Chủ nhiệm | ThS. Nguyễn Thị Xuân | Thành viên | Ths. Nguyễn Thọ Hòa; ThS. Trần Thị Thương; ThS. Trịnh Thu Trang; |
Số | N/A | Năm | 2019 |
Cấp độ | Đề tài NCKH cấp cơ sở | Lĩnh vực | Khoa Nhà nước và Pháp luật |
Phần 1. Khái quát tình hình chung liên quan đề tài nghiên cứu
1. Lý do chọn đề tài
Trong hệ thống Hội đồng nhân dân các cấp, Hội đồng nhân dân cấp xã (cấp xã gồm: xã, phường, thị trấn) có vị trí đặc biệt quan trọng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; chịu trách nhiệm trước nhân dân và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân cấp xã sẽ không thể đảm nhận được vị trí, vai trò nếu thiếu một nhân tố có ý nghĩa quyết định là đại biểu Hội đồng nhân dân. Do đó, việc nâng cao chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân có đủ phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đó là tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã. Trong đó, chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân là một trong những yếu tố then chốt, quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân.
Thời gian qua, thành phố Kon Tum đã thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về kiện toàn tổ chức hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã. Do đó, đại biểu Hội đồng nhân dân không ngừng được nâng cao về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, đặc biệt là về kỹ năng hoạt động. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã của thành phố Kon Tum vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế nhất định. Do vậy, vấn đề nâng cao chất lượng đại biểu Hội đồng nhân cân cấp xã trên địa bàn thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum là nhu cầu cấp thiết đặt ra.
Hiện nay cả nước đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, nhiệm vụ đặt ra cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong tổ chức và hoạt động của cơ quan dân cử, tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị và năng lực của các đại biểu Hội đồng nhân dân trong nhiệm kỳ tới. Do vậy, chúng tôi lựa chọn nghiên cứu đề tài: “Chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum” nhằm góp phần làm rõ một số vấn đề lý luận và thực trạng về chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã trên địa bàn thành phố Kon Tum, từ đó đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã trong nhiệm kỳ 2021-2026.
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Tổng quan tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực của đề tài ở trong nước:
Chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân là vấn đề quan trọng, vì vậy có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này. Một số công trình nghiên cứu có thể kể đến như:
- Tài liệu bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2016.
- Cẩm nang dành cho đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Bộ Nội vụ - Viện khoa học tổ chức nhà nước, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.
- Kiến thức và kỹ năng cơ bản dành cho đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã của Lưu Trọng Thành, Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Nguyễn Thị Nguyệt (đồng chủ biên), Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 2017.
Đây là những công trình đã đề cập những kiến thức chung về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân, xác định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân. Và các kỹ năng hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân: kỹ năng ra quyết định, kỹ năng giám sát, kỹ năng chất vấn và trả lời chất vấn, kỹ năng tiếp xúc cử tri, kỹ năng tổ chức cuộc họp.
- Chính quyền địa phương trong Hiến pháp năm 2013, PSG.TS. Đinh Xuân Thảo; Bình Luận khoa học Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Nxb Lao Động, 2014 (trang 575-592). Công trình đã lý giải những vấn đề có tính lý luận và thực tiễn khi Hiến pháp xác định tên gọi của Chương IX: Chính quyền địa phương; đã đề cập tới bối cảnh nghiên cứu, sửa đổi chính quyền địa phương trong Hiến pháp năm 1992, các quy định về đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính. Trong đó xác định vị trí, vai trò và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân trong chính quyền địa phương.
- Nâng cao hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An trong giai đoạn hiện nay, Luận văn Thạc sĩ, Hồ Thị Hưng, 2006. Tác giả đã xem xét, đánh giá những vấn đề lý luận về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, các yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động giám sát. Đánh giá thực trạng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, đề xuất các giải pháp để nâng cao hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An.
