Thứ hai, để góp phần quan trọng vào việc đổi mới công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, cần tiến hành đẩy mạnh công tác đối mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CCVC theo hướng phát triển năng lực. Do đó, cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật hỗ trợ dạy – học hiện đại cùng với một đội ngũ cán bộ giảng dạy không chỉ đông về số lượng mà còn vững mạnh, chắc chắn về chất lượng với sự chuyên sâu lý luận gắn liền với thực tiễn phong phú. Tăng cường hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên ở địa phương, cơ sở nhằm tạo điều kiện cọ sát thực tiễn, nâng cao được chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hướng phát huy năng lực cá nhân người học gắn với vị trí việc làm cụ thể. Tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức, đây là khâu còn có những hạn chế ở nhiều nơi do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu như: vẫn còn tình trạng bị động thời gian; chất lượng đội ngũ giảng viên chưa đồng đều; ngại tiếp cận công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp giảng dạy nên chất lượng bài giảng chưa đạt hiểu quả cao;...

    Thứ ba, tự đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện là yếu tố đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ để phát triển năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị. Trong quá trình công tác, vấn đề tự đào tạo, bồi dưỡng là cơ sở để nâng cao phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn và nghiệp vụ tương xứng với vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn xã hội. Mỗi người cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hành công vụ, nghề nghiệp sẽ nhận thức được cá nhân có những ưu thế, hạn chế khác nhau; điểm mạnh và yếu; biết chất lượng, hiệu quả xử lý công việc của cá nhân. Từ đó, mối cá nhân sẽ tự bồi dưỡng để hoàn thiện những năng lực còn hạn chế. Tự bồi dưỡng là con đường tích lũy kiến thức, gọt sắc tư duy, là sự trăn trở, thử nghiệm để tìm ra những hình thức, biện pháp thích hợp trong xử lý công việc. Sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, việc tự đào tạo, bồi dưỡng có rất nhiều thuận lợi. Thực tiễn xã hội luôn vận động và đặt ra những yêu cầu đối với cán bộ, CCVC cần phải luôn nỗ lực, nghiêm khắc với bản thân và có phương pháp thì việc nâng cao năng lực cá nhân không phải là việc quá khó. Tuy nhiên, cần có những cơ chế khuyến khích đối với CCVC để tăng cường sự tự giác và chủ động trong tự đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của bản thân trong tổng thể hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức.

    Để công tác xây dựng đội ngũ cán bộ có hiệu quả theo hướng phát triển năng lực, hình thành đội ngũ cán bộ vững mạnh, đáp ứng các yêu cầu của sự phát triển và hội nhập, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cần thực hiện thống nhất, đồng bộ các vấn đề nêu trên. Đồng thời, công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng sau đào tạo, bồi dưỡng cần tiến hành toàn diện không chỉ dừng lại ở điều tra khảo sát thực trạng đội ngũ cán bộ và xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng mà còn là quy hoạch, bố trí, điều động và bổ nhiệm. Các khâu này đều liên quan đến nhau và đến kế hoạch lập nguồn cán bộ đưa đi đào tạo, bồi dưỡng nhằm đạt được yêu cầu, mục đích đặt ra của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng phát triển năng lực toàn diện.

    Một trong những chức năng lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước là công tác cán bộ, trong đó, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ phải được tiến hành một cách khoa học, thận trọng, thường xuyên, chặt chẽ và hiệu quả. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Đầu tư cho hoạt động xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chính là đầu tư cho phát triển lâu dài và bền vững của đất nước góp phần xây dựng được đội ngũ cán bộ có năng lực thực tiễn, chuyên môn sâu và có đạo đức cách mạng trong sáng, hết lòng phục vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.

                                       Th.s.Trần Thị Thu Hương, GV Khoa XDĐ

     

    Tài liệu tham khảo

    [1] Hoàng Phê (chủ biên) 2008, Từ điển Tiếng Việt, tr.816 NXB Đà Nẵng.

    [2] Nguyễn Quang Uẩn và tác giả khác (2004), Giáo trình tâm lý học đại cương, tr.213, NXB Đại học Sư phạm.

    [3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII , Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập II, tr.220.

    [4] Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018 Hội nghị lần thứ bảy BCH TW khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ , website: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn.

     [5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII , Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập II, tr.193.

    Danh mục
    Tin nổi bật
    Tin liên quan
    Tinh thần Cách mạng Tháng Tám - 1945 ở tỉnh Kon Tum

    Tinh thần Cách mạng Tháng Tám - 1945 ở tỉnh Kon Tum

    Ngày 12-8-1945, tại chiến khu Việt Bắc, Ủy ban lâm thời khu giải phóng ra lệnh tổng khởi nghĩa trong vùng căn cứ địa. Ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân trào (Tuyên Quang) ra quyết định Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước. Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập ngay trong đêm 13-8-1945, phát quân lệnh số 1 hạ lệnh Tổng khởi nghĩa toàn quốc, toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.
    Về Hòn Đất tìm thăm “chị Sứ”

    Về Hòn Đất tìm thăm “chị Sứ”

    Kiên Giang đẹp không chỉ có núi non, biển cả và hàng trăm đảo lớn, nhỏ như những viên ngọc sáng ngời ở vùng Tây Nam Tổ quốc, mà Kiên Giang còn có Hòn Đất, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng, rất đỗi tự hào của dân tộc.
    Nét độc đáo về sự chỉ đạo chiến thuật, chiến lược của Lý Thường Kiệt trong cuộc kháng chiến chống Tống

    Nét độc đáo về sự chỉ đạo chiến thuật, chiến lược của Lý Thường Kiệt trong cuộc kháng chiến chống Tống

    Nét độc đáo về sự chỉ đạo chiến thuật, chiến lược của Lý Thường Kiệt trong cuộc kháng chiến chống Tống
    Lực lượng vũ trang trong Cách mạng tháng Tám năm 1945

    Lực lượng vũ trang trong Cách mạng tháng Tám năm 1945

    Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành trung ương tháng 5/1941, đã hoàn thành sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng và quyết định xúc tiến chuẩn bị mọi điều kiện để tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trong đó, đặt công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang làm nhiệm vụ trung tâm của cách mạng Đông Dương.
    zalo
    Hotline