Với đặc thù là địa phương có 43 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 07 dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ (Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ-Triêng, Hrê, Brâu, Rơ Măm), chiếm tỷ lệ 54,93% dân số toàn tỉnh; trong các cộng đồng DTTS của tỉnh Kon Tum còn lưu giữ nhiều văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Xác định tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, thiết thực và hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hóa vùng đồng bào DTTS ở địa phương. Đặc biệt, tỉnh đã tập trung nỗ lực triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS và đạt được những kết quả khả quan, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch văn hóa địa phương.
Những nét chung về di sản không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS trên địa bàn tỉnh
Về di sản không gian văn hóa cồng chiêng: Các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh đều có hoạt động sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, gắn liền với các nghi lễ, lễ hội của cộng đồng và thường tổ chức tại nhà rông, nhà sàn, nhà mồ... Mỗi đồng bào dân tộc thiểu số đều có những bộ chiêng lễ, mang tính đặc trưng riêng. Có khoảng 2.270 bộ cồng chiêng của 503 thôn, làng DTTS tại chỗ trên địa bàn toàn tỉnh (bao gồm 351 bộ chiêng của cộng đồng và 1.919 bộ chiêng của hộ gia đình, cá nhân).
Về lễ hội: Đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh có hệ thống nghi lễ, lễ hội truyền thống phong phú, độc đáo, bao gồm: hệ thống nghi lễ, lễ hội liên quan vòng đời con người (Lễ thổi tai, lễ trưởng thành, lễ cưới, tang ma, bỏ mả....); hệ thống nghi lễ, lễ hội liên quan vòng đời cây lúa trong sản xuất nông nghiệp (Lễ phát rẫy, lễ trỉa lúa, lễ ăn lá lúa, lễ ăn giống lúa thừa, lễ mừng lúa mới, lễ mở kho lúa....); hệ thống nghi lễ, lễ hội liên quan đến cộng đồng (Lễ lập làng mới, lễ mừng nhà rông mới, lễ mừng nhà mới, lễ dời làng, lễ cầu mưa, lễ cầu an....). Tùy theo mỗi cộng đồng dân tộc, mỗi thôn/làng mà lựa chọn cách thức, quy mô, thời gian, địa điểm tổ chức khác nhau; và cũng theo đó mà vật hiến sinh được lựa chọn phù hợp với quy mô của nghi lễ được tổ chức......
Về dân ca, dân vũ, dân nhạc: Loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh rất phong phú và độc đáo, bao gồm các làn điệu dân ca, múa xoang, các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc: Làn điệu dân ca của đồng bào các dân tộc thiểu số, bao gồm: Hát đối đáp, hát giao duyên, với nội dung phản ánh về tình yêu đôi lứa, về lao động sản xuất, mối quan hệ giữa con người với con người, nhân cách sống của con người… nhằm đề cao cái đẹp, cái hay trong đời sống, phê phán những thói hư, tật xấu của con người bằng lời ca tiếng hát.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc
Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc các DTTS trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo, triển khai, thực hiện, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp địa phương nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đồng bào các DTTS và đạt được những kết quả nhất định.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành và chỉ đạo ban hành các kế hoạch, chương trình, đề án triển khai thực hiện đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS trên địa bàn tỉnh[1].
Công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng lễ hội truyền thống; công tác lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Công tác trao truyền trong lớp trẻ về văn hóa truyền thống; Công tác trang bị cồng chiêng, trống cho các thôn làng đồng bào DTTS không có cồng chiêng; công tác tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa và tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa do Bộ VHTT&DL và các tỉnh bạn tổ chức..v..v... được chú trọng triển khai, tạo được sự kế thừa và lan tỏa trong cộng đồng, góp phần giới thiệu, quảng bá về cảnh quan - con người - văn hóa Kon Tum đến với khách du lịch trong và ngoài nước; đồng thời, tạo sân chơi lành mạnh đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân.
