Công tác bảo vệ bí mật nhà nước, Một số vấn đề đặt ra ở tỉnh Kon Tum hiện nay

Công tác bảo vệ bí mật nhà nước, Một số vấn đề đặt ra ở tỉnh Kon Tum hiện nay

    Tác giả bài viết: ThS. Nguyễn Thọ Hòa

    Nguồn tin: Trưởng khoa nhà nước và pháp luật

    Bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo vệ chính trị nội bộ có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; là nhiệm vụ rất quan trọng trong bảo vệ an ninh chính trị quốc gia, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang đỏi hỏi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị phải hiểu và nắm rõ.
     

     Bí mật nhà nước (BMNN) là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của pháp luật, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc (khoản 1, điều 2 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018).

         Bảo vệ bí mật nhà nước là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng lực lượng, phương tiện, biện pháp để phòng, chống xâm phạm bí mật nhà nước (khoản 2, điều 2 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018).

         Như vậy, theo khái niệm trên những thông tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói hoặc các dạng khác có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng, đối ngoại, kinh tế, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố. BMNN khi bị tiết lộ, công khai rất có thể gây nguy hại cho Nhà nước, tổ chức. 

         Trong những năm qua, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh Kon Tum tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm túc quy định về bảo vệ bí mật nhà nước đạt được những kết quả quan trọng, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh nội bộ, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển KT - XH và hội nhập quốc tế của tỉnh. Kết quả đạt được cụ thể như sau.

         - Về công tác truyên truyền, quán triệt, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.

         Tỉnh ủy -  UBND tỉnh chủ động xây dựng hệ thống văn bản, kế hoạch, truyên truyền, quán triệt và thực hiện các văn bản công tác bảo vệ BMNN đến các cơ quan, đơn vị, địa phương, các cấp, các ngành trong toàn tỉnh như: Pháp lệnh bảo vệ BMNN, Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ BMNN, Thông tư số 12/2002/TT-BCA(A11) của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ; Chỉ thị số 02/CT-TTg, ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ BMNN hiện nay; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2568/VPCP-NC, ngày 13/9/2019 của Văn phòng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ BMNNvà các văn bản quy định về công tác bảo vệ BMNN. Đối với Tỉnh ủy – UBND tỉnh đã ban hành, quán triệt thực hiện các văn bản: Kế hoạch số 1842/KH-UBND, ngày 10/10/2012 của UBND tỉnh Kon Tum về thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ BMNN trong tình hình mới; Quy chế bảo vệ BMNN trên địa bàn tỉnh Kon Tum ban hành theo Quyết định số 11/2018/QĐ-UBND, ngày 19/4/2018 của UBND tỉnh Kon Tum; Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 22/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 1044/KH-UBND, ngày 27/4/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 22/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ BMNN...Nhìn chung, các văn bản đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc tổ chức thực hiện. Đồng thời, Ban Chỉ đạo công tác bảo vệ bí mật nhà nước tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, địa phương đơn vị thực hiện đúng quy định về công tác bảo vệ BMNN...

         - Về công tác bảo vệ BMNN trong soạn thảo, lưu giữ, thống kê, in, sao, chụp, phổ biến, vận chuyển, giao nhận, truyền đưa tài liệu có nội dung BMNN.

         Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ BMNN trong soạn thảo, lưu giữ, thống kê, in, sao, chụp, phổ biến, vận chuyển, giao nhận, truyền đưa tài liệu có nội dung BMNN, hiện nay trên địa bàn tỉnh, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước. Trong thống kê, lưu giữ, bảo quản tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước đã được thống kê theo trình tự thời gian và độ mật bằng các biện pháp thích hợp bảo đảm an toàn. Trong vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước các cơ quan, đơn vị đã thực hiện theo nguyên tắc giữ kín, niêm phong và có các biện pháp bảo quản, bảo đảm an toàn, trường hợp cần thiết có lực lượng bảo vệ. Đồng thời, sau đợt thanh tra công tác bảo vệ BMNN của các cơ quan có thẩm quyền, Cơ quan có chức năng của tỉnh đã kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh, yêu cầu sửa chữa và có kế hoạch, báo cáo khắc phục của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

         - Về kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác bảo vệ BMNN: Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh ủy tại Chỉ thị số 13 - CT/TU, ngày 22 tháng 01 năm 2018 của Ban Thường vụ tỉnh ủy Kon Tum về tăng cường công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đến nay cơ bản, các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo hoặc Tổ công tác bảo vệ BMNN. Ngoài ra, hàng năm, trên cơ sở các quy định pháp luật về bảo vệ BMNN, các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh tổ chức sơ kết hàng năm, tổng kết định kỳ để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, đồng thời, đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tiếp theo.

