Tác giả bài viết: Mai Văn Bay -Trưởng phòng Đào tạo
Cán bộ, đảng viên là nhân tố hàng đầu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị. Phẩm chất chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống là nhân tố có ý nghĩa nền tảng, căn bản, quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, đảng viên và hiệu quả tổ chức, hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đạo đức là nền tảng của người cách mạng, của bộ, đảng viên, cũng như gốc của cây, nguồn của sông. Đảng và Nhà nước ta đã quán triệt tư tưởng của Người vào xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng bộ máy Đảng, Nhà nước, đã thu được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới, đội ngũ cán bộ, đảng viên bộc lộ nhiều yếu kém. Nghị quyết Trung ương 4 (NQTƯ4) khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”[1], Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, lại nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy Nhà nước… Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hóa”.[2]
Để ngăn chặn được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên một cách có hiệu quả, đòi hỏi các chủ thể, các tổ chức phải thực hiện nhiều giải pháp toàn diện, đồng bộ. Trong đó, giải pháp có vị trí, vai trò rất quan trọng là phải thường xuyên quan tâm chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên cả về phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác. Qua đó, không ngừng nâng cao “sức đề kháng” của cán bộ, đảng viên, theo phương châm kết hợp chặt chẽ giữa “xây” với “chống”, lấy “xây”, “phòng” là chính, coi trọng công tác bồi dưỡng phẩm chất chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Việc bồi dưỡng phẩm chất chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, theo chúng tôi cần cần tập trung:
Một là, đảm bảo sự kiên định lý tưởng, mục tiêu của Đảng và tính tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên trên cơ sở khoa học - thực tiễn vững chắc.
Lý tưởng của Đảng được xây dựng trên lập trường duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Lý tưởng này sở dĩ có tính cách mạng triệt để là vì nó dựa vào thuộc tính khoa học và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đồng thời nó được thực hiện, được giữ vững bởi ý chí, phẩm chất đạo đức Việt Nam, mà tiêu biểu là ở đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Kiên định lý tưởng và mục tiêu của Đảng, trước tiên, là phải bồi dưỡng phương pháp biện chứng duy vật để tiếp cận, vận dụng sáng tạo mỗi quan điểm, nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng theo quan điểm lịch sử - cụ thể; gắn với kinh nghiệm thực tiễn, đông thời đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên nhận thức rõ “quy luật mâu thuẫn” chấp nhận mâu thuẫn để trong quá trình thực hiện và kiên định lý tưởng và mục tiêu của Đảng, mà phát hiện, phân tích và giải quyết mâu thuẫn, kể cả dự báo mâu thuẫn mới nảy sinh trong quá trình giải quyết mâu thuẫn hiện tại. Có như vậy, việc kiên định lý tưởng, mục tiêu có tính cách mạng của Đảng mới dựa trên cơ sở khoa học, cách mạng, nhân văn và khoa học.
Mặt khác, bồi dưỡng lý tưởng và năng lực thực hiện mục tiêu của Đảng, cũng như tính tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên không tách rời việc bồi dưỡng đạo đức của người Việt Nam mới theo tinh thần Nghị quyết lần thứ chín, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, với mục tiêu: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Đồng thời, người cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ cần thực hiện theo tư duy, phương pháp, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh: một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, khiêm tốn, trung thực, dũng cảm; chống phô trương hình thức; chống tham nhũng, lãng phí, dối tra, hối lộ, bê tha, trụy lạc, nói không đi đôi với làm, chạy theo danh vọng, địa vị, tư lợi cá nhân, tha hóa quyền lực; động viên cha, mẹ, vợ, chồng và giáo dục con giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không vi phạm pháp luật, không để người thân lợi dụng quyền hạn của mình để trục lợi; không có các biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Việc thực hiện các nội dung trên, cán bộ, đảng viên sẽ luôn chủ động kiên định lý tưởng, mục tiêu của Đảng và nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi người.
