Tác giả bài viết: ThS. Nguyễn Lương Thủy - Trưởng khoa Xây dựng Đảng
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết (tháng 7/1954) chưa được bao lâu, đế quốc Mỹ đã hất cẳng Pháp, lập nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam, âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Mỹ - Diệm vừa ngang nhiên phá hoại Hiệp định vừa thực thi chính sách "tố cộng", "diệt cộng" cực kỳ dã man nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng của ta đang trụ bám trong dân. Đặc biệt, chúng đề ra Luật 10/59, lê máy chém khắp miền Nam, sát hại hàng ngàn người dân vô tội.
Ở Kon Tum, để dễ bề cai trị, chúng trả lương cho chủ làng, dân vệ để phản động hoá bộ máy nguỵ quyền ở cơ sở, mua chuộc, dụ dỗ bằng vật chất để gây ảnh hưởng kiểm soát tới tận người dân trong làng; tổ chức nên các đoàn thể nhằm tập hợp các thành phần dân chúng ở cơ sở và đội dân vệ có vũ trang để hỗ trợ cho hoạt động của các tổ chức trên. Chúng lập nên các đồn bốt, các căn cứ quân sự để thực hiện việc càn quét, đánh phá, truy lùng cán bộ, uy hiếp Nhân dân. Bên cạnh đó, chúng triệt để dùng chính sách ngu dân, kìm hãm sự phát triển văn hoá - xã hội.
Trước âm mưu trắng trợn, xảo quyệt của địch, cùng lúc với việc chuyển quân đi tập kết, thực hiện chủ trương chiến lược của Trung ương Đảng, tỉnh Kon Tum kịp thời bố trí một số cán bộ, đảng viên cốt cán ở lại bám trụ địa bàn. Ngay trong năm 1954, Liên khu uỷ V chỉ định Ban cán sự Đảng tỉnh gồm 6 đồng chí. Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, Ban cán sự Đảng tổ chức chỉ đạo, xúc tiến khẩn trương việc thực hiện chuyển hướng tư tưởng và tổ chức cho phù hợp với tình hình mới. Phương pháp đấu tranh chống địch: kết hợp hợp pháp, nửa hợp pháp rồi không hợp pháp, lấy hợp pháp rồi nửa hợp pháp làm chính. Trong thời kỳ chuyển hướng đấu tranh, các cấp, cán bộ, đảng viên đã tích cực bám sát cơ sở, tuyên truyền giáo dục quần chúng, lãnh đạo Nhân dân đấu tranh chống địch. Được sự lãnh đạo, hướng dẫn của các cấp, Nhân dân đã đứng lên đấu tranh chống việc dồn dân, bắt lính, đòi hiệp thương tổng tuyển cử; chống lại chính sách cai trị của địch.
Thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng khóa II (1/1959), các tổ chức vũ trang của tỉnh và các huyện được thành lập. Ngày 01/10/1959, tỉnh thành lập đơn vị vũ trang gồm 64 đồng chí tại làng Nước Chè, thuộc H29 (nay thuộc huyện Kon Plông). Các huyện (khu) đều xây dựng từ 1 đến 2 trung đội. Từ đây lực lượng vũ trang luôn đi kèm với đấu tranh chính trị, tạo thêm luồng sinh khí mới trong phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân Kon Tum.
Tháng 3 năm 1960, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ nhất được tổ chức tại núi Ngọc Ang (thuộc quần sơn Ngọc Linh), làng Mô Gia (nay thuộc huyện Tu Mơ Rông). Dưới ánh sáng của Nghị quyết 15 Trung ương Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ nhất Đảng bộ tỉnh Kon Tum đã thể hiện rõ quyết tâm của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Kon Tum: “Nỗ lực cao độ để chuyển tình hình cách mạng Kon Tum lên một bước mới, phối hợp chung với Tây Nguyên và toàn miền nổi dậy, tiến công địch, diệt ác, phá kèm, mở rộng quyền làm chủ, xây dựng căn cứ địa cách mạng vững chắc…”[1]. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I, nhiều phong trào đấu tranh của Nhân dân đã diễn ra, tiêu biểu là chiến thắng của Nhân dân làng Tà Pók (ngày 07/9/1960) - đỉnh cao của phong trào quần chúng chuyển lên thế tấn công và nổi dậy, cũng là cuộc mở màn cho cao trào tấn công và nổi dậy toàn tình chuyển vùng căn cứ lên thế đấu tranh bất hợp pháp chống địch.
