Đánh giá chất lượng học viên sau ĐT, BD là khâu quan trọng phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng (ĐT, BD) lý luận chính trị (LLCT). Hoạt động này thuộc trách nhiệm của nhiều chủ thể khác nhau, nhưng chủ thể trực tiếp nhất là các cơ sở ĐT, BD cán bộ (trường chính trị cấp tỉnh, trung tâm chính trị cấp huyện, gọi chung là cơ sở đào tạo). Bài viết lưu ý một số vấn đề trong đánh giá chất lượng học viên sau ĐT, BD LLCT ở các cơ sở đào tạo cán bộ của tỉnh Kon Tum hiện nay và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này.
1. Những quy định về đánh giá chất lượng học viên sau đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị
Đánh giá chất lượng học viên sau ĐT, BD LLCT là quá trình xác định và đo lường mức độ đạt được các chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng và thái độ của học viên, xác nhận việc hoàn thành mục tiêu từng phần hoặc toàn khóa ĐT, BD LLCT. Đó là quá trình quan trọng để kiểm tra, đánh giá mức độ tiếp thu, hiểu biết về những nội dung LLCT được học, kỹ năng vận dụng lý luận vào thực tiễn công tác và nhận thức, quan điểm, thái độ của học viên đối với nền tảng tư tưởng, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Việc đánh giá chất lượng học viên sau ĐT, BD LLCT là trách nhiệm không chỉ của riêng cơ sở đào tạo, tham gia đánh giá còn cần có sự phối hợp của nhiều chủ thể khác (bản thân học viên; cấp ủy và lãnh đạo cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ sau đào tạo; các cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức). Trong đó, các cơ sở đào tạo giữ vai trò chủ đạo và chủ động trong đánh giá nhằm thực hiện đúng mục tiêu, yêu cầu của chương trình ĐT, BD, đồng thời tự đánh giá được chất lượng ĐT, BD của cơ sở mình, thực thi trách nhiệm được pháp luật quy định. Việc đánh giá chất lượng học viên sau ĐT, BD LLCT được các cơ sở đào tạo thực hiện liên tục và đa dạng. Đó là, đánh giá chất lượng học viên trong quá trình ĐT, BD (thông qua theo dõi việc rèn luyện và bài thi/kiểm tra hết học phần, bài thu hoạch); ngay sau khi học viên hoàn thành tất cả các nội dung của chương trình (thi tốt nghiệp) và có thể tiến hành sau một thời gian nhất định sau khi học viên kết thúc khóa học (06 tháng, 01 năm ...).
Hiện nay, quy định pháp luật về ĐT, BD cán bộ, công chức, viên chức; quy định của nội dung chương trình và quy chế quản lý ĐT, BD tại các cơ sở đào tạo đều có quy định về đánh giá chất lượng học viên. Cụ thể trong các văn bản: Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và một số văn bản liên quan (Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ, Thông tư số 03/2023/TT-BNV ngày 30/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ); Quyết định số 292-QĐ/HVCTQG ngày 21/01/2011 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành chương trình Trung cấp LLCT; Quyết định 6468-QĐ/HVCTQG ngày 21/12/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành bộ Quy chế đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Hướng dẫn số 65-HD/BTGTW ngày 11/12/2012 của Ban Tuyên giáo Trung ương về thực hiện chương trình sơ cấp LLCT; Quyết định 883-QĐ/BTGTW ngày 24/11/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng của trung tâm chính trị cấp huyện; Quyết định 8678-QĐ/HVCTQG ngày 08/4/2022 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quy định đánh giá chất lượng đào tạo Trung cấp LLCT của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các quy định hiện hành đều cho thấy, việc đánh giá chất lượng học viên sau các khóa ĐT, BD trước hết thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ sở đào tạo, là yêu cầu của chương trình ĐT, BD bắt buộc các cơ sở đào tạo phải tiến hành.
2. Một số vấn đề đặt ra
Từ thực tế đánh giá chất lượng học viên sau ĐT, BD LLCT ở các cơ sở đào tạo của tỉnh Kon Tum hiện nay có thể nhận thấy một số vấn đề sau:
Một là, còn thiếu các quy định, tiêu chí đánh giá rõ ràng; phụ thuộc vào kinh nghiệm và quan điểm cá nhân của người đánh giá.