Hai là, giữ vững sự kiên định đi đôi với tích cực thực hiện lý tưởng và mục tiêu của Đảng trong thực tế.
Kiên định là thái độ, tư cách, ý chí giữ vững lập trường tư tưởng, đồng thời hành động, không dao động trước mọi khó khăn, trở ngại trong quá trình tổ chức thực hiện mục tiêu “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Kiên định phải dựa trên cơ sở khoa học - thực tiễn vững chắc là dựa vào phương pháp biện chứng duy vật, được chứng minh bằng hành động trong thực tế, với tư duy và đạo đức của người Việt Nam trong thời đại mới.
Tích cực thực hiện lý tưởng và mục tiêu của Đảng trong thực tế là hòn đá thử vàng đối với thái độ, tư cách giữ vững lập trường tư tưởng và ý chí hành động của cán bộ, đảng viên trong mọi hoàn cảnh.
Ba là, nâng cao tính kiên định, kiên quyết phòng, chống những quan niệm, hành động sai lầm, thù địch, chống đối lý tưởng, mục tiêu của Đảng.
Kiên định là thái độ, tư cách, ý chí trong việc phòng, chống những quan niệm, hành động sai lầm, thù địch, chống đối lý tưởng, mục tiêu của Đảng. Kiên quyết là bày tỏ rõ ràng thái độ, tư cách, ý chí; đồng thời có hành động cụ thể để thực hiện nhất quán thái độ, tư cách, ý chí trong việc phòng, chống những quan niệm, hành động sai lầm, thù địch, chống đối lý tưởng, mục tiêu của Đảng. Kiên quyết là thực hiện việc kiên định lý tưởng mục tiêu của Đảng trên thực tế. Đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, vận dụng đúng đắn quy luật khách quan, lịch sử cụ thể để phản bác, bảo vệ mục tiêu, lý tưởng của Đảng; không kiên định nửa vời hoặc rời rạc. Và như vậy, kiên định luôn luôn gắn với kiên quyết, nhất là trước khó khăn, trở lực và trước những quan niệm, hành động sai lầm, thù địch, chống đối lý tưởng, mục tiêu của Đảng.
Bốn là, một lòng một dạ phục vụ nhân dân.
Phẩm chất chính trị của người cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với Hồ Chí Minh, xây dựng và chỉnh đốn Đảng vì mục tiêu lâu dài là phải làm cho Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng thấy rõ việc phục vụ nhân dân, chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân là trách nhiệm, là nghĩa vụ, là niềm vinh dự, là nguồn hạnh phúc của chính mình. Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, Đảng ta - Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam; ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng không có lợi ích nào khác, Đảng đại biểu cho lợi ích chung của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động chứ không phải là mưu cầu lợi ích riêng cho một nhóm người, cho một cá nhân nào. Và, cũng do Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nên Đảng phải xây dựng “quan hệ máu thịt” với nhân dân, có trách nhiệm phục vụ nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ; mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng đều phải nêu cao tinh thần phụ trách trước Đảng, trước nhân dân; nêu cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân bằng những việc làm thiết thực, cụ thể; giải quyết có hiệu quả mọi khiếu nại, tố cáo chính đáng của nhân dân; kiên quyết chống mọi biểu hiện vô cảm, quan liêu, mệnh lệnh, hách dịch, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân. Trong thực thi nhiệm vụ, mỗi cán bộ, đảng viên phải có tình thương yêu, đoàn kết, hợp tác với đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp; đoàn kết, hợp tác quốc tế, phòng chống chia rẽ, bè phái, cục bộ địa phương, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.
Tóm lại, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, nên “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, “phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm” và nhất là, phải quan tâm trước hết đến “công việc đối với con người”[3], mỗi một cán bộ, đảng viên của Đảng phải luôn bồi dưỡng phẩm chất chính tri, để thật sự là người lãnh đạo chân chính, là người “đầy tớ” thật trung thành với nhân dân./.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội 2012, tr 22
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, tr 22-23
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia. H, 2011, t.12, tr.498, 503