Truyền dạy cồng chiêng xoang và hướng dẫn đánh chiêng của nghệ nhân A Phoi cho đội cồng chiêng nhí của thôn Đăk Tu xã Đăk Long
Công tác bảo tồn gắn với phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng được triển khai thực hiện thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa trong tỉnh thu hút đồng bào các DTTS tham gia và đã trở thành ngày hội sinh hoạt văn hóa cồng chiêng của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh[2]. Công tác phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống các DTTS được triển khai gắn liền với di sản văn hóa cồng chiêng, sinh hoạt văn hóa cồng chiêng làm chủ đạo và được thực hành xuyên suốt trong phần lễ và phần hội của lễ hội…; Phục dựng, đầu tư nhà rông truyền thống gắn với phát triển du lịch từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi[3]; xây dựng các điểm du lịch, làng du lịch cộng đồng gắn với không gian văn hóa cồng chiêng tại các huyện, thành phố[4].
Tiết mục tham dự Hội thi Liên hoan Cồng chiêng - Xoang học sinh dân tộc thiểu số năm 2023
Tổ chức đưa di sản văn hóa cồng chiêng vào các Trường Dân tộc nội trú, bán trú, trường có tỷ lệ học sinh là người DTTS cao trên địa bàn được ngành Giáo dục và Đào tạo quan tâm[5]. Nhiều trường trang bị bộ cồng chiêng để tổ chức Hội thi cồng chiêng, xoang cho học sinh các trường trên địa bàn toàn tỉnh định kỳ 02 năm một lần. Qua hội thi tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhận thức sâu sắc về giá trị di sản văn hóa cồng chiêng, có ý thức trách nhiệm gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trước xu thế phát triển của xã hội hiện nay, xây dựng tinh thần đoàn kết, nhân ái giữa học sinh DTTS của các địa phương, góp phần xây dựng khối đoàn kết cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Tái hiện lại các nghi lễ truyền thống của đồng bào DTTS
Công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng trên địa bàn được quan tâm triển khai thực hiện thông qua bằng văn bản và hướng dẫn, thông qua việc trao đổi thông tin trực tiếp...nhằm hướng dẫn các địa phương trong công tác bảo tồn, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc trong thời gian qua; kịp thời chấn chỉnh việc bị đồng hóa, làm mai một các giá trị truyền thống.
Chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích đối với nghệ nhân/người có nhiều đóng góp cho bảo tồn di sản không gian văn hóa cồng chiêng được quan tâm. Toàn tỉnh có 89 nghệ nhân được tôn vinh danh hiệu Nghệ nhân ưu tú thuộc các loại hình diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, dân ca, chỉnh âm cồng chiêng....
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc vẫn còn một số tồn tại.
Một số di sản văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc của DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh đang bị mai một, trong khi các nghệ nhân am hiểu về văn hóa truyền thống ngày càng ít, đa số lớp trẻ chưa nhận thức rõ về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và chưa thực sự hiểu và yêu thích với hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc các DTTS chưa được triển khai một cách đồng bộ, toàn diện đối với các DTTS nên kết quả đạt được còn chưa cao.
Đồng bào DTTS tại chỗ trên địa bản tỉnh chủ yếu sản xuất nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn, chủ yếu tập trung cho đời sống kinh tế, chưa quan tâm đúng mức đến bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của chính dân tộc mình.
Người nắm giữ và thực hành di sản văn hóa cồng chiêng; nghi lễ, dân ca, dân vũ, dân nhạc trong cộng đồng người đồng bào DTTS phần lớn là người lớn tuổi, sức khỏe yếu, không được hỗ trợ từ ngân sách khi thực hiện truyền dạy, trừ những nghệ nhân đã được công nhận danh hiệu. Điều kiện để được công nhận danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú theo quy định vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn khi xét duyệt.
Nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp văn hóa nói chung khá khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu cho nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của người DTTS; đội ngũ thực hiện nhiệm vụ ở lĩnh vực văn hóa, nhất là ở cấp xã, thường xuyên thay đổi, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, chưa được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về lĩnh vực công tác nên ảnh hưởng nhiều đến công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, lễ hội, dân ca, dân vũ, dân nhạc của người DTTS tại địa phương.