Trên cơ sở phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nổi lên mạnh mẽ, để tập hợp đông đảo Nhân dân trong một mặt trận đoàn kết chặt chẽ hơn dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày 03/01/1961, Đại hội đoàn kết các dân tộc toàn tỉnh khai mạc tại làng Đăk Pét, xã Đăk Rơ Manh thuộc H29 (nay thuộc huyện Kon Plông) thành lập Uỷ ban phong trào dân tộc tự trị tỉnh Kon Tum, do đồng chí A Chương làm Chủ tịch. Sự kiện này có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị, thể hiện tinh thần đoàn kết của Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà trước âm mưu chia rẽ của địch. Từ đó, phong trào Nhân dân chống Mỹ, cứu nước trong tỉnh được tập hợp vào một Mặt trận thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh.
Năm 1961, nhận thấy đã thất bại trong chính sách “viện trợ” và “cố vấn” với chiến lược “tố cộng”, “diệt cộng”, đế quốc Mỹ bắt đầu chuyển hướng sang chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Trong đó, “ấp chiến lược’ được Mỹ - Diệm coi là xương sống của chiến lược "chiến tranh đặc biệt", nhằm bình định toàn bộ vùng nông thôn, tấn công tiêu diệt các căn cứ cách mạng và lực lượng vũ trang của ta ở miền núi.
Trước âm mưu và thủ đoạn của địch, thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương về cách mạng miền Nam, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khu uỷ V, Tỉnh uỷ Kon Tum chủ trương củng cố xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể cách mạng và quần chúng ở các cấp; tăng cường bố phòng chặt chẽ và chuẩn bị các điều kiện để đánh địch phản kích; xây dựng bộ đội tỉnh, huyện và du kích tự vệ vững mạnh; đẩy mạnh sản xuất, dự trữ lương thực, phát triển các lò rèn đúc vũ khí và công cụ sản xuất. Bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng chủ lực và các lực lượng vũ trang của tỉnh, ta đã đánh bại hàng loạt cuộc càn quét, dồn dân lập ấp của địch, bảo vệ căn cứ cách mạng. Tính đến giữa năm 1965, ta đã giải phóng hoàn toàn quận lỵ Tu Mơ Rông, phần lớn quận lỵ Đăk Tô, Đăk Sút, phá banh trên 100 ấp chiến lược, giành gần 10.000 dân, làm tan rã 3.000 binh lính địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân tỉnh Kon Tum trong tư thế sẵn sàng đối đầu với quân Mỹ và chuẩn bị đánh bại âm mưu mới của địch với chiến lược "chiến tranh cục bộ".