         - Đối với vấn đề lộ, lọt bí mật nhà nước, trong các năm qua cơ bản, các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh không xảy ra lộ, lọt, mất bí mật nhà nước.

         - Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, các cơ quan có chức năng (Công an tỉnh) đã tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, qua thanh tra cơ bản đã thực hiện tốt vể pháp luật về bảo vệ BMNN. Đối với một số cơ quan, đơn vị, địa phương qua thanh tra có một số sai sót, đoàn thanh tra đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác bảo vệ BMNN.

         Tuy nhiên trong thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước ở tỉnh Kon Tum vẫn còn tồn tại hạn chế như sau:

         - Việc triển khai thực hiện công tác bảo vệ BMNN trong tình hình hiện nay, nhất là bảo vệ BMNN trên không gian mạng, an toàn thông tin còn nhiều khó khăn, do thiếu đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực này.

         -  Một số cán bộ, công chức chưa nhận thức đầy đủ các quy định về công tác bảo vệ BMNN, chưa nắm vững danh mục BMNN của ngành nên còn lúng túng trong việc xác định độ mật của văn bản khi soạn thảo; công tác phân loại, bảo quản, lưu trữ tài liệu mật còn chưa đúng quy định. Đặc biệt còn thiếu cán bộ có trình độ về công nghệ thông tin làm công tác bảo vệ BMNN dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc bảo vệ, kiểm tra phát hiện đấu tranh, ngăn chặn lộ, lọt, đánh cắp, chiếm đoạt BMNN trên mạng Internet, mạng LAN, hệ thống eOffice và các thiết bị lưu giữ thông tin...

         - Cán bộ làm công tác bảo vệ BMNN tại các cơ quan, đơn vị, địa phương đều là cán bộ kiêm nhiệm. Một số đơn vị, địa phương chưa tổ chức cho cán bộ ký cam kết bảo vệ BMNN.

         - Việc thực hiện các quy định của Luật bảo vệ BMNN, nhất là các điều khoản chuyển tiếp chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, chưa có quy định về các loại mẫu dấu phù hợp, thống nhất trong rà soát, đề xuất gia hạn hoặc giải mật. Đồng thời, danh mục BMNN cũng chưa được đổi mới nên việc rà soát tài liệu mang nội dung BMNN thực hiện theo danh mục cũ sẽ không phù hợp khi danh mục BMNN mới được ban hành và thực hiện. Do đó, việc rà soát và thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN cần được thực hiện đồng loạt và thống nhất.

         - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn nhiều máy vi tính có cấu hình thấp, đa số sử dụng hệ điều hành và các ứng dụng không bản quyền nên còn tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật, dễ bị tin tặc tấn công gây mất an toàn, an ninh thông tin đối với các tài liệu lưu trữ trên các máy này. Việc áp dụng công nghệ thông tin chưa thống nhất, đồng bộ trong việc điều hành quản lý nhà nước của các cơ quan, ban, ngành cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lộ, lọt BMNN.

         - Việc sử dụng các thiết bị lưu trữ ngoài (USB, ổ cứng di động...) để lưu trữ tài liệu có nội dung BMNN hoặc làm trung gian truyền đưa dữ liệu kết nối giữa máy vi tính có nối mạng Internet và máy tính dùng soạn thảo văn bản mang nội dung BMNN vẫn còn xảy ra.

