Chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính tại tỉnh Kon Tum

Chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính tại tỉnh Kon Tum

       Trên thế giới, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2015, phổ biến từ năm 2017. Việt Nam bắt đầu triển khai chuyển đổi số từ khá sớm, nhưng quá trình này được chính thức hóa và định hướng chiến lược từ năm 2020, khi Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3 tháng 6 năm 2020.

       Chuyển đổi số có thể hiểu là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số [1].

    1.   Những lợi ích của chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính

    Một là, chuyển đổi số giúp tăng tốc độ xử lý công việc và tiết kiệm thời gian, các thông tin về quy trình, hồ sơ, thời gian xử lý thủ tục hành chính được công khai trên các nền tảng trực tuyến, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, tránh hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực xảy ra. Bên cạnh đó, việc xử lý thông tin trên hệ thống điện tử cũng giúp giảm chi phí cho cả cơ quan nhà nước, giúp tăng tốc độ xử lý thông tin và giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục hành chính;

    Hai là, chuyển đổi số giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người dân. Việc áp dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo trong việc xử lý hồ sơ và giải quyết yêu cầu của người dân giúp cung cấp các dịch vụ công nhanh chóng và chính xác. Người dân có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả qua mạng mà không cần đến trực tiếp cơ quan hành chính, đồng thời người dân có thể dễ dàng tra cứu trạng thái xử lý hồ sơ của mình qua các hệ thống trực tuyến, đồng thời chuyển đổi số giúp các cơ quan hành chính dễ dàng theo dõi, phát hiện và khắc phục các vấn đề trong quy trình thủ tục hành chính. Điều này góp phần tạo sự hài lòng từ phía người dân và doanh nghiệp về dịch vụ công, đồng thời củng cố niềm tin vào sự minh bạch và tính công bằng của hệ thống hành chính.

    Ba là, chuyển đổi số giúp kết nối dữ liệu giữa các bộ ngành, cơ quan, địa phương, từ đó giảm trùng lặp thông tin và tạo sự đồng nhất trong quản lý. Các cơ quan có thể sử dụng dữ liệu thu thập từ hệ thống để phân tích, đánh giá và cải thiện quy trình, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý hành chính nhà nước.

    Bốn là, chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội. Việc tối ưu hóa quy trình hành chính giúp thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất – kinh doanh, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ công cũng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống người dân.

    1. Thực trạng chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính tại tỉnh Kon Tum

    Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định “Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh” là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của nhiệm kỳ. Đồng thời để đẩy nhanh công tác chuyển đổi số, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Bám sát tinh thần của Nghị quyết, Trung tâm Phục vụ hành chính công và Bộ phận một cửa các cấp đã không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong công tác tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thường xuyên quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận một cửa các cấp cơ bản đáp ứng yêu cầu tối thiểu trong tiếp nhận, số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

    Đến tháng 7 năm 2024, tỉnh Kon Tum đã cung cấp 998 dịch vụ công toàn trình, 373 dịch vụ công trực tuyến một phần trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 1.371/1.713 thủ tục hành chính của tỉnh. Trong năm 2023, phát sinh 34.453 hồ sơ trực tuyến đạt 28,4% (trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính). Hiện nay, trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh có tổng số lượng tài khoản người dân doanh nghiệp đăng ký để nộp hồ sơ trực tuyến là 29.511 tài khoản (29.228 tài khoản của người dân, 283 tài khoản của doanh nghiệp) [4].

    Tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh việc số hóa thành phần hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Cụ thể, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã số hóa 59,78% hồ sơ, cấp huyện đạt 62,82% hồ sơ, cấp xã đạt tỷ lệ số hóa 42,95% hồ sơ [5]. Việc triển khai “Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính” và sử dụng lại kết quả bản sao chứng thực điện tử để thực hiện dịch vụ công trực tuyến có sự chuyển biến hết sức tích cực. Phòng Tư pháp cấp huyện và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 28.260 hồ sơ chứng thực điện tử.

    Thanh toán trực tuyến phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính trong năm 2023 đã phát sinh 27.773 giao dịch thanh toán trực tuyến thành công với tổng số tiền 2 tỷ đồng; thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai, đã phát sinh 4.229 giao dịch thanh toán trực tuyến thành công với tổng số tiền gần 10,544 tỷ đồng [5]. Tính đến ngày 15 tháng 12 năm 2023, theo Bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến (trên Cổng dịch vụ công quốc gia), tỷ lệ thanh toán trực tuyến của tỉnh Kon Tum là 42,78% và xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố tăng gần 6 lần so với năm 2022 [2].

    Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Kon Tum đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia và 14 Hệ thống và cơ sở dữ liệu khác. Sau khi hoàn thành tích hợp, kết nối “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh” với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc khai thác thông tin, dữ liệu công dân trong công tác giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực, góp phần đơn giản hóa, cắt giảm thành phần hồ sơ, giấy tờ cho người dân. Kon Tum là một trong 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ tài liệu số hóa giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia [2].

    Triển khai thực hiện Danh mục thủ tục hành chính tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 511/QĐ-Ủy ban nhân dân ngày ngày 08/9/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Sau hơn 01 năm triển khai thực hiện tổng số hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả không phụ thuộc vào địa giới hành chính thông qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh là 270 hồ sơ thuộc 03 lĩnh vực đất đai và cấp Phiếu lý lịch Tư pháp và cấp Giấy phép xây dựng tại 06 đơn vị huyện, thành phố. Như vậy, chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tạo thuận lợi cho người dân thực hiện thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, chuyển đổi số giúp tăng tốc độ xử lý thông tin và giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

    Tuy nhiên, công tác chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính vẫn còn một số khó khăn như:

    - Việc thay đổi từ việc thực hiện thủ tục truyền thống sang việc thực hiện điện tử đòi hỏi sự thích ứng của người dân. Một số người có thể gặp khó khăn trong việc sử dụng công nghệ mới, đặc biệt là người già hoặc những người không có nền tảng công nghệ thông tin tốt. Điều này có thể tạo ra khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính và làm giảm tính hiệu quả của chuyển đổi số. Ở một số khu vực hạ tầng mạng internet và thiết bị còn thiếu thốn, khiến người dân khó tiếp cận dịch vụ công trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử chưa cao.