Điều kiện môi trường tự nhiên và xã hội, quá trình giao lưu hội nhập, phát triển kinh tế đã ảnh hưởng đến không gian trình diễn, diễn xướng văn hóa cồng chiêng; Công tác quản lý, phối hợp bảo vệ cồng chiêng có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, nên tình trạng thất lạc, hư hỏng cồng chiêng vẫn còn diễn ra ở một số ít địa phương. Vẫn chưa có một nghệ nhân nào biết đúc chiêng, chưa có một cơ sở đúc chiêng nào trên địa bàn tỉnh...
Thiếu quy hoạch không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống (nhà rông và sân chơi) khi triển khai công tác ổn định khu dân cư tại các làng đồng bào DTTS tại chỗ. Phần lớn đất có công trình là nhà rông chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Để tiếp tục bảo tồn, phát huy có hiệu quả giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, lãnh, chỉ đạo triển khai các hoạt động bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS.
Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý về công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Triển khai công tác rà soát, kiểm kê di sản không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc của 07 nhóm dân tộc thiểu số cư trú lâu đời trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Rà soát, lập hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú cho người đang thực hành và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của người DTTS tại chỗ tại địa phương khi đủ điều kiện.
Rà soát hiện trạng các bộ cồng chiêng hiện có của các làng đồng bào DTTS được trang bị từ nhiều nguồn khác nhau để có phương án trang bị mới hoặc khắc phục lỗi âm thanh nhằm phát huy giá trị cồng chiêng hiện có, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Thứ hai, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các chủ thể về tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS.
Muốn giữ gìn tốt, bản thân các chủ thể, bao gồm các cơ quan, ban ngành của địa phương, cán bộ cấp cơ sở và đồng bào DTTS phải có nhận thức, trách nhiệm tốt. Đây chính là cơ sở, tiền đề quan trọng để chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các hoạt động hướng dẫn, xây dựng kế hoạch, chương trình, biện pháp giữ gìn đúng đắn, phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, nhận được sự đoàn kết, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Theo đó, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm trước hết ở việc tất cả cán bộ, đảng viên, đồng bào DTTS quán triệt sâu sắc nghị quyết của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, quy định, hướng dẫn của Bộ, ban, ngành từ Trung ương cho đến địa phương về giữ gìn bản sắc văn hóa của từng dân tộc; tổ chức những buổi quán triệt, thông qua các trò chơi, lễ hội, hội thi, hội thao, hội diễn để đồng bào DTTS biết được những quan điểm, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và đồng bào DTTS nói riêng.
Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông cơ sở về công tác bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số cư trú lâu đời trên địa bàn tỉnh.
Phát huy vai trò của người uy tín trong cộng đồng các DTTS trong tuyên truyền bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống.
Thứ ba, tổ chức những hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa đồng bào DTTS thiết thực, hiệu quả.
Tổ chức những hoạt động giữ gìn để tôn vinh, ngợi ca lễ hội, phong tục, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, thúc đẩy các hoạt động kinh tế, xã hội khác phát triển, tăng thêm tính đoàn kết, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, cấp ủy, chính quyền địa phương.
Hỗ trợ các dụng cụ, trang phục văn hóa cho đồng bào các DTTS đảm bảo đúng nguyên bản văn hóa truyền thống, đáp ứng mục đích sử dụng nhằm góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tại chỗ.
Hướng dẫn cụ thể về phục dựng và xây dựng Nhà rông truyền thống phù hợp với tình hình nguyên vật liệu hiện có nhưng vẫn đảm bảo truyền thống.
Triển khai tốt công tác bảo tồn nghề truyền thống có liên quan mật thiết đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng DTTS tại chỗ.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ gắn với bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng, lễ hội, dân ca, dân vũ, dân nhạc và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trang bị, truyền dạy cồng chiêng, các nhạc cụ, dụng cụ văn hóa và xây dựng nhà rông đảm bảo theo truyền thống, không gian sinh hoạt văn hóa của DTTS tại chỗ phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ tư, nâng cao năng lực chuyên môn về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Tổ chức tập huấn công tác chuyên môn về bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống các DTTS cho đội ngũ làm công tác văn hóa các cấp; mở các lớp tập huấn chỉnh chiêng để phát huy giá trị sử dụng của các bộ chiêng hiện có, nhất là các bộ chiêng được trang bị từ ngân sách nhà nước.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý.