Tháng 10/1965, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ II được tiến hành tại làng Đăk Viên, xã Tê Xăng, H80 (nay thuộc huyện Tu Mơ Rông). Đại hội đã tổng kết mọi mặt công tác và sự lãnh đạo của Đảng bộ và khẳng định: “...trong thời gian qua Đảng bộ và quân, dân tỉnh Kon Tum đã góp phần cùng cả nước đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của địch”[2]. Đại hội đánh giá cao thắng lợi của phong trào thi đua thực hiện tốt phương châm “hai chân, ba mũi giáp công” phá ấp giành dân, phát triển du kích chiến tranh, xây dựng làng chiến đấu, đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phát triển và trưởng thành. Đại hội xác định chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” với mức cao nhất.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, phát huy truyền thống đoàn kết chiến đấu, quân và dân tỉnh nhà đã phối hợp với lực lượng chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên (B3) bẻ gãy nhiều cuộc hành quân càn quét trong mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 của địch vào các căn cứ quan trọng, làm thất bại âm mưu phản công chiến lược của chúng. Đặc biệt, trong mùa khô 1966-1967 ta giành thắng lợi lớn trong chiến dịch Đông – Tây Sa Thầy I và chiến dịch Sa Thầy II, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 10.000 tên địch. Sau những tổn thất trên, địch có phần co cụm và gấp rút điều chỉnh lại lực lượng trên địa bàn. Trong mùa đông năm 1967, ta mở chiến dịch Đăk Tô nhằm lôi quân chủ lực của địch ra để tiêu diệt, đồng thời đánh sâu vào vùng thị xã, thị trấn, vùng phụ cận và đường giao thông. Kết thúc chiến dịch, ta loại khỏi vòng chiến đấu 5.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 35 máy bay và 127 xe quân sự.
Với những thắng lợi quan trọng đã đạt được trên chiến trường miền Nam trong hai mùa khô, Bộ Chính trị quyết định mở một cuộc tiến công lớn trên toàn chiến trường trong mùa xuân 1968, nhằm chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của Nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Tại Kon Tum, quân và dân trong tỉnh đã hăng hái chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Đúng theo kế hoạch đã định, đêm 29 rạng sáng ngày 30/01/1968 (sáng mùng 1 tết Mậu Thân) cùng với toàn miền Nam, quân và dân tỉnh Kon Tum đã nổ súng mở màn chiến dịch, đồng loạt tấn công các mục tiêu quan trọng của địch tại 2 vùng trọng điểm là thị xã Kon Tum và Đăk Tô - Tân Cảnh. Sau 3 đợt tổng công kích, tổng khởi nghĩa, ta tiêu diệt 3.460 tên địch (trong đó có 1.594 lĩnh Mỹ), phá hủy 110 xe quân sự, 35 máy bay và một số phương tiện chiến tranh khác.
Để tiếp tục lãnh đạo đưa phong trào cách mạng tiến lên, từ ngày 08 đến ngày 15/11/1968, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III họp tại xã Đoàn, H30 (nay là phần phía đông của huyện Đăk Glei). Đại hội đã tổng kết thành tích to lớn của quân, dân trong tỉnh trong thời kì chống chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Trên cơ sở nhận định tình hình, đánh giá ưu khuyết điểm và nguyên nhân tồn tại, Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh trong thời gian tới là: “Tăng cường đoàn kết nhất trí nội bộ, nâng cao nhiệt tình cách mạng, phát huy khí thế tiến công, động viên sự nỗ lực cao nhất của tòan Đảng bộ, toàn quân, toàn dân quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Phát huy thắng lợi vừa qua, khẩn trương tăng cường thực lực chính trị, vũ trang, kinh tế (cơ sở vật chất), thực hiện tốt chính sách, tiếp tục đẩy mạnh tổng công kích, tổng khởi nghĩa đánh bại mọi âm mưu của địch, góp phần giành thắng lợi quyết định ở miền Nam. Đồng thời tạo mọi điều kiện, mọi lực lượng sẵn sàng đối phó thắng lợi với mọi cục diện và tình huống xảy ra. Ra sức xây dựng Đảng bộ vững mạnh về tư tưởng và tổ chức, đúng đường lối giai cấp, phương châm và nguyên tắc của Đảng”[3].
Sau chiến dịch Tết Mậu Thân của ta, Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh, thay thế chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bằng chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”. Tại tỉnh Kon Tum, địch vừa tiếp tục thực hiện âm mưu “quét và giữ”, tập trung đẩy mạnh “bình định cấp tốc” và từng bước “phi Mỹ hóa”. Đông - Xuân năm 1968-1969, địch quyết tâm thực hiện chương trình “bình định cấp tốc” ở tỉnh Kon Tum, xem đó là mục tiêu hàng đầu để mở ra lấn đất, giành dân với ta, tăng cường lực lượng cho quân ngụy, đánh bại lực lượng cách mạng địa phương một cách nhanh chóng. Sau khi tập hợp lực lượng, địch cùng lúc bắn phá ta trên khắp các vùng chiến lược nhằm bình định lấn chiếm, giành và giữ dân.
