Tác giả bài viết: Ths. Trần Thị Thương & Nguyễn Anh Định - Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật
Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới ở Bắc Tây Nguyên, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Tây giáp các tỉnh Attapu, Sê Kông (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) và tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia); có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 01 thành phố và 09 huyện), 102 đơn vị hành chính cấp xã, với 756 thôn (làng), tổ dân phố. Diện tích tự nhiên là 9.689,61 km; dân số toàn tỉnh (tính đến tháng 6-2022) là 583.482 người, với 43 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần 54%. Mạng lưới giao thông với các trục đường chính phân bổ rộng khắp toàn tỉnh; toàn tỉnh có 6.138 km giao thông đường bộ, trong đó có 06 tuyến đường quốc lộ (Đường Hồ Chí Minh (QL14), Quốc lộ 14C, QL24, QL40, QL40B, Đường Trường Sơn Đông) với trên 522,59 km chiều dài, tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua địa phận tỉnh Kon Tum với chiều dài trên 181 km; 22 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 525,97 km; đường huyện có tổng chiều dài 731 km; đường đô thị trên địa bàn toàn tỉnh có chiều dài trên 443,12 km, còn lại là đường đến các khu, cụm công nghiệp, đường liên xã, đường giao thông nông thôn và đường tuần tra biên giới với tổng chiều dài 3.915,29 km. Đường bộ là phương thức vận tải chủ đạo duy nhất trên địa bàn tỉnh với tỷ lệ đảm nhận gần như 100% khối lượng vận chuyển hàng hóa và hành khách, chủ yếu thông qua đường Hồ Chí Minh để kết nối với các tỉnh Duy tên hải miền trung, miền Bắc và phía Nam.
Trong 10 năm qua (2012-2022), toàn tỉnh xảy ra 775 vụ tai nạn giao thông, trong đó có 6 vụ đặc biệt nghiêm trọng, 58 vụ rất nghiêm trọng, 593 nghiêm trọng, 115 vụ ít nghiêm trọng, làm chết 711 người, bị thương 656 người, hư hỏng 334 ô tô, 975 mô tô, xe gắn máy, 30 phương tiện khác, thiệt hại tài sản khoảng 4.943.000.000 đồng[1]. Tình hình tại nạn giao thông tăng trở lại vào thời gian gần đây kề cả số vụ, số người chết và số người bị thương. Trước tình trạng TTATGT như vậy đòi hỏi cần đánh giá, nhìn nhận lại những kết quả đã đạt được, tồn tại, hạn chế để tìm ra giải pháp đảm bảo TTATGT ở tỉnh Kon Tum trong thời gian tới.
Những thành tựu đạt được
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện
Cách đây 10 năm, ngày 4/9/2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”. Sau đó, ngày 01/3/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết 30/NQ-CP về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW ngày 04/09/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Để công tác đảm bảo TTATGT đạt hiệu quả cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt, phổ biến và ban hành Kế hoạch 36-KH/TU, ngày 18/12/2012 thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI), Kế hoạch số103-KH/TU ngày 11-7-2019 về thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18- CT/TW và Kết luận số 45-KL/TW. Trên cơ sở đó UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện. Như vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội, tình hình TTATGT của tỉnh đã có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông liên tục được kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Ý thức tự giác chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của người tham gia giao thông có chuyển biến tích cực.
Về nâng cao năng lực cho lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông
Hằng năm, Công an tỉnh tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ công tác đảm bảo TTATGT cho trên 485 lượt cán bộ, chiến sĩ, cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn do Bộ Công an tổ chức. Thường xuyên giáo dục, chính trị, tư tưởng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Nhân dân, góp phần xây dụng hình ảnh lực lượng cảnh sát giao thông hòa nhã, thân thiện.
Đã tổ chức kiện toàn Ban An toàn giao thông toàn tỉnh, lực lượng chuyên trách làm công tác TTATGT trên địa bàn tỉnh là 198 người đã được rà soát, bố trí, sắp xếp đúng tiêu chuẩn, chức danh theo quy định. Các công cụ, trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ phục vụ công tác tuần tra kiểm soát của lực lượng Cảnh sát giao thông luôn được quan tâm, đầu tư kinh phí. Hình ảnh lực lượng Cảnh sát giao thông tận tụy, vì Nhân dân phục vụ ngày càng được nhân dân, để lại ấn tượng đẹp trong Nhân dân.
