Tác giả bài viết: ThS. Nguyễn Lương Thủy - Trưởng khoa Xây dựng Đảng
Dưới góc độ khoa học, khái niệm “quản lý” có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Với ý nghĩa thông thường, phổ biến theo Từ điển tiếng Việt thì quản lý có thể hiểu là hoạt động tác động một cách có tổ chức và định hướng của chủ thể quản lý tới những đối tượng quản lý để điều chỉnh chúng vận động và phát triển theo những mục tiêu nhất định đã đề ra.
Hoạt động giảng dạy là hoạt động của giảng viên với vai trò chủ đạo nhằm giúp người học tự mình chiếm lĩnh những kiến thức, kỹ năng và hình thành hoặc biến đổi tình cảm, thái độ.
Quản lý hoạt động giảng dạy là thực hiện các chức năng quản lý trường học trong việc quản lý giảng viên với hoạt động giảng dạy nhằm đem lại chất lượng và hiệu quả dạy học. Quản lý hoạt động giảng dạy bao gồm: Quản lý nội dung chương trình đào tạo; quản lý xây dựng và phát triển cơ sở vật chất, điều kiện phương tiện phục vụ tốt cho hoạt động dạy và học; quản lý việc chuẩn bị bài và lên lớp; phổ biến kinh nghiệm giảng dạy và các biện pháp giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để xây dựng tiềm lực giảng dạy cho đội ngũ giảng viên...
Trong phạm vi bài viết này, chỉ tập trung đánh giá 2 nội dung chính trong quản lý hoạt động giảng dạy thuộc thẩm quyền của các khoa ở Trường chính trị tỉnh Kon Tum, bao gồm: quản lý hoạt động chuẩn bị giáo án và quản lý hoạt động giảng bài trên lớp của giảng viên.
Thứ nhất, quản lý hoạt động chuẩn bị giáo án.
Trong những năm qua, nhìn chung các khoa đã thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động chuẩn bị giáo án của giảng viên theo Quy chế giảng viên. Đặc biệt là từ ngày 09/11/2016 thực hiện Quyết định Số 192/QĐ-TCT do Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kon Tum ban hành Quy định nâng cao chất lượng dạy và học tại Trường Chính trị tỉnh Kon Tum. Trong Quy định này, đã xác định việc nâng cao chất lượng bài giảng trên lớp là khâu quan trọng nhất trong quy trình dạy và học, đồng thời cũng là nhiệm vụ chủ yếu của mỗi giảng viên. Để có bài giảng tốt, trước tiên phải nâng cao chất lượng giáo án, thông qua việc đảm bảo các yêu cầu cụ thể về nghiên cứu, soạn bài; duyệt giáo án; thông qua bài giảng.
Sau 3 năm thực hiện Quy định, với sự quản lý của các khoa và tinh thần trách nhiệm trong chuẩn bị bài giảng của giảng viên, phần lớn giáo án của giảng viên đã đảm bảo được các yêu cầu trên, cụ thể:
Hàng năm, sau khi có quyết định phân bài của Hiệu trưởng, giảng viên đã đầu tư thời gian nghiên cứu giáo trình, sưu tầm tài liệu, thu thập thông tin liên quan đến bài giảng; mục tiêu bài giảng được xác định phù hợp với mục tiêu chung của toàn bộ phần học, trên cơ sở đó lựa chọn nội dung và phương pháp giảng dạy phù hợp. Trong từng giáo án, giảng viên cũng đã xác định được phần trọng tâm của bài giảng để phân bổ thời gian cho tương xứng. Chủ động tìm hiểu, nắm tình hình lớp học để lựa chọn phương pháp và lượng kiến thức truyền đạt phù hợp.
Giáo án đã thể hiện chi tiết nội dung bài giảng. Trong từng nội dung, gắn liền với việc phân tích, diễn giải làm rõ các ý chính mang tính chất lý luận là những ví dụ, dẫn chứng minh hoạ, Đối với bài giảng mang tính chất trang bị và rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ cho học viên, giảng viên đã chuẩn bị trước một số bài tập thực hành, bài tập tình huống có liên quan và có định hướng trước về hướng xử lý, kết luận. Nội dung của giáo án thể hiện được phương pháp, phương tiện giảng dạy giảng viên sẽ sử dụng và lượng thời gian cần thiết.
Tất cả giáo án đều được Trưởng khoa chủ quản và Hiệu phó phụ trách nội dung phê duyệt trước khi lên lớp. Việc thông qua bài giảng mới đã được các khoa tổ chức đảm bảo theo quy định. Qua đó, chất lượng giáo án được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng bài giảng.
