Công tác thanh tra trên địa bàn thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum - thực trạng và giải pháp

Công tác thanh tra trên địa bàn thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum - thực trạng và giải pháp

    Tác giả bài viết: Trần Thị Thương - Phòng Đào tạo

    Thanh tra nhà nước là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

    Mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

            1. Một số kết quả đạt được

            Hằng năm, trên cơ sở hướng dẫn của thanh tra tỉnh, thanh tra thành phố xây dựng kế hoạch thanh tra sát với yêu cầu nhiệm vụ quản lý trình Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố phê duyệt, từng bước chuyển hướng hoạt động chủ yếu là thanh tra vụ việc sang thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về thanh tra hành chính; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng. Nội dung thanh tra hành chính, tập trung vào các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, các lĩnh vực quan trọng, dễ xảy ra các hiện tượng tiêu cực, vi phạm, tham nhũng, như trong lĩnh vực công tác tổ chức cán bộ, việc sử dụng ngân sách nhà nước; trong việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của thủ trưởng các cơ quan đơn vị. Ngoài ra căn cứ vào tình hình thực tế thanh tra hành chính sẽ tiến hành thanh tra đột xuất khi phát hiện ra cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.

            Trong năm qua, thanh tra thành phố tập trung vào những vấn đề bức xúc, dễ phát sinh các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng như: thanh tra trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội và trách nhiệm trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua đó, để phòng ngừa và phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời có kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, trong ban hành chính sách, pháp luật.

            Đối với công tác cán bộ, tổ chức:

             Thanh tra Thành phố đã ổn định công tác tổ chức, số lượng thanh tra viên được kiện toàn, bổ sung; chất lượng các cuộc thanh tra được nâng lên; thực hiện nghiêm kế hoạch thanh tra được phê duyệt. Qua thanh tra đã phát hiện, xử lý theo thẩm quyền và kịp thời chấn chỉnh những sai sót của đối tượng thanh tra đồng thời kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khắc phục những khuyết điểm, sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.

            Tính từ năm 2017 đến tháng 5 năm 2018 Thanh tra thành phố Kon Tum đã triển khai 03 cuộc thanh tra hành chính trên địa bàn trong đó gồm 02 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và trách nhiệm thủ trưởng và việc thực hiện quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng tại UBND xã Vinh Quang và xã Đăk Blà theo kế hoạch được phê duyệt và thanh tra đột xuất về công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn xã Ia Chim. Đến nay, thanh tra thành phố đã kết thúc 03 cuộc thanh tra hành chính, kết quả thanh tra phát hiện sai phạm với số tiền 217.000.786 đồng và kiến nghị tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với tổ chức, tập thể, cá nhân có vi phạm; không có vụ việc nào có dấu hiệu hình sự phải chuyển cơ quan điều tra cho đến thời điểm này. Cụ thể như sau:

            - Thanh tra đột xuất về lĩnh vực đất đai:

            Kết quả thanh tra cho thấy: Công tác thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn xã giai đoạn 2006-2010 thiếu đồng bộ, chưa đưa ra chỉ tiêu cụ thể, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất chưa được niêm yết công khai theo quy định. Không chỉnh lý các biến động về sử dụng đất đối với các trường hợp đăng ký biến động theo quy định. Chưa thường xuyên phối hợp cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai vào hồ sơ địa chính. Để tồn đọng hơn 2.000 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tập trung đã được UBND xã xét duyệt không đủ điều kiện nhưng không có biện pháp phối hợp giải quyết cho công dân. UBND xã còn lưu giữ 233 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp từ những năm 1998, 2001, 2003, 2004 chưa trao cho người dân nhưng không báo cáo, đề xuất hướng xử lý. Thu tiền sử dụng đất không đúng quy định, để ngoài sổ sách kế toán, không rõ ràng, không đúng đối tượng. UBND xã quản lý, sử dụng đất công ích lỏng lẻo dẫn đến nay không quản lý đối với diện tích hơn 88,6 ha, để người dân chiếm, xác nhận cho một số cán bộ xã và người dân không đúng sự thật để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển nhượng cho người khác. Việc thực hiện chính sách giao đất ở, đất sản xuất cho người đồng bào DTTS theo Quyết định 132/QĐ-TTg còn nhiều thiếu sót, bất cập, nhiều trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không có đất ngoài thực địa để giao cho người dân. Công tác hòa giải tranh chấp đất đai chưa đầy đủ thành phần theo quy định, công tác lưu trữ chưa khoa học, trả lời chưa rõ ràng. Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giải quyết về đất đai theo chỉ đạo của UBND thành phố chưa có kết quả. Công tác ký hợp đồng cho thuê, thu chi tài chính đối với đất công ích còn nhiều bất cập, không đúng quy định.

            Ngoài ra, Đoàn kiểm tra còn phát hiện thời gian giải quyết cho một bộ hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, hồ sơ cấp đổi, cấp lại, hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất từ khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ đến khi trả lại kết quả thường kéo dài, không đúng thời gian quy định; phiếu hẹn không ghi ngày trả kết quả. Sau khi thanh tra, UBND Thành phố đã kỷ luật 03 cán bộ và kiểm điểm 07 cá nhân là lãnh đạo của UBND xã Ia Chim và cán bộ đại chính xã qua các thời kỳ buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai và kịp thời chấn chỉnh những sai phạm của UBND xã.

            - Thanh tra theo kế hoạch việc thực hiện các quy định pháp luật về Phòng chống tham nhũng:

             Thanh tra thành phố đã kết thúc 02 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng tại tại xã Vinh Quang và xã Đăk Blà. Nhìn chung, qua thanh tra cho thấy công tác phòng chống tham nhũng đã được các cơ quan, đơn vị chấp hành khá nghiêm túc từ công tác chỉ đạo đến tổ chức thực hiện. Các cơ quan đơn vị đã thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị và các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến tổ chức và cá nhân. UBND xã còn thực hiện tốt việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức viên chức theo đúng nguyên tắc, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, không ảnh hưởng đến tăng, giảm biên chế đơn vị.