Thông qua công tác kiểm tra của các cơ quan, ban, ngành, sẽ hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực, những tệ nạn xã hội, văn hóa lai căng từ bên ngoài có nguy cơ xâm nhập vào văn hóa truyền thống, bản địa của đồng bào DTTS, ngăn chặn, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, nhất là hoạt động chống phá của các thế lực phản động trong và ngoài nước. Công tác kiểm tra, giám sát cần thường xuyên liên tục, bám sát cơ sở, bảo đảm các hoạt động văn hóa đúng với quy định của địa phương, truyền thống văn hóa dân tộc, tránh tình trạng thụ động. Cán bộ cấp cơ sở cần tích cực, chủ động trong hoạt động công tác của mình, nắm chắc địa bàn hoạt động, phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh tại chỗ, đặc biệt là những già làng, trưởng bản, người có uy tín, để phát hiện, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật đối với những đối tượng lợi dụng lễ hội, sinh hoạt văn hóa để trục lợi cá nhân, gây rối, hành đạo trái với phong tục truyền thống địa phương...
Thứ sáu, làm tốt việc sơ kết, tổng kết hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS.
Thông qua việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS để nhìn nhận, đánh giá những việc đã làm được, những việc chưa làm được, từ đó, thảo luận, góp ý, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho thời gian tới. Làm tốt việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể; đồng thời, giúp cho đồng bào DTTS thấy được vị trí, vai trò của mình trong việc phối kết hợp với các bộ phận, lực lượng khác cùng tham gia vào hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS. Đặc biệt, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến với tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp vào hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa đồng bào DTTS; những mô hình du lịch gắn liền với hoạt động quảng bá, giới thiệu văn hóa con người Kon Tum có tác dụng giải quyết việc làm, nâng cao mức sống cho đồng bào.
Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam được hình thành, vun đắp qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước, giữ nước với nhiều giá trị đặc sắc. Cần có nhiều chủ trương, chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển văn hóa, đặc biệt là bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ths. Nguyễn Thị Phương Thảo GV Khoa Nhà nước và Pháp luật
Tài liệu tham khảo:
Báo cáo số 168/BC-SVHTTDL, ngày 20/6/2023 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Giám sát công tác bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum.
[1] Quyết định số 681/QĐ-UBND ngày 30/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025”; Kế hoạch số 3113/KH-UBND ngày 31/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa nhà rông truyền thống các DTTS tại chỗ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch số 2193/KH-UBND ngày 29/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Tổ chức Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum; Kế hoạch số 3579/KH-UBND ngày 05/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Triển khai thực hiện Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum...; Văn bản số 594/UBND-KGVX, ngày 03/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất chủ trương tổ chức lồng ghép công tác bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào các DTTS trong Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; Văn bản số 3429/UBND-KGVX ngày 24/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước và tiếp tục thực hiện Chương trình hành động quốc gia đã cam kết với UNESCO; Chỉ đạo sở VHTT&DL ban hành văn bản số 615/SVHTTDL-QLVH&GĐ ngày 26/4/2022 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh
[2] Ngày hội văn hóa, thể thao các DTTS được tổ chức ở quy mô cấp huyện, cấp xã; Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum được tổ chức quy mô cấp tỉnh; Liên hoan Diễn xướng dân gian các dân tộc Tây Nguyên lần thứ Nhất năm 2022 được tổ chức quy mô cấp khu vực; Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum được tổ chức ở quy mô cấp xã, huyện, tỉnh…
[3] Nhà sàn truyền thống của người Xơ Đăng taị làng Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plong; Nhà Rông văn hóa truyền thống tiêu biểu của người Gia Rai tại Làng Bar Gốc, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy.
[4] Konplong, Thành phố Kon Tum, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Đăk Hà, Sa Thầy..
[5] Xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện dạy học di sản văn hóa trong trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, định hướng các cơ sở giáo dục tích hợp lồng ghép nội dung di sản văn hóa trong các môn học tại nhà trường phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị di sản văn hóa dân tộc