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Kon Tum đã quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Khu ủy V; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra; lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư chúc Tết đầu Xuân Kỷ Dậu – 1969:
“Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”[4]
Tỉnh ủy Kon Tum đã tập trung sức lãnh đạo, động viên quân và dân toàn tỉnh khắc phục khó khăn gian khổ, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, cùng cả nước đánh những đòn quyết định vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch. Đầu năm 1969, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã đồng loạt tấn công tiêu diệt các cứ điểm của địch tại thị xã Kon Tum, Măng Đen, Măng Bút, Đăk Tô, Tân Cảnh và Đăk Pét. Trong mùa xuân năm 1969, lực lượng trong tỉnh đã đánh 213 trận, diệt 2.012 tên địch, bắt sống 102 tên, phá hủy 174 xe (77 xe tăng), bắn rơi và phá hủy 27 máy bay, thu 68 súng các loại, giải phóng thêm được 300 dân và làm lỏng kẹp 20.000 dân. Tiếp đó, các đợt Xuân - Hè và Thu - Đông 1970, 1971, ta liên tục tấn công địch, tiếp tục xây dựng, củng cố và bảo vệ vùng giải phóng. Kế hoạch “bình định cấp tốc” của địch cơ bản bị ta đánh bại.
Từ ngày 26/10 đến ngày 01/11/1971, tại làng Konxia, xã Ngọc Lây, huyện H80 (nay là huyện Tu Mơ Rông), Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ IV được tiến hành. Trên cơ sở tổng kết phong trào cách mạng địa phương từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III đến nay, với nhiệm vụ trọng tâm là chống âm mưu “bình định nông thôn” của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh", Đại hội đề ra nhiệm vụ chung của tỉnh Đảng bộ và quân dân ta và đề ra nhiệm vụ trung tâm trước mắt là: “kiên quyết phát triển thế tấn công địch mạnh mẽ, liên tục, rộng lớn trên khắp ba vùng; tiêu diệt và làm tan rã phần lớn quân ngụy; phát động quần chúng nổi dậy vũ trang khởi nghĩa; đánh bại âm mưu bình định của địch, giành giữ dân, giành quyền làm chủ và giải phóng từng vùng rộng lớn; khẩn trương xây dựng, phát triển thực lực ta nhảy vọt, ra sức xây dựng vùng ta vững mạnh”[5]. Đại hội chỉ đạo cần nắm vững và vận dụng tốt các phương châm lớn: “tấn công địch trên 3 vùng chiến lược; tấn công địch bằng 3 mũi giáp công; nắm vững mối quan hệ giữa tấn công và xây dựng; nắm vững đánh lâu dài, trên cơ sở đánh lâu dài, nổ lực giành thắng lợi to lớn càng sớm càng tốt”[6]. Thực hiện Nghị quyết Đại hội, ngay từ cuối năm 1971, toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân trong tỉnh đã nổ lực chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công và nổi dậy năm 1972.
Quán triệt chủ trương của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 20 (từ ngày 27/1/1972 đến 11/2/1972) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: "Đánh bại chính sách "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ, đánh bại "học thuyết Nixon", giành thắng lợi to lớn to lớn hơn nữa cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước"[7], Quân ủy Trung ương mở chiến dịch tấn công chiến lược trên toàn miền Nam. Bộ Tổng Tư lệnh xác định Tây Nguyên là hướng tiến công của bộ đội chủ lực trong cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè 1972. Kon Tum – Đăk Tô - Tân Cảnh được xác định là mũi trọng yếu, then chốt của chiến dịch với nhiệm vụ: “Tiêu diệt địch, giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh, có điều kiện thì giải phóng thị xã Kon Tum. Hướng phát triển có thể là hướng Plei Ku; có điều kiện thì mở rộng vùng giải phóng phía tây Plei Ku, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, hình thành căn cứ địa hoàn chỉnh nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ"[8].