Hiện nay, chúng ta còn thiếu một khung năng lực chuẩn, cụ thể mà cán bộ cần đạt được sau quá trình đào tạo. Chưa xây dựng được chuẩn đầu ra về năng lực vận dụng lý luận vào thực tiễn công việc cũng như chưa tiếp cận được yêu cầu nghề nghiệp đối với công tác chuyên môn của từng loại cán bộ để đưa ra được các tiêu chí đánh giá chất lượng cán bộ sau đào tạo một cách cụ thể.
Đối với việc ra đề thi LLCT, nhất là đề thi theo hình thức trắc nghiệm và vấn đáp hiện chưa có tiêu chuẩn quy định về mức độ phải đạt của một đề thi như thế nào. Rất nhiều đề thi có nội dung chủ yếu kiểm tra kiến thức sách vở, thiếu gắn với tình huống thực tế. Với hình thức thi trắc nghiệm, Trường Chính trị hay các trung tâm chính trị chưa xây dựng, thẩm định được ngân hàng câu hỏi; do vậy chưa phân định được mức độ khó, dễ của câu hỏi để xây dựng ma trận chọn câu hỏi vào đề; tính liên hệ thực tiễn trong đề thi trắc nghiệm rất ít và khó được thể hiện.... Cùng với phương pháp, hình thức đánh giá chủ yếu qua thi viết, trắc nghiệm, thiếu quy định về áp dụng các hình thức đánh giá khác (thực hành, thảo luận nhóm, nghiên cứu tình huống...); chất lượng câu hỏi thi chưa đạt yêu cầu để đánh giá năng lực tổng hợp của học viên... Những bất cập này dễ dẫn đến kết quả đánh giá không khách quan, công bằng giữa các lớp, “chất lượng ảo” và có thể không gắn kết với mục tiêu đào tạo.
Đối với các trung tâm chính trị cấp huyện, hiện nay chưa có quy định về việc thực hiện lấy ý kiến của thủ trưởng cơ quan, đơn vị đánh giá chất lượng học viên sau tốt nghiệp cũng như ý kiến tự đánh giá của người học. Do vậy, không bắt buộc các trung tâm phải tiến hành và trên thực tế, các trung tâm chính trị của tỉnh Kon Tum đều chưa thực hiện hoạt động này.
Theo Quyết định 883-QĐ/BTGTW, tiêu chí đánh giá điểm chuyên cần được quy định chung là “mức độ, ý thức học tập, rèn luyện của học viên”, trong đó có 01 tiêu chí định lượng là “học viên đảm bảo số giờ lên lớp tối thiểu 80%”. Việc quy định như vậy vô hình trung dẫn đến điểm đánh giá rèn luyện của học viên được quy vào đánh giá mức độ học viên thường xuyên có mặt tại lớp học. Qua theo dõi lớp học, bộ phận giáo vụ của Trung tâm chính là chủ thể đánh giá điểm rèn luyện của học viên. Vấn đề thái độ, tính chủ động, tích cực, kỹ năng vận dụng, thực hành trong quá trình học tập của học viên sẽ không được chú ý đánh giá. Điều này cho thấy tiêu chí đánh giá chưa có tính bao quát cũng như chưa cụ thể để làm rõ được biểu hiện của “mức độ, ý thức học tập, rèn luyện của học viên” là như thế nào; việc đánh giá cũng chỉ mang tính một chiều từ bộ phận giáo vụ. Do vậy, rất khó đánh giá chính xác điểm chuyên cần và thực tế gần như các học viên đều đạt mức điểm rất cao (8-10 điểm). Bên cạnh đó, điểm chuyên cần chiếm trọng số 30% trong kết quả điểm học phần (70% còn lại là điểm kết thúc chuyên đề), dẫn đến điểm số đánh giá cuối cùng thường cao hơn so với điểm đánh giá học lực thực tế, ảnh hưởng đến kết quả xếp loại học tập của học viên.