- Xây dựng chính quyền cấp xã – nhìn từ góc độ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy nhà nước, TS. Trần Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Nội vụ, tạp chí Tổ chức nhà nước (điện tử) ngày đăng 18/02/2018. Tác giả đã đánh giá những hạn chế của Hội đồng nhân dân cấp xã về ban hành nghị quyết chuyên đề, hạn chế trong hoạt động giám sát, chất vấn. Từ đó xác định những vấn đề đặt ra và hướng giải quyết đối với xây dựng chính quyền địa phương nhìn từ góc độ chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy: phân biệt tổ chức và cơ chế hoạt động của chính quyền ở khu vực đô thị, nông thôn, sửa đổi quy định cấp xã có hai ban; khẩn trương ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã theo Luật tổ chức chính quyền địa phương…
- Tại tỉnh Kon Tum có công trình nghiên cứu: “Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở Kon Tum” của Tô Văn Tám. Công trình này đã đánh giá thực trạng chung của hệ thống chính trị cơ sở ở Kon Tum, trong đó có đề cập đến thực trạng hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã.
Những công trình, bài viết đó đã có đóng góp cả về lý luận và kiến nghị những giải pháp để nâng cao chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Tuy nhiên, cho tới nay chưa có công trình nào nghiên cứu sâu về chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thành phố Kon Tum. Vì vậy, việc chọn đề tài nghiên cứu này sẽ góp phần làm phong phú thêm cả về lý luận và thực tiễn về chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
3. Mục tiêu
- Mục tiêu chủ yếu của đề tài: Trên cơ sở làm rõ một số vấn đề lý luận và thực trạng về chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thành phố Kon Tum trong thời gian tới.
4. Kết quả thực hiện đề tài
* Về ý nghĩa khoa học của kết quả nghiên cứu: Đề tài góp phần hệ thống hóa những vấn đề lý luận chung về chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân.
* Về thực tiễn: Đề tài góp phần nâng cao nhận thức về hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp xã đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức và người dân. Đồng thời, đề tài có thể sử dụng cho chương trình giảng dạy của Trường chính trị, chính quyền địa phương tham khảo trong chỉ đạo, điều hành, xây dựng và hoạch định chính sách liên quan để nâng cao chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Phần 2: Tóm tắt kết quả nội dung Đề tài đã nghiên cứu, cụ thể đó là:
1. Ngoài phần mở đầu, tính cấp thiết của đề tài, kết luận và tài liệu tham khảo, Đề tài gồm có 3 chương với tổng thể nội dung nghiên cứu được trình bày trong 60 trang giấy A4.
Để đạt được kết quả nghiên cứu, đề tài đã xây dựng 02 phiếu điều tra dành cho đại biểu Hội đồng nhân dân và cử tri của 04 xã, phường ở thành phố Kon Tum (có phụ lục kèm theo) và tham khảo nhiều nguồn tài liệu. Trong đó, bao gồm các văn kiện, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các cơ quan, đơn vị ở địa phương; đặc biệt là kế thừa, vận dụng, phát triển các giá trị tri thức khoa học từ các công trình khoa học, đề tài cấp cơ sơ của các học giả và của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đã được công bố thành sách, báo cáo thành chuyên đề và công bố trên các tạp chí khoa học.
2. Nội dung của kết quả nghiên cứu đề tài
Ở Chương 1, những vấn đề chung về chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã:
- Đề tài đã khái quát cơ sở lý luận về khái niệm, vai trò, trách nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. Đề tài đưa ra khái niệm chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, từ khái niệm đề tài tập trung làm rõ các tiêu chí đánh giá chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã: Về phẩm chất chính trị; về phẩm chất đạo đức; về trình độ học vấn, lý luận chính trị và chuyên môn; về kỹ năng của đại biểu Hội đồng nhân dân; về việc hoàn thành nhiệm vụ; về mức độ hài lòng của người dân. Từ những vấn đề phân tích ở Chương 1 là cơ sở để tác giả tiếp tục nghiên cứu và luận giải, đánh giá thực tiễn chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thành phố Kon Tum trong nhiệm kỳ 2016-2021.