Công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông
Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT luôn là nhiệm vụ trọng tâm, có tính chiến lược nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, trong thời gian qua, các cơ quan đơn vị đã triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT với nhiều nội dung, hình thức đa dạng như tuyên truyền trực tiếp cho người tham gia giao thông, phát tờ rơi, áp phích, chiếu phóng sự, nói chuyện chuyện đề về TTATGT tại các trường học. Đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, báo, đài trung ương và địa phương, trang thông tin điện tử của các sở ngành; tuyên truyền trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber…), thông qua người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật về TTATGT, Luật phòng chống tác hại của rượu bia. Phát động và thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua như: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, gắn với phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT”, “Ngày hội thanh niên với văn hóa giao thông”, “ Thiếu nhi Kon Tum với văn hóa giao thông”, Văn hóa giao thông và nếp sống văn minh đô thị”, “Cổng trường an toàn giao thông”, đặc biệt là giải pháp “Xếp hàng đón con” đã tạo nên văn hóa giao thông tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Tỉnh duy trì mô hình phổ biến giáo dục pháp luật và hoạt động của 05 đội thanh niên tình nguyện sơ cứu, ứng cứu nhanh tai nạn giao thông tại một số xã trên địa bàn tỉnh. Tổ chức cho 98 doanh nghiệp vận tải hàng hóa và 505 lái xe ký cam kết không vi phạm quy định về TTATGT và không chở hàng quá tải trọng theo quy định.
Công tác thiết lập trật tự, kỷ cương về trật tự an toàn giao thông
Song song với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch chuyên đề, đột xuất, mở các đợt cao điểm, chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạt TTATGT trên các tuyến đường bộ. Từ năm 2012 cho đến nay, đã phát hiện 315.294 trường hợp vi phạm về TTATGT (sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, tạm giữ 68.597 xe, 199.273 giấy tờ các loại, phạt tiền 328.666 trường hợp với số tiền 153.917.124.000 đồng, phạt cảnh cáo 4.969 trường hợp, tước Giấy phép lái xe có thời han 11.691 trường hợp)[2].
Sở Giao thông vận tải và Công an tỉnh cũng đã phối hợp kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của người điều khiển phương tiện giao thông tại bến xe liên tỉnh, nội tỉnh, khu vực Đăk Bla, đường Phan Đình Phùng và các tuyến đường đô thị thuộc thành phố Kon Tum. Ngoài ra Sở Giao thông vận tải của tỉnh cũng đề nghị công ty cổ phần Đường Kon Tum và 4 cơ sở thu mua mì thực hiện nghiêm chủ trương kiểm soát trọng tải xe, kiên quyết từ chối không thu mua các sản phẩm của chủ hàng, chủ xe có phương tiện quá tải.
Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, qua quá trình tuần tra, kiểm soát đã phát hiện 308 vụ việc. Trong đó: 01 vụ chuyển nhượng phương tiện mang biển số ngoại giao trái phép; 25 vụ vận chuyển pháo trái phép; 16 vụ vận chuyển lâm sản trái phép; 39 vụ sử dụng, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy; 07 vụ việc liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng (tín dụng đen); 101 vụ vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm,…[3]
Một số bất cập, hạn chế
Một là, một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị chưa phát huy được vai trò trong công tác chỉ đạo đảm bảo TTATGT, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm có lúc chưa được thường xuyên, việc kiểm tra theo chuyên đề có thời điểm không duy trì được do tình hình dịch bệnh và khó khăn về biên chế, trang thiết bị và phương tiện. Hai là, việc phát hiện, xử lý tình trạng lấn chiếm hàng lang an toàn giao thông, lấn chiếm vỉa hè còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đảm bảo TTATGT ở một số cơ quan, địa phương chưa thường xuyên nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Ba là, kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh còn chưa theo kịp với tốc độ gia tăng của phương tiện và nhu cầu đi lại của Nhân dân địa phương, làm cho tình hình TTATGT vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phúc tạp, nguy cơ tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ 14 đường Hồ Chí Minh chạy qua địa phận tỉnh gia tăng.
Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập
- Kon Tum có địa hình khá đa dạng làm cho hệ thống giao thông đường bộ tương đối phức tạp, các tuyến đường đa số quanh co, khúc khuỷu, có nhiều đoạn đường đèo dốc dài, độ nguy hiểm cao. Bên cạnh đó, do bị tác động của thiên tại (như mưa, bão...) và đặc điểm địa chất nên các tuyến đường thường xuyên bị sạt lở, sụt lún, dẫn đến hình thành các điểm nguy cơ tiềm ẩn và “điểm đen” về TNGT.
- Công tác bảo đảm TTATGT bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lực lượng, trang thiết bị, phương tiện bị phân tán, chia nhỏ ảnh hưởng đến hiệu quả công tác.
- Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng dân số, lưu lượng người và phương tiện lưu thông trên các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, gia tăng áp lực đối với hạ tầng giao thông cũng như công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của tỉnh.
- Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người dân còn hạn chế; một bộ phận người tham gia giao thông vẫn cố tình vi phạm các quy định về TTATGT. Bên cạnh đó, xuất phát từ tâm lý chủ quan, tự tin vào khả năng điều khiển phương tiện, xử lý tình huống của bản thân mà không nhận thức không đầy đủ về mức độ, tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm gây ra, trong đó tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên, học sinh và một số cán bộ, công chức.
Một số giải pháp cơ bản bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong thời gian tới
Năm 2022 được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chọn là năm An toàn giao thông với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với tinh thần “Vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông”, để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Kon Tum tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về TTATGT, trọng tâm là tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận số 45-KL/TW, ngày 01-02-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI về nội dung đảm bảo TTATGT và các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT, kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia công tác bảo đảm TTATGT; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hạn chế, thiếu sót; phê bình, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.
Thứ hai, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong việc đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát huy triệt để vai trò của Nhân dân trong đảm bảo TTATGT ở địa bàn cơ sở, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản trong đảm bảo TTATGT. Tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân trong công tác bảo đảm TTATGT; trong đó chính quyền địa phương phải làm tốt công tác chỉ đạo, định hướng, quan tâm đầu tư, hỗ trợ các điều kiện duy trì hoạt động của các mô hình, hình thức tự quản, các cơ quan, ban, ngành chức năng hỗ trợ tốt về công tác quản lý, nghiệp vụ đảm bảo TTATGT.
Thứ ba, kiên trì, tích cực xây dựng văn hoá giao thông an toàn. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên tuyền xây dựng văn hóa giao thông an toàn trên mạng xã hội và hạ tầng số. Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh nhất là đối với thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Tuyên truyền, phổ biến những quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngay 28-12-2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không dân dụng. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua như: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, gắn với phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT”, Văn hóa giao thông và nếp sống văn minh đô thị”, …trong các tầng lớp nhân dân.
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa, công khai minh bạch các thủ tục hành chính, quy định về TTATGT. Ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý phương tiện giao thông. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT nhất là các hành vi: Chạy quá tốc độ; chở quá số người quy định; đưa phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành vào tham gia giao thông; điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia, ma túy; vượt đèn đỏ; lạng lách, đánh võng; rú ga (nẹt pô); chạy xe thành đoàn gây cản trở giao thông. Xác định tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp để bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.
Cuối cùng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy chế, điều lệnh đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình, dự án giao thông theo đúng quy hoạch. Chú trọng đầu tư hệ thống đường giao thông nông thôn, đảm bảo giao thông thông suốt, nhất là trong mùa mưa, lũ; thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ trên toàn địa bàn tỉnh.
[1] Báo cáo 251-BC/TU của tỉnh ủy Kon Tum ban hành ngày 01 tháng 8 năm 2022 về tổng kết thực hiện chỉ thị 18-CT/TƯ
[2], 3 Báo cáo 251-BC/TU của tỉnh ủy Kon Tum ban hành ngày 01 tháng 8 năm 2022 về tổng kết thực hiện chỉ thị 18-CT/TƯ, ngày 4/9/2012