Đối với Trường Chính trị, theo Quy chế đào tạo trung cấp LLCT, điểm rèn luyện của học viên được đánh giá theo 03 nội dung (tính chuyên cần trong học tập; mức độ thực hiện quy chế quản lý đào tạo và nội quy của trường; tham gia các hoạt động tập thể do trường, lớp tổ chức) với các tiêu chí được xác định khá cụ thể, đánh giá điểm rèn luyện của học viên được xếp theo 04 loại tốt, khá, trung bình và yếu. Việc đánh giá điểm rèn luyện được tiến hành theo cơ chế cá nhân tự chấm điểm, sau đó thông qua hội nghị toàn thể lớp học dễ làm cho việc đánh giá rơi vào tình trạng “dĩ hòa vi quý”. Rất nhiều học viên ít sôi nổi trong thảo luận, chưa tích cực tham gia làm việc nhóm, không tham gia các hoạt động tập thể do Trường, lớp tổ chức vẫn được đánh giá điểm rèn luyện ở mức tốt. Thực tế, qua khảo sát biên bản họp lớp về chấm điểm rèn luyện học viên của 31 lớp Trung cấp LLCT ở Trường Chính trị từ năm 2020 đến nay, kết quả 100% học viên được tập thể lớp chấm điểm rèn luyện ở mức tốt (8-10 điểm trên thang điểm 10), trong khi đó điểm đánh giá của giảng viên đối với học viên qua khảo sát bằng phiếu lấy ý kiến chỉ đạt ở mức khá (từ 6,73-7,03 điểm).
Trong đánh giá chất lượng học viên học trung cấp LLCT, sau khi hoàn thành một số học phần nhất định hoặc cuối khóa, học viên được lấy ý kiến tự đánh giá về mình bằng phiếu khảo sát. Các tiêu chí tự đánh giá gồm: nâng cao kiến thức; hoàn thiện kỹ năng và nâng cao phẩm chất, thái độ. Đây hoàn toàn là các tiêu chí định tính, chưa cụ thể định lượng. Với thang điểm đánh giá từ 01 đến 10, điểm trung bình học viên đánh giá tương đối cao, cận mức rất tốt (8,98 điểm)[1]. Cũng qua hình thức khảo sát bằng phiếu, giảng viên sẽ đánh giá học viên qua 06 tiêu chí[2] với thang điểm từ 01-10 cho mỗi tiêu chí. 06 tiêu chí này tương đối thống nhất với 03 nội dung học viên tự đánh giá mình. Tuy nhiên, điểm đánh giá của giảng viên đối với học viên chỉ dừng ở mức trung bình (với số điểm là 6,88 điểm), có sự chênh lệch khá lớn với điểm tự đánh giá của học viên. Điều này cho thấy, cùng một nội dung, tiêu chí đánh giá nhưng kết quả đánh giá phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm và quan điểm cá nhân của người đánh giá.
Hai là, kết quả đánh giá chất lượng học viên chưa phục vụ nhiều cho việc đổi mới, nâng cao chất lượng ĐT, BD của cơ sở đào tạo cũng như công tác bố trí, sử dụng cán bộ
Kết quả đánh giá chất lượng học viên sau ĐT, BD LLCT mới chỉ dừng lại ở việc công bố kết quả đánh giá mà chưa được cơ sở đào tạo phân tích, đánh giá kỹ để rút ra những điểm mạnh, những hạn chế trong chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo hiện hành. Hệ thống trường Đảng địa phương hiện nay cũng đang thiếu lực lượng có đủ khả năng phân tích, đánh giá và đưa ra khuyến nghị đổi mới. Việc rà soát, điều chỉnh chương trình, giáo trình của cơ quan có thẩm quyền chưa dựa nhiều vào thông tin phản hồi từ kết quả đánh giá học viên. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và các chuyên gia, nhà khoa học trong việc khai thác, sử dụng kết quả đánh giá.
Kết quả đánh giá học viên chưa được kết nối, chia sẻ với các đơn vị sử dụng cán bộ để phục vụ công tác quy hoạch, sử dụng. Giữa cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng cán bộ thiếu sự trao đổi, tham vấn về nhu cầu, yêu cầu đối với chất lượng đào tạo, ý kiến phản hồi từ đơn vị sử dụng về chất lượng đào tạo của cán bộ sau khi trở về công tác. Trường Chính trị thực hiện gửi phiếu lấy ý kiến thủ trưởng cơ quan sử dụng học viên về hiệu quả sau đào tạo nhưng chưa nhận được sự quan tâm của lãnh đạo một số đơn vị, chưa coi đây là khâu đặc biệt quan trọng trong chu trình đào tạo nguồn nhân lực, biểu hiện ở việc không gửi lại phiếu đánh giá, đánh giá chưa thực chất theo kiểu sợ “mất lòng” cơ sở đào tạo, thậm chí thủ trưởng không tự đánh giá và đưa cho nhân viên đánh giá cho có... làm kết quả đánh giá chưa thực sự phản ánh đúng thực tế, khó có thể khai thác, sử dụng để đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo.