    - Để thực hiện chuyển đổi số, việc tập hợp và chuyển đổi dữ liệu và thông tin từ hệ thống truyền thống sang hệ thống điện tử có thể gặp nhiều khó khăn. Nhiều cơ quan lưu trữ hồ sơ, dữ liệu thủ tục hành chính trên giấy hoặc trong các hệ thống không liên kết, gây khó khăn khi số hóa. Một số hồ sơ cũ bị hư hỏng hoặc thiếu thông tin, gây khó khăn khi chuyển đổi sang dạng điện tử.

    - Một số cán bộ, công chức chưa quen hoặc thiếu kỹ năng vận hành hệ thống số hóa, dẫn đến việc xử lý thủ tục chưa đạt hiệu quả mong muốn. Nguồn nhân lực đảm nhận việc triển khai, tổ chức vận hành các hệ thống thông tin ở cấp huyện, cấp xã còn mỏng và yếu.

    - Việc xây dựng, nâng cấp hệ thống công nghệ, cơ sở hạ tầng và phần mềm đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, trong khi tỉnh Kon Tum còn gặp khó khăn về ngân sách.

    - Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia sử dụng các ứng dụng, các dịch vụ công nghệ thông tin hiệu quả chưa cao.

    1. Giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính tại tỉnh Kon Tum

    Để khắc phục những khó khăn trong công tác chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Kon Tum cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về như hạ tầng, nguồn nhân lực, chính sách và nhận thức

    Một là, tập trung các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, trong đó gắn việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính với quá trình thực thi nhiệm vụ. Ðồng thời, tái cấu trúc quy trình, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, cung cấp DVCTT và tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp việc thực hiện thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn. 

    Hai là, xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên toàn tỉnh. Tập trung nâng cấp mạng di động 4G, tích cực triển khai hạ tầng mạng di động 5G, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh để phục vụ quá trình chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính. Rà soát, tăng cường đầu tư hạ tầng viễn thông tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, phấn đấu 100% thôn (làng), điểm dân cư trên địa bàn tỉnh được phủ sóng và sử dụng ổn định mạng di động.

    Ba là, đẩy nhanh tiến độ triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia trên địa bàn tỉnh, các loại cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Từng bước hình thành các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu mở cấp tỉnh. Xây dựng Trung tâm dữ liệu cấp tỉnh đảm bảo các yêu cầu cung cấp, chia sẻ, kết nối dữ liệu theo đúng quy định của Chính phủ.

    Bốn là, đầu tư nguồn lực tài chính cho chuyển đổi số, đây là yếu tố vô cùng quan trọng trong chuyển đổi số, cần tăng chi ngân sách đáp ứng cho hoạt động chuyển đổi số của tỉnh Kon Tum. Mức chi trung bình cho chuyển đổi số của thế giới vào khoảng 2 – 3% ngân sách. Do vậy, tỉnh Kon Tum cần cân đối nguồn lực, tăng chi ngân sách cho chuyển đổi số để đẩy nhanh đầu tư hạ tầng, nền tảng đồng thời, nghiên cứu các phương án kết hợp giữa nguồn kinh phí từ Trung ương với nguồn kinh phí được bố trí cho ngân sách tỉnh. Đồng thời, quan tâm đầu tư, nâng cấp trang thiết bị công nghệ thông tin tại các đơn vị, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết công việc của cán bộ công chức trên môi trường điện tử và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

    Năm là, cần đặc biệt quan tâm việc xây dựng chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Trước hết, cần có các khóa bồi dưỡng chuyên sâu cho các cán bộ lãnh đạo về kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số và kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số. Sau đó, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phải gắn với công tác kiểm tra, giám sát. Hơn nữa, Ủy ban nhân dân tỉnh cần có cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin vào các cơ quan, đơn vị để nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn, tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước.

    Sáu là, Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về lợi ích của chuyển đổi số qua các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội và các tổ chức cộng đồng. Tổ chức các buổi hướng dẫn trực tiếp tại địa phương để người dân biết cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn một số xã trên địa bàn tỉnh để triển khai thử nghiệm công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, bao gồm các kỹ năng cơ bản như truy cập và sử dụng Internet, thư điện tử, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Có thể huy động các nguồn lực xã hội hóa khác để hỗ trợ các thiết bị công nghệ cho những nhóm yếu thế, như người già, người khuyết tật, hộ nghèo, hộ cận nghèo.

    Để giải quyết các khó khăn trong chuyển đổi số thủ tục hành chính, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, và người dân. Tập trung đầu tư vào hạ tầng, nâng cao chất lượng nhân lực, và đẩy mạnh truyền thông sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số đạt hiệu quả cao hơn.

    Tài liệu tham khảo

    1. https://dx.gov.vn
    2. https://kontum.gov.vn
    3. Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 18/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
    4. Báo cáo số 488/BC-UBND ngày 20/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
    5. Báo cáo số 1071/BC-BCĐ Kon Tum,1/4/2024 về kết quả thực hiện công tác về Chuyển đổi số năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

                                      ThS. Trần Thị Thương  -  GV Khoa Nhà nước và pháp luật

     

    Danh mục
    Tin nổi bật
    Tin liên quan
    zalo
    Hotline