            Tuy nhiên tại xã cũng còn một số tồn tại hạn chế như: Xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) chưa cụ thể, chưa phát huy hiệu quả. Công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức thực hiện hằng năm chưa được kịp thời, một số bản kê khai chưa ghi đầy đủ thông tin theo quy định, có đơn vị chưa công khai bản kê khai tài sản, không thực hiện chế độ lưu trữ đối với các bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai tại đơn vị. Các biểu mẫu công khai minh bạch trong hoạt động tài chính ngân sách chưa đảm bảo theo quy định, chưa thực hiện niêm yết công khai các nội dung công việc liên quan đến nhân dân do UBND xã trực tiếp quản lý (lĩnh vực nhà, đất, xây dựng, các quy định về thu phí, lệ phí,...). Công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN chưa được thực hiện thường xuyên.

            2. Một số khó khăn, hạn chế

            Tuy vậy, trong thực tế công tác thanh tra hành chính vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập như sau:

            - Lực lượng Thanh tra trên địa bàn đã được kiện toàn, bổ sung nhưng vẫn còn thiếu so với yêu cầu; trình độ năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ thanh tra, thanh tra viên còn có những hạn chế nhất định.

            - Hiệu quả công tác thanh tra chưa cao, số vụ việc được thanh tra hành chính trong năm quá ít như số cuộc thanh tra như trong năm 2016 chỉ có 3 cuộc, số cuộc thanh tra; năm 2017 cũng chỉ có 3 cuộc, và tới tháng 5 năm 2018 thanh tra thành phố vẫn chưa triển khai kế hoạch thanh tra hành chính. Với 3 cuộc thanh tra trên một năm thì thực sự chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao cũng như sự kỳ vọng của nhân dân.

            - Nhiều cuộc thanh tra kết luận chậm; phát hiện tham nhũng và số vụ, việc chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự còn ít thậm chí nhưng năm gần đây là không có; tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản qua thanh tra vẫn còn thấp; việc xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật còn hạn chế; Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra xử lý sau thanh tra chưa kiên quyết thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng.

            3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra trên địa bàn thành phố Kon Tum

            Nhằm nâng cao hiệu quả công tác thanh tra hành chính trên địa bàn thành phố Kon Tum, thời gian tới cần thực hiện tốt những giải pháp sau:

            Thứ nhất, quan tâm nâng cao chất lượng, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức thanh tra, nhất là về kỹ năng tác nghiệp thanh tra, kỹ năng tham mưu kết luận và kiến nghị xử lý vi phạm được phát hiện qua thanh tra. Chú trọng việc giáo dục chính trị - tư tưởng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra; thực hiện tốt văn hóa thanh tra; xây dựng người cán bộ, công chức thanh tra có đạo đức, có văn hóa, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Khi phát hiện cán bộ thanh tra có biểu hiện lệch lạc, vi phạm nguyên tắc trong hoạt động thanh tra thì phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, nếu vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm. Các cơ quan thanh tra tích cực, gương mẫu triển khai tổ chức thực hiện quy định và các giải pháp về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra.

            Thứ hai, quy định cho cơ quan thanh tra và thủ trưởng các cơ quan thanh tra có thực quyền, tăng quyền quyết định cho người đứng đầu cơ quan tranh tra, có cơ chế đảm bảo thực hiện quyền, đảm bảo tính chủ động, tự chịu trách nhiệm, tính độc lập trong các quyết định của cơ quan thanh tra. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung cũng như pháp luật về thanh tra hành chính nói riêng, tạo sự đồng bộ, nâng cao tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật là nhiệm vụ cấp bách hiện nay nhằm tăng cường pháp chế Xã hội Chủ nghĩa.

            Thứ ba, hoạt động thanh tra phải được tiến hành theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Quá trình thanh tra, bên cạnh việc tuân thủ các quy định của pháp luật, nhất là quy định của Luật Thanh tra, các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra còn phải bảo đảm đúng theo quy trình thanh tra và quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn thanh tra. Việc ban hành kết luận thanh tra, các kiến nghị và các quyết định xử lý kết quả thanh tra phải đúng pháp luật, khách quan, kịp thời, nghiêm minh, nhưng cũng phải bảo đảm phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện các kiến nghị, kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra. Tập trung thu hồi tiền, tài sản vi phạm nộp vào ngân sách nhà nước và xử lý nghiêm đối với những trường hợp không chấp hành hoặc chấp hành chưa đầy đủ kiến nghị, kết luận thanh tra.

            Thứ tư, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cấp, các ngành cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh công tác thanh tra hành chính. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm toán, kiểm tra Đảng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành./.

    Danh mục
    Tin nổi bật
    Tin liên quan
    Nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn của giảng viên  Trường Chính trị tỉnh Kon Tum

    Nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Kon Tum

    Tham gia tổng kết thực tiễn là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trường chính trị cấp tỉnh). Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13-11-2018 của Ban Bí thư “về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, nêu rõ: “Trường chính trị cấp tỉnh có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương”. Tổng kết thực tiễn góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tư vấn cho cấp ủy, chính quyền địa phương hoạch định chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
    SUY NGHĨ TRÍ THỨC

    SUY NGHĨ TRÍ THỨC

    Đặng Thanh Long Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH và KT tỉnh Kon Tum “Tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt, Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên Có giang sơn, thì sĩ đã có tên, Từ Chu, Hán, vốn sĩ này là quý”
    zalo
    Hotline