Ba là, thiếu ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình đánh giá
Ở các cơ sở đào tạo cán bộ của tỉnh hiện nay dễ nhận thấy phương thức tổ chức thi, kiểm tra cũng như quản lý học viên còn rất thủ công. Việc khai thác trí tuệ nhân tạo để thiết kế, đánh giá câu hỏi tình huống còn hạn chế. Quy trình coi thi, chấm thi chủ yếu vẫn dựa vào giám thị, chấm tay, dễ bỏ sót, chưa đảm bảo công bằng. Việc nhập điểm, tổng hợp kết quả thường phải làm thủ công, tốn nhiều thời gian, công sức. Việc quản lý, giám sát kết quả thi trắc nghiệm trên máy hiện chưa được đảm bảo, dễ xảy ra gian lận. Công tác theo dõi, quản lý học viên của bộ phận giáo vụ mặc dù có hệ thống camera hỗ trợ nhưng chủ yếu vẫn là quan sát trực tiếp, chưa đa dạng về phương thức quản lý.
Còn thiếu sự đồng bộ, liên kết trong quản lý dữ liệu. Hình thức lấy ý kiến với các chủ thể khác nhau đánh giá chất lượng học viên sau ĐT, BD; hệ thống quản lý thông tin học viên, kết quả đánh giá vẫn chủ yếu dưới dạng giấy tờ. Chưa thiết lập và khai thác hiệu quả dữ liệu lớn từ kết quả đánh giá từ nhiều khóa đào tạo, chưa phân tích thống kê sâu về các xu hướng, mô hình và dự báo trong đánh giá chất lượng.
Việc thiếu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã khiến quá trình đánh giá chất lượng học viên còn nhiều hạn chế, thiếu tính khoa học và chính xác, gây không ít khó khăn trong việc phân tích, khai thác kết quả đánh giá để phục vụ công tác quản lý, điều hành của cơ sở đào tạo, do vậy chưa phát huy hết vai trò quan trọng của khâu này.
3. Khuyến nghị giải pháp
Từ một số vấn đề đặt ra nêu trên trong công tác đánh giá chất lượng học viên sau ĐT, BD LLCT, để nâng cao hiệu quả công tác này, các cấp, ngành, cơ sở đào tạo cần quan tâm chỉ đạo, thực hiện một số giải pháp sau:
1. Cấp uỷ các cấp, giảng viên và học viên cần nhận thức đầy đủ, toàn diện về vai trò đặc biệt quan trọng của công tác giáo dục LLCT, trong đó có công tác đánh giá chất lượng học viên sau ĐT, BD LLCT
Thời gian qua, một số cán bộ, giảng viên cũng như học viên chưa nhận thức thật đúng về vị trí, vai trò, mục tiêu, mục đích của giáo dục LLCT còn có tâm lý coi nhẹ việc học tập LLCT, việc học cốt là để đủ bằng cấp, tiêu chuẩn... Mối quan hệ công tác, cơ chế quản lý hoạt động giáo dục LLCT của Trung tâm chính trị cấp huyện cũng chưa rõ. Chưa rõ phương pháp, quy trình khảo sát lấy ý kiến đánh giá chất lượng ĐT, BD LLCT, đánh giá chất lượng học viên ở các Trung tâm chính trị cấp huyện. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương trong công tác ĐT, BD LLCT có lúc chưa chặt chẽ, đồng bộ, nhất là trong hoạt động thẩm định, phê duyệt tài liệu chương trình, cung cấp, phản hồi ý kiến đánh giá hiệu quả sau ĐT, BD.
Vì vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường vai trò của đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy phụ trách Trường Chính trị trong thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương, nhất là cấp huyện đối với tổ chức và hoạt động của trung tâm chính trị cấp huyện[3]. Quy định cụ thể về trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ chủ chốt từng cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác ĐT, BD LLCT, trong phối hợp với cơ sở đào tạo quản lý cán bộ trong quá trình tham gia ĐT, BD và đánh giá chất lượng sau đào tạo. Phải thực sự coi phẩm chất, bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống là một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm.
