Thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới

Thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới

    Tác giả bài viết: ThS. Trần Thu Hương - Khoa Xây dựng Đảng

    Giải phóng con người khỏi mọi áp bức, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân là mục đích cao cả, nhất quán, xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

           Người chỉ rõ, nhân dân lao động là lực lượng vĩ đại từng bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, đã bao đời chịu đựng gian khổ, đã trải qua biết bao hy sinh trong chiến tranh cho nên mặc dù đã thoát khỏi áp bức của đế quốc nhưng họ đang còn thiếu thốn và thường xuyên bị đói nghèo đe dọa[1], “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”[2]. Do đó, lãnh đạo tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa nhằm xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống cho mọi người dân phải là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam.

          Thực hiện di huấn của Người, từ năm 1986 đến nay, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu quan trọng: Đất nước thoát khỏi khủng hoảng, kinh tế tăng trưởng nhanh, mức sống chung của người dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, vấn đề phân hóa giàu nghèo nổi lên giữa các vùng, các nhóm dân cư. Đặc biệt là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, đời sống người dân còn hết sức khó khăn. Vì vậy, ngay từ sớm vấn đề xóa đói giảm nghèo trở thành chủ đề thảo luận ở nhiều diễn đàn quốc gia. Đảng và Nhà nước luôn coi xóa đói, giảm nghèo toàn diện, bền vững là mục tiêu xuyên suốt và là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, góp phần thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo đã được Đảng và Nhà nước xây dựng thành các chương trình lớn của quốc gia. “Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững”.

           “Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 (Theo Quyết định 1722-QĐ/TTg, ngày 2-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ) hiện đang triển khai thực hiện với một đầu mối quản lý chung nhất là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Trong đó bao gồm 5 dự án thành phần là: Chương trình 30a (giảm nghèo nhanh và bền vững cho các huyện nghèo); Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi); Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình.

           Trong thực tế, các chương trình như: Xây dựng nông thôn mới, cho các hộ nghèo vay vốn để có sinh kế... đã giúp phát triển hạ tầng ở các vùng quê mà người dân cũng từng bước có sinh kế bền vững. Một điều thú vị là tại Việt Nam, mạng viễn thông 4G, 3G được đưa tới tận vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Có nghĩa là internet tốc độ cao có mặt ở khắp nơi tại Việt Nam với giá rẻ, mọi người dân đều có thể tiếp cận, sử dụng.

          Giải quyết vấn đề nghèo đói cũng là thể hiện mạnh mẽ cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ nhằm hướng tới mục tiêu chung là nâng cao mức sống của người dân, giảm nhanh tỷ lệ hộ sống dưới ngưỡng nghèo.

          Ngay từ năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGS) về xóa nghèo. Theo đánh giá của Liên Hợp quốc, Việt Nam đã về đích trước 10 năm so với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo trong thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Việt Nam được xếp thứ 27 trong số 101 nước đang phát triển xét về năng lực xóa đói, giảm nghèo, trên cả các nước trong khu vực như Inđônêsia, Malaysia, Philippin, Thái Lan. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục tăng. Năm 2018, chỉ số HDI Việt Nam đứng thứ 116/189 quốc gia trên thế giới.

          Giảm nghèo là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài của toàn Đảng và toàn dân, để bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong 10 năm tới, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước, cũng như trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện của Chính phủ, chính quyền các cấp nhằm phát huy nội lực của toàn xã hội cũng như sự nỗ lực, vươn lên của người nghèo [1].

          Trong Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 6-1-2017, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh việc phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”. “Không để ai bị bỏ lại phía sau” là phương châm hành động, là quyết tâm của cả hệ thống chính trị Việt Nam, để mọi địa phương, mọi người dân Việt Nam đều được hưởng thành quả của phát triển kinh tế. 

          Với mục tiêu đó, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 5,35%. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 35%. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4% so với năm 2017.

          Sáu tháng đầu năm 2019, đã có 8 huyện thoát nghèo trong tổng số 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. 14 huyện không còn được hưởng cơ chế của Nghị quyết 30a. Sau nhiều năm thực hiện và căn cứ tình hình thực tế tại các địa phương, mục tiêu đến năm 2020 có 50% số huyện nghèo ra khỏi diện Nghị quyết 30a là có thể đạt được.

          Chương trình xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam mang đậm triết lý phát triển xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang đạt được những thành tựu to lớn. Đây thật sự là chương trình có ý nghĩa nhân văn và nhân đạo sâu sắc, là động lực thúc đẩy quá trình hiện thực hóa mục tiêu xóa đói, giảm nghèo phải bảo đảm tính toàn diện, công bằng và bền vững. Học tập và làm theo tinh thần chống giặc đói nghèo của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải biến thành lẽ sống, khát vọng làm giàu, vươn lên trong cuộc sống của toàn thể nhân dân và cả dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay./.


    Tài liệu tham khảo

     [1]. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 612.

     [2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.518.

     [3]. Nguyễn Thị Kim Ngân: “Bước ngoặt mới trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo”, http://www.tapchicongsan.org.vn.

    Danh mục
    Tin nổi bật
    Tin liên quan
    zalo
    Hotline