Nguồn tin: Th.S Nguyễn Lương Thủy, Trưởng phòng QLĐT và NCKH:
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về đạo đức, để Đảng ta đảm đương được sứ mệnh lịch sử trước nhân dân và dân tộc, là nội dung đặc biệt quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, vận dụng vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
1. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức – một tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; coi xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một trong những vấn đề có tính quy luật để Đảng trong sạch, vững mạnh, tồn tại và phát triển, đảm đương được sứ mệnh lịch sử trước nhân dân và dân tộc. Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, những luận điểm của Người về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức nói riêng là một nội dung rất quan trọng. Nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức là một nhiệm vụ rất quan trọng của Đảng ta trong điều kiện hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, đạo đức là nền tảng và là sức mạnh của người cách mạng, như là cái gốc của cây, ngọn nguồn của sông nước. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang vì sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[1].
Đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên cũng như của một Đảng chân chính cách mạng không phải tự nhiên mà có, mà do tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ hằng ngày để phát triển, củng cố, “như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Theo Hồ Chí Minh, “muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”[2].
Về tư cách của một người cán bộ, đảng viên chân chính, Hồ Chí Minh xác định: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những tính tốt như sau, ngày càng thêm. Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”[3].
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: Xây dựng Đảng về đạo đức là cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, giáo dục và tu dưỡng tốt hơn, hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, đặc biệt là giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng. Cán bộ, đảng viên không phải là thần thánh, mà đều là con người, ai cũng có hai mặt tốt - xấu, thiện - ác ở trong lòng. Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải luôn luôn nâng cao đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Với Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng về đạo đức càng quan trọng trong điều kiện Đảng cầm quyền. Để làm cho Đảng ta xứng đáng là một đảng cầm quyền, “mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”[4].
Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là “cẩm nang” đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong quá trình xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ.
2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức hiện nay
Qua 38 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đa số cán bộ, đảng viên của Đảng đã tích cực rèn luyện phẩm chất, năng lực, tiên phong, gương mẫu, năng động, sáng tạo trong công tác, đóng vai trò nòng cốt trong công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, trước những tác động của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan, trong đó có mặt trái, mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, mặt trái của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển khoa học và công nghệ... dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Ngay từ Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994), Đảng ta đã chỉ ra những biểu hiện của suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và coi đó là một trong bốn nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Các kỳ Đại hội Đảng và nhiều hội nghị Trung ương các khóa tiếp tục đánh giá thực trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; xác định việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ vừa cơ bản, lâu dài, vừa có ý nghĩa cấp bách trong công tác xây dựng Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề cập nội dung xây dựng Đảng về đạo đức: “Tập trung thực hiện mục tiêu: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”[5]. Đây là một trong những điểm mới, rất căn bản và trọng yếu trong việc mở rộng nội dung xây dựng Đảng hiện nay.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, trong nhiệm kỳ công tác xây dựng Đảng về đạo đức được Trung ương và các cấp ủy, tổ chức đảng đề cao, nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý có chuyển biến tích cực. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, kịp thời chấn chỉnh tác phong công tác, lối sống xa hoa, lãng phí gây phản cảm trong xã hội và gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, giản dị, tiết kiệm. Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương…Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương và chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên có chuyển biến tích cực, nhất là vai trò tiền phong, gương mẫu của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã đề cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; gương mẫu đi đầu, tận tụy với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc xử lý kỷ luật nghiêm những đảng viên vi phạm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa", cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu đã giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh hành vi, tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong công tác. Công tác xây dựng Đảng về đạo đức đã góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, tiên phong, gương mẫu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy vậy, "công tác xây dựng Đảng về đạo đức vẫn còn có những hạn chế. Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một số suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ; chưa nêu cao ý thức trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân. Thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa trở thành nền nếp, hiệu quả chưa cao. Một số cán bộ vi phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương"[6].
Trong những năm tới, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó dự báo. Sau 38 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, vị thế, sức mạnh tổng hợp và uy tín trên trường quốc tế được nâng lên. Tuy nhiên, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình nêu trên sẽ tác động mạnh, nhiều chiều đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới. Trước yêu cầu của tình hình mới, sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng vào xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay được đặt ra như một nhiệm vụ chính trị cấp bách, hệ trọng, phải được thực hiện nghiêm túc. Có như vậy mới bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, thực sự tiêu biểu cho lương tâm, trí tuệ của dân tộc và thời đại.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức hiện nay, yêu cầu cần thực hiện tốt những nội dung sau đây:
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, nâng cao tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình; coi trọng kiểm tra việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm.
Hai là, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị chỉ đạo ban hành quy định về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm cụ thể của ngành, của cơ quan, đơn vị, làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hàng ngày.
Ba là, đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức; đấu tranh có hiệu quả với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên "tự soi", "tự sửa" và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên.
Bốn là, lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25-10-2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Nêu gương phải thực sự trở thành một nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, kết hợp với phát huy vai trò giám sát của báo chí và Nhân dân đối với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Năm là, kết hợp giữa giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đề cao pháp luật của Nhà nước với giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Thực hiện có hiệu quả việc giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt. Kịp thời biểu dương những điển hình tiên tiến, những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống; đấu tranh mạnh mẽ với các biểu hiện lệch lạc và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống./.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tập 5, tập 15.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.