Giảng viên, học viên phải nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, mục tiêu của giáo dục LLCT. Giáo dục LLCT vừa để nâng cao trình độ, hiểu biết vừa để củng cố đạo đức cách mạng, lập trường giai cấp. Phải thật sự thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, mục đích của giáo dục LLCT: “học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm tốt công tác đảng giao phó cho mình”[4]. Từ đó, giảng viên và học viên có ý thức tự giác, trung thực, trách nhiệm trong đánh giá chất lượng đào tạo LLCT nói chung và đánh giá chất lượng học viên sau đào tạo, bồi dưỡng LLCT nói riêng.
2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương cần phối hợp xây dựng chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng LLCT; cơ sở đào tạo cần thực hiện phân loại học viên, đa dạng hóa phương pháp giảng dạy và đánh giá, trên cơ sở đó xây dựng được bộ công cụ đánh giá đa chiều, toàn diện
Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, bồi dưỡng hay bậc học là những yêu cầu cụ thể về kiến thức, kỹ năng, thái độ mà người học cần đạt được sau khóa học. Chuẩn đầu ra là cơ sở quan trọng để đổi mới phương pháp dạy học; lựa chọn phương pháp đánh giá, kiểm tra cho học viên; là cơ sở để thúc đẩy các giảng viên, cán bộ quản lý và học viên đổi mới phương pháp dạy-học, phương pháp quản lý, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo[5]. Hiện nay, đối với chương trình Trung cấp LLCT, trong mỗi chuyên đề/phần học đều quy định mức độ cần đạt một cách tổng quát về kiến thức, kỹ năng, thái độ của học viên. Quy định đánh giá chất lượng đào tạo Trung cấp cũng đã đưa ra các tiêu chí đánh giá học viên về kiến thức, kỹ năng, thái độ đối với mỗi chủ thể đánh giá. Tuy nhiên, xét về bản chất vấn đề, đến nay Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương chưa ban hành chuẩn đầu ra cụ thể đối với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng LLCT được phân công quản lý. Do vậy, để có căn cứ cụ thể, chặt chẽ, rõ ràng, thống nhất trong đánh giá chất lượng chương trình ĐT, BD LLCT, đánh giá chất lượng học viên, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương cần thiết nghiên cứu, ban hành chuẩn đầu ra các chương trình ĐT, BD LLCT. Trên cơ sở quy định khung đó, hệ thống trường Đảng địa phương đề nghị, phối hợp với cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ ở địa phương thực hiện hoặc xây dựng yêu cầu chuẩn đầu ra ở mức cao hơn, qua đó xây dựng, áp dụng được bộ công cụ đánh giá chất lượng học viên phù hợp.
Giảng viên cần kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy tích cực, tăng cường thảo luận, thực hành, thực hành xử lý tình huống, học qua dự án để học viên vận dụng kiến thức, làm chủ lý luận, đạt yêu cầu đào tạo lý luận gắn với thực tế, đánh giá được mức độ nắm kiến thức và kỹ năng thực hành của học viên. Qua đó đánh giá chất lượng học viên không chỉ là đánh giá tổng kết bằng điểm số thi hết học phần/chuyên đề, thi/viết khóa luận tốt nghiệp mà là đánh giá cả quá trình học tập của học viên, đảm bảo tính định kỳ và liên tục, phù hợp với triển khai quy định đánh giá học viên gồm điểm học tập và điểm rèn luyện.
3. Tiếp tục hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá, quy trình đánh giá; tập huấn chuyên môn cho các chủ thể đánh giá, nhất là cán bộ, giảng viên của cơ sở đào tạo, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị; tăng cường sự phối hợp trong đánh giá
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các trường chính trị cần tổ chức sơ kết thực hiện Quy định đánh giá chất lượng đào tạo Trung cấp LLCT, cụ thể và định lượng hơn một số tiêu chí đánh giá; hoàn thiện tiêu chí, quy trình đánh giá không chỉ để phục vụ mục đích Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá nội dung chương trình đào tạo mà cần làm cho kết quả đánh giá phục vụ hữu ích cho cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ.
Cần có quy định về tiêu chuẩn, hướng dẫn mức độ cần đạt với đề thi/kiểm tra các phần học, các chương trình ĐT, BD LLCT để cơ sở đào tạo thực hiện thống nhất, đảm bảo kết quả đánh giá là công bằng, thực chất, theo đúng chuẩn đầu ra của chương trình. Cơ sở đào tạo cần huy động chuyên gia xây dựng ngân hàng đề thi theo chuẩn đầu ra mong muốn; áp dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin để nâng cấp, cập nhật ngân hàng đề thi; đào tạo nâng cao năng lực ra đề cho đội ngũ giảng viên.