Thực hiện chủ trương trên, từ ngày 20/2 đến ngày 26/3/1972, Bộ Tư lệnh B3 mở một đợt tiến công trước chiến dịch Xuân - Hè. Đến trưa ngày 24/4/1972, ta tiêu diệt hoàn toàn căn cứ 42 - Tân Cảnh, giải phóng thị trấn Tân Cảnh, loại khỏi vòng chiến đấu 1.000 tên địch (trong đó có Đại tá Lê Đức Đặt - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 22), bắt 429 tên (có đại tá Sư đoàn phó Vi Văn Bình), bắn rơi 8 máy bay, thu và phá hủy 100 xe các loại, 10 khẩu pháo lớn, hàng vạn viên đạn pháo và toàn bộ kho tàng, phương tiện chiến tranh trong căn cứ. Sau đó ta tiếp tục tấn công căn cứ Đăk Tô II, tiêu diệt và đập tan căn cứ của Trung đoàn 47, Sư đoàn 22, địch vừa mới tăng cường tiến công căn cứ Diên Bình, diệt hai liên đội bảo an, thu 06 pháo, 07 ô tô, 02 máy bay lên thẳng. Ta tiếp tục phát triển thế tấn công phá tan thế trận phòng ngự của địch ở phía Bắc tỉnh Kon Tum, làm cho lực lượng còn lại của địch ở các căn cứ Ngok Rinh Rua, Ngok Bờ Biêng phải co cụm ở Plei Cần. Quân địch ở Tri Lễ, quận lỵ Đăk Tô, phía Tây sông Pô Cô tháo chạy về thị xã Kon Tum.
Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đã mở thêm vùng giải phóng rộng lớn với 25 nghìn đồng bào các dân tộc ở Tân Cảnh, Đăk Tô, Diên Bình và khu đồn Kon Hơ Ring, Kon Hơ Nông, giành được quyền làm chủ. Từ thắng lợi này, Tỉnh ủy đã cử hàng chục cán bộ về cùng với huyện, xã thành lập và củng cố chính quyền cách mạng ở cơ sở, tổ chức các đoàn thể. Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh tháng 4/1972 còn làm xoay chuyển tình thế trên chiến trường, đảo lộn hệ thống phòng ngự của địch tại Bắc Tây Nguyên.
Sau thất bại ở Đăk Tô - Tân Cảnh, địch chỉ còn co cụm ở thị xã Kon Tum và một số cứ điểm lẻ Măng Đen, Măng Bút, Đăk Pét. Tuy nhiên do sự ngoan cố của chính quyền ngụy, chúng liên tục tiến hành đánh nống lấn ra vùng giải phóng của ta. Quán triệt Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng và Nghị quyết của Khu ủy V, tháng 10/1973, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ V được tổ chức tại làng Đăk RLập, xã Đăk Pxy, H16 (nay thuộc xã Đăk Long, huyện Đăk Hà) đã xác định nhiệm vụ chung của toàn Đảng bộ trong thời gian tới là:"Kiên quyết và đánh bại mọi âm mưu lấn chiếm, kéo xúc dân của địch, giữ vững và mở rộng vùng ta, khẩn trương nỗ lực xây dựng, phát triển lực lượng của ta vững mạnh về quân sự, chính trị, kinh tế (cả vùng ta và vùng địch còn tạm thời kiểm soát), chủ động giành thắng lợi trong mọi tình huống, chuyển lên thế tiến công tiêu diệt địch khi thời cơ đến”[9]. Để đánh bại âm mưu và hành động của địch, quân và dân tỉnh nhà vừa tiếp tục đánh địch lấn chiếm vừa thực hiện công tác binh vận và chuẩn bị tấn công địch, mở rộng vùng giải phóng. Phát huy thắng lợi đã đạt được, trong năm 1974, ta lần lượt tấn công và tiêu diệt các cứ điểm Đăk Pét (16/5), Măng Buk (20/8) và Măng Đen (12/10), địch chỉ còn hang ổ cuối cùng tại thị xã Kon Tum. Trong quá trình tấn công địch, lực lượng ta ở phía trước còn tích cực phát triển cơ sở vào vùng địch, đẩy mạnh đấu tranh chính trị và binh địch vận, chú trọng đến phát triển kinh tế, chăm lo đời sống mọi mặt cho nhân dân, xây dựng vùng căn cứ vững chắc.