         Những hạn chế trên ít, nhiều ảnh hưởng công tác BVBM nhà nước ở tỉnh ta trong thời gian qua.Vì vậy trong thời gian tới, đòi hỏi từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước phải quán triệt và thực hiện nghiêm các yêu cầu sau:

         - Tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về các chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác bảo vệ BMNN ; nâng cao cảnh giác trước âm mưu, hoạt động tình báo, gián điệp để đánh cắp, chiếm đoạt BMNN của các cơ quan đặc biệt nước ngoài. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương trong nhiệm vụ bảo vệ BMNN. Triển khai thực hiện đầy đủ, đúng quy định của Đảng, Nhà nước về bảo vệ bí mật; chủ động khắc phục ngay các hạn chế, thiếu sót trong công tác bảo vệ BMNN.

         - Thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng các tiêu chuẩn về chính trị, trình độ, năng lực công tác, nhất là số cán bộ làm việc tại các cơ quan, bộ phận trọng yếu, cơ mật hoặc có điều kiện tiếp xúc BMNN. Trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức phải chú ý về tiêu chuẩn chính trị; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước trong quan hệ, tiếp xúc với người nước ngoài...; nâng cao ý thức cảnh giác, không để các thế lực thù địch và các loại đối tượng lợi dụng, móc nối, tuyển lựa để thu thập BMNN.

         - Phối hợp chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xác minh, làm rõ những nghi vấn liên quan đến việc cung cấp BMNN cho tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để có biện pháp xử lý nghiêm minh, kịp thời theo quy định của pháp luật.

         - Thực hiện nghiêm việc thu hồi tài liệu BMNN của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ nắm giữ BMNN khi chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc từ trần; cán bộ làm công tác liên quan đến BMNN khi chuyển công tác, nghỉ hưu phải có văn bản cam kết không tiết lộ BMNN.

         Đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ BMNN trong một số lĩnh vực sau:

         + Công nghệ thông tin

          - Nghiêm cấm việc soạn thảo, lưu giữ BMNN trên các thiết bị có kết nối Internet; không đăng tải, truyền đưa thông tin BMNN trên mạng Internet.

         - Thực hiện nghiêm Quy chế quản lý, sử dụng và bảo vệ mạng thông tin diện rộng của Đảng bộ tỉnh (ban hành theo Quyết định số 1640-QĐ/TU ngày 23-4-2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy) và Quy chế về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum (ban hành kèm theo Quyết định số 24/2016/QĐ-UBND, ngày 17-6-2016 của Uỷ ban nhân dân tỉnh). Các cơ quan, đơn vị, địa phương soạn thảo, lưu trữ BMNN phải bố trí, sử dụng máy vi tính riêng (không kết nối mạng Internet, mạng nội bộ, mạng diện rộng…).

         + Báo chí xuất bản: Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 25-12-1997 của Bộ Chính trị “về việc nói và viết những vấn đề liên quan đến lịch sử và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, Nghị định số 09/2017/NĐ-CP, ngày 09-02-2017 của Chính phủ "quy định chi tiết về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước". Việc viết và xuất bản hồi ký, tự truyện phải chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN và Luật Xuất bản, Luật Báo chí. Nghiêm cấm cung cấp thông tin BMNN cho cơ quan báo chí.

         + Trong quan hệ, tiếp xúc với tổ chức, cá nhân nước ngoài

         - Khi tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học, đàm phán, ký kết hợp đồng kinh tế, trao đổi văn hóa, khoa học kỹ thuật với tổ chức, cá nhân nước ngoài phải chuẩn bị kỹ về nội dung, thực hiện đúng chương trình được phê duyệt; không tiết lộ BMNN cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Trong trường hợp cần thiết, việc cung cấp những thông tin thuộc BMNN cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN

         - Không mang tài liệu có nội dung BMNN ra nước ngoài (trừ trường hợp vì yêu cầu công tác và đã được cấp có thẩm quyền cho phép); cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm công tác có liên quan đến BMNN khi ra nước ngoài phải làm cam kết bảo vệ BMNN.

         - Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao khả năng phòng, chống các hoạt động thu thập, đánh cắp thông tin BMNN.


    Tài liệu tham khảo:

    1.Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 22/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ BMNN.

    2. Báo cáo của UBND tỉnh Kon Tum về Công tác bảo vệ bí mật nhà nước năm 2019 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

    3. Luật bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018

    Danh mục
    Tin nổi bật
    Tin liên quan
    zalo
    Hotline