Ban Tuyên giáo cần có hướng dẫn chung thống nhất về việc thực hiện khảo sát sau đào tạo, bồi dưỡng về nội dung, phương pháp tiến hành, đối tượng khảo sát… để các trung tâm chính trị có thêm kênh thông tin đánh giá chất lượng học viên sau đào tạo và hiệu quả sau đào tạo. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cơ quan có thẩm quyền quản lý khác có trách nhiệm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng đánh giá chất lượng học viên cho đội ngũ giảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý; cung cấp tài liệu hướng dẫn đầy đủ về tiêu chí, quy trình và kỹ thuật đánh giá theo chuẩn mực; tạo diễn đàn để các trường, trung tâm chính trị trao đổi, thống nhất quan điểm, tiêu chí đánh giá.
Có quy định rõ về trách nhiệm phối hợp, chia sẻ thông tin đánh giá giữa cơ sở đào tạo với cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ được ĐT, BD LLCT. Cơ sở đào tạo cần cung cấp thông tin về chương trình đào tạo, kết quả học tập của cán bộ, đảm bảo chất lượng đào tạo, cập nhật chương trình phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Cơ quan sử dụng cần phản hồi về nhu cầu, yêu cầu và kết quả thực tiễn của cán bộ sau khi được đào tạo; cung cấp thông tin về tình hình thực tế, nhu cầu và các tiêu chí đánh giá cán bộ. Có cơ chế triển khai đánh giá năng lực theo chuẩn nghề nghiệp vừa học vừa làm tại cơ quan.
4. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá
Tăng cường ứng dụng CNTT trong đánh giá chất lượng học viên sau đào tạo LLCT là một bước quan trọng để nâng cao hiệu quả và tính chính xác trong quá trình đánh giá.
Các cơ sở đào tạo có thể thử nghiệm và triển khai việc thiết kế các bài thi/kiểm tra, khảo sát đánh giá trực tuyến như rất nhiều trường đại học đã làm. Sử dụng công cụ đánh giá trực tuyến như Google Forms, SurveyMonkey, hoặc JotForm để tạo và gửi phiếu đánh giá hoặc các phần mềm đánh giá trực tuyến khác. Điều này vừa thuận tiện cho người đánh giá, cho phép tiết kiệm thời gian, nguồn lực, vừa giúp cơ sở đào tạo có được thông tin đánh giá nhanh chóng, chính xác. Chú ý thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung về kết quả đánh giá học viên sau các khóa đào tạo, số hóa toàn bộ dữ liệu đánh giá và lưu trữ theo chuẩn nhất quán trên hệ thống, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng cán bộ...
Cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị CNTT tương xứng để phục vụ quá trình dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả của người học ở các cơ sở đào tạo. Mỗi cơ sở đào tạo cần đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng nâng cao trình độ tin học, các kỹ năng ứng dụng CNTT cho đội ngũ viên chức, giảng viên.
Đánh giá chất lượng học viên sau ĐT, BD LLCT là một khâu nội dung quan trọng, giữ vị trí then chốt trong đánh giá chất lượng ĐT, BD LLCT. Nhận thức đầy đủ về sự cần thiết, đánh giá khách quan những vấn đề đặt ra và quyết tâm đổi mới nội dung, phương thức đánh giá chất lượng học viên để có kết quả đánh giá khách quan, thực chất, chính xác và nhanh chóng nhất góp phần rất lớn vào nâng cao chất lượng giáo dục LLCT ở các cơ sở ĐT, BD.
ThS. Phạm Thị Hoa, Phó trưởng Phòng QLĐT&NCKH
[1] Kết quả khảo sát được lấy trong báo cáo kết quả đánh giá 02 năm 2023 và 2024 của Trường Chính trị.
[2] 1/Tiếp thu kiến thức bài giảng; 2/Chủ động, tích cực tham gia bài giảng; 3/Vận dụng kiến thức đã học trong thảo luận và các hoạt động kiểm tra, đánh giá; 4/Tự học, tự nghiên cứu; 5/Chấp hành nội quy, quy định; 6/Thực hiện ứng xử văn hóa trường Đảng.
[3] Kết luận số 66-KL/TW, ngày 08/11/2019 của Ban Bí thư về Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 185-QĐ/TW, ngày 03/9/2008 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 8, tr.292.