Trên chiến trường cả nước, thắng lợi to lớn của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và chiến công thần kì của quân và dân ta đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972 đã buộc Chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari vào ngày 27/01/1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Theo Hiệp định này, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, rút toàn bộ quân Mỹ về nước. Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội Việt Nam cộng hoà giữ nguyên lực lượng và vị trí đóng quân trên các địa bàn hiện tại.
Tuy nhiên, sau khi rút quân, Mỹ vẫn tiếp tục cài cắm lực lượng ở lại và tiếp tục chi viện về tài chính để chính quyền tay sai thực thi chính sách “tràn ngập lãnh thổ” ở miền Nam Việt Nam.
Cuối năm 1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã họp phân tích tình hình địch, ta trên chiến trường và hạ quyết tâm nếu thời cơ đến thì nhanh chóng chớp lấy để giải phóng miền Nam. Thực hiện chủ trương của Trung ương, Đảng bộ và quân dân tỉnh nhà với nỗ lực cao nhất, ra sức chuẩn bị mọi mặt phối hợp cùng bộ đội chủ lực, vừa đánh địch giữ thế chiến lược, vừa tích cực góp sức cùng Mặt trận Tây Nguyên giành thắng lợi quyết định. Ban Chỉ huy tiền phương được thành lập. Để chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, ta hình thành thế trận tấn công vào thị xã. Ngày 04/3/1975, Chiến dịch Tây Nguyên mở màn. Cùng thời gian tấn công địch khắp mặt trận Tây Nguyên, tại Kon Tum hoả lực của Tỉnh đội và lực lượng chủ lực đánh chiếm các khu quân sự và khu kho trong thị xã của địch, khống chế sân bay, khu cảnh sát dã chiến, trạm tiếp điện Chư Hreng. Lực lượng của ta nhanh chóng tấn công các chốt điểm xung quanh thị xã, các ấp và các khu dồn trong vùng. Sau khi nghe tin Buôn Ma Thuột thất thủ (11/3/1975), ngày 15/3/1975 địch ở Kon Tum bắt đầu rút chạy. Ta vừa đánh chặn tiêu diệt địch vừa tấn công các cứ điểm quan trọng bên trong thị xã.
Trưa ngày 16/3/1975, các lực lượng của tỉnh từ các hướng áp sát vào thị xã Kon Tum, tiếp quản một số vùng phụ cận. Tiểu đoàn 304 tiếp tục mai phục đón đánh tiêu diệt tàn quân địch rút chạy, đánh sập một cầu và tiêu diệt gọn địch ở phía nam khu vực đèo Sao Mai. Cũng trong ngày 16/3/1975, ta đánh và chiếm quận lỵ Đăk Tô (lưu vong), vây ép địch ở phía bắc và phía đông. Các lực lượng tây nam thị xã tước vũ khí hai trung đội nghĩa quân, dùng lực lượng này cùng với lực lượng của ta chiếm ấp Tân Điền, Phương Hoà, áp sát nam cầu Đăk Bla.