Bên cạnh đó, quản lý hoạt động chuẩn bị giáo án của các khoa có lúc chưa chặt chẽ, kịp thời, từ đó dẫn đến vẫn còn một số giáo án chưa đảm bảo theo quy định như: phân bổ thời gian chưa tương xứng; chưa thể hiện chi tiết nội dung bài giảng; ví dụ, dẫn chứng minh hoạ ít; chưa cập nhật kịp thời những văn bản mới của Đảng, Nhà nước, đoàn thể...có liên quan đến nội dung bài giảng. Một số giáo án phần kỹ năng, nghiệp vụ, còn ít bài tập thực hành, bài tập tình huống. Phương pháp giảng dạy mới chỉ thể hiện trong kế hoạch giảng dạy, còn trong nội dung chi tiết của bài giảng chưa được thể hiện cụ thể, rõ ràng; một số giảng viên trình giáo án để Trưởng khoa chủ quản xem xét, góp ý kiến (nếu cần), phê duyệt và trình Hiệu phó phụ trách nội dung phê duyệt còn chậm trễ so với thời gian quy định; việc thông qua bài của một số giảng viên còn chưa đảm bảo thời gian theo quy định.
Thứ hai, quản lý hoạt động giảng bài trên lớp của giảng viên.
Thông qua dự giờ, dự thao giảng, các khoa đã quản lý chặt chẽ hoạt động lên lớp của giảng viên. Nhìn chung, sau khi giáo án đã được duyệt hoặc thông qua, đa số giảng viên đã giảng dạy đảm bảo về nội dung, thời gian, các bước lên lớp. Quá trình giảng bài phải thể hiện đầy đủ, đúng đắn kiến thức cơ bản; bảo đảm tính khoa học, trọng tâm; lý luận gắn với thực tiễn; kết cấu bài giảng lôgic, khoa học, chặt chẽ; thực hiện đúng mục tiêu của bài giảng. Tùy vào nội dung kiến thức và đối tượng học viên, giảng viên đã sử dụng kết hợp phương pháp giảng dạy truyền thống (phương pháp thuyết trình) với các phương pháp giảng dạy tích cực. Ngôn ngữ nói, trang phục, tư thế, cử chỉ,... phù hợp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quản lý hoạt động giảng bài trên lớp của giảng viên ở một số khoa còn có mặt hạn chế, có giảng viên giảng dạy không đảm bảo về nội dung, hoặc phương pháp, thời gian, các bước lên lớp như giáo án đã được duyệt; sử dụng ngôn từ và có tác phong, cử chỉ không phù hợp nhưng phụ trách khoa không kịp thời phát hiện, nhắc nhở, thậm chí có phụ trách khoa còn mắc phải khuyết điểm nêu trên.
Nguyên nhân của hạn chế trong quản lý hoạt động giảng dạy của các khoa là do: Trong thời gian qua, các đồng chí Trưởng, Phó khoa bận nhiều công việc chuyên môn và công tác kiêm nhiệm khác nên thời gian dành cho công tác quản lý chuyên môn còn hạn chế; việc kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở giảng viên chuẩn bị giáo án và lên lớp theo quy định chưa thường xuyên và kịp thời; việc dự giờ và tổ chức tập thể khoa dự giờ, góp ý cho giảng viên chưa nhiều, phần lớn mới chỉ đảm bảo số giờ phải dự theo quy định...
Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý hoạt động giảng dạy của các khoa ở Trường Chính trị tỉnh Kon Tum, đòi hỏi các đồng chí Trưởng, Phó các khoa cần phải tiếp tục quán triệt tập thể giảng viên thực hiện tốt Quy chế giảng viên và Quy định nâng cao chất lượng dạy và học của Trường, trong đó có quy định về nâng cao chất lượng giáo án và nâng cao chất lượng bài giảng trên lớp; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhắc nhở giảng viên trong thực hiện Quy định; thường xuyên dự giờ, dự thao giảng và tổ chức cho tập thể khoa dự giờ giảng viên; tổ chức thao giảng cấp khoa theo quy định; phối hợp với các khoa, phòng và giáo viên chủ nhiệm các lớp để nắm bắt tình hình giảng dạy của giảng viên; mỗi đồng chí Trưởng, Phó khoa phải nêu gương trong thực hiện Quy định về chuẩn bị giáo áo và lên lớp.../.