Ở Chương 2, thực trạng chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thành phố Kon Tum
- Thứ nhất, đề tài trình bày những điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa - xã hội của thành phố Kon Tum qua đó phân tích, đánh giá sự tác động của các yếu tố này đến chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thành phố Kon Tum.
- Thứ hai, đề tài trình bày thực trạng chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Từ những đánh giá tổng quát về đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã của thành phố Kon Tum trong nhiệm kỳ 2016-2021 về cơ cấu, giới tính, dân tộc, tôn giáo, trình độ học vấn, chuyên môn, lý luận, ngoại ngữ của đại biểu. Đề tài phân tích những ưu điểm và những hạn chế còn tồn tại của chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thành phố Kon Tum. Đề tài đã đánh giá những ưu điểm và hạn chế còn tồn tại của chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thành phố Kon Tum dựa trên những tiêu chí ở Chương 1 của đã nêu ra.
- Thứ ba, Đề tài đã chỉ ra ba nguyên nhân của ưu điểm và sáu nguyên nhân của hạn chế.
Như vậy, qua phân tích thực trạng chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, đề tài rút ta kết luận: Đề tài đã phân tích những điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa - xã hội tác động đến chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thành phố Kon Tum. Từ đánh giá tổng quát về đại biểu Hội đồng nhân cấp xã trong nhiệm kỳ 2016-2021, đề tài đi phân tích, đánh giá những ưu điểm, hạn chế của chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thành phố Kon Tum và từ đó chỉ ra được những nguyên nhân để làm cơ sở cho việc xây dựng giải pháp nâng cao chất lượng đại biểu Hội đồng nhân cấp xã trong nhiệm kỳ tới. Những vấn đề phân tích, chỉ ra ở Chương 1 và Chương 2 là cơ sở để Đề tài đưa ra tính tất yếu khách quan và giải pháp nâng cao chất lượng đại biểu Hội đồng nhân cấp xã ở thành phố Kon Tum tại Chương 3.
Ở Chương 3, tính tất yếu khách quan và giải pháp nâng cao chất lượng đại biểu Hội đồng nhân cấp xã ở thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
Thứ nhất, từ những vấn đề phân tích chỉ ra ở Chương 1 và Chương 2, Đề tài đưa ra tính tất yếu khách quan của việc bảo đảm nâng cao chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã:
- Xuất phát từ vị trí, vai trò của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
- Xuất phát từ thực trạng chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
- Đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Thứ hai: Đề tài đã đưa ra bảy giải pháp nâng cao chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã của thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum:
- Bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã
- Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật và các kỹ năng cho đại biểu Hội đồng nhân dân.
- Đổi mới cơ chế bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã
- Đảm bảo cơ sở vật chất, chế độ chính sách hợp lý cho đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã
- Nâng cao nhận thức của người dân đối với vị trí, vai trò của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc đảm bảo chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động Hội đồng nhân dân cấp xã
3. Kết luận
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội đồng nhân dân cấp xã đã tạo sự chuyển biến mới trong việc nâng cao chất lượng hoạt động và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo luật định, xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, của dân, do dân và vì dân, góp phần củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đồng thời các địa biểu Hội đồng nhân dân cấp xã cũng đã góp phần quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ của thành phố trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thành phố Kon Tum trong thời gian qua chưa thực sự ngang tầm với vị trí, vai trò; vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở thành phố Kon Tum. Vì vậy, nghiên cứu để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thành phố Kon Tum là nhu cầu bức thiết đặt ra, có ý nghĩa to lớn trong việc tiếp tục củng cố tổ chức và hoạt động của cơ quan đại biểu của nhân dân; tăng cường trách nhiệm của đại biểu, đáp ứng đòi hỏi của cử tri và nhân dân địa phương.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thành phố Kon Tum, đề tài đã đưa ra những giải pháp sát thực với tình hình địa phương nhằm nâng cao chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thành phố Kon Tum. Các giải pháp trên phải được thực hiện một cách đồng bộ để phát huy hơn nữa sức mạnh của Hội đồng nhân dân cấp xã, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.