Khi các lực lượng của ta từ các hướng chuẩn bị tấn công vào các mục tiêu trung tâm đầu não của địch ở thị xã thì tên Phạm Đình Hùng (Tỉnh trưởng tỉnh Kon Tum) mới giật mình hay biết quân chủ lực ngụy đã rút hết. Y vội vàng nắm lấy ba tiểu đoàn biệt động quân mở đường máu tiến ra đường 14, tìm hướng về Gia Lai nhưng bị lực lượng của ta chặn đánh, địch tan rã, rút chạy. Phạm Đình Hùng và đám tàn quân còn lại thoát chạy đến Cheo Reo (Gia Lai) cũng bị chủ lực quân giải phóng chặn đánh và tiêu diệt. Đêm ngày 17/3/1975[10], tất cả các lực lượng vũ trang và chính trị trong tỉnh, cùng với các mũi đột kích của chủ lực Sư đoàn 968 đột nhập chiếm lĩnh và làm chủ các khu vực quân sự và chính trị trọng yếu, tiêu diệt tất cả các ổ đề kháng cuối cùng của địch, nhanh chóng triển khai chiếm toàn bộ thị xã Kon Tum.
Thị xã Kon Tum là sào huyệt trung tâm, hang ổ trú ẩn cuối cùng của địch trong tỉnh đã bị quân và dân ta quét sạch. Cờ giải phóng tung bay trên khắp bầu trời thị xã. Trong niềm vui tràn ngập khí thế chiến thắng, Nhân dân thị xã vui mừng tổ chức đón chào cán bộ, chiến sĩ giải phóng, những người con trung kiên dũng cảm thân thương của quê hương vào giải phóng thị xã, chào đón những đoàn cán bộ cùng với các lực lượng của tỉnh từ vùng căn cứ tiến vào tiếp quản thị xã.
Để nhanh chóng ổn định mọi mặt tình hình sau giải phóng, Tỉnh uỷ thành lập Uỷ ban quân quản thị xã do đồng chí Trần Thanh Dân (Phó Bí thư Tỉnh uỷ) làm chủ tịch, đồng chí Nguyễn Thế Vũ (Bí thư Ban cán sự H5) làm Phó Chủ tịch để tiến hành công việc tiếp quản. Toàn thị xã được chia làm tám khu vực tiếp quản, mỗi khu vực đều có một Ban quân quản cấp cơ sở do các đồng chí đội trưởng đội công tác lam trưởng ban. Các khu vực và các nơi quan trọng đều giao cho các đồng chí Thường vụ các cấp uỷ phụ trách.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng toàn tỉnh mùa Xuân năm 1975 thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh; sự lãnh đạo, chỉ đạo nhạy bén, linh hoạt của Đảng bộ, thúc đẩy tình hình theo hướng chỉ đạo của cấp trên, làm chuyển biến nhanh chóng giành thắng lợi giòn giã toàn tỉnh; đồng thời tốt công tác nghi binh thu hút địch ở chiến trường thứ yếu, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho chiến trường chính Buôn Ma Thuột tấn công địch giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân tỉnh Kon Tum góp phần cùng với cả nước làm nên chiến thắng rực rỡ mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, tô đậm thêm trang sử vàng của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh./.
Tài liệu tham khảo:
1. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum, tập I (1930-1975), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.2019.
2. Đề cương tuyên truyền: Kỷ niệm 105 năm thành lập tỉnh Kon Tum (09/02/1913 – 09/02/2018) (http://www.tuyengiaokontum.org.vn).
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.2004, tập 33.
[1] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum, tập I (1930-1975), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.2019, tr.247.
[2] Sđd, tr.325.
[3] Sđd, tr.371-372.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011 tập 15, tr.532.
[5] Sđd, tr.429-430.
[6] Sđd, tr.431.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2004, tập 33, tr.143.
[8] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum, tập I (1930-1975), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.2019, tr.432-433.
[9] Sđd, tr.468.
[10] Thông báo số 59-TB/TU ngày 17-3-2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã thống nhất chọn ngày 16-3-1975 (thời điểm lực lượng ta tấn công, đánh chiếm và làm chủ thị xã) làm ngày kỷ niệm Ngày giải phóng tỉnh Kon Tum.