Một số vấn đề về quyền con người trong pháp luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam

Một số vấn đề về quyền con người trong pháp luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam

    Tác giả bài viết: CN. Bùi Thị Thùy Mai

    Nguồn tin: Khoa NN&PL

    Hôn nhân và gia đình là hiện tượng xã hội. Hôn nhân là cơ sở của gia đình, còn gia đình là tế bào của xã hội mà trong đó kết hợp chặt chẽ, hài hòa lợi ích của mỗi công dân, nhà nước và xã hội.

          Gia đình luôn biến đổi theo từng thời kỳ lịch sử và gắn liền với sự phát triển của xã hội loài người. Sự phát triển mọi mặt của xã hội quyết định đến sự phát triển của gia đình, song gia đình có vai trò quyết định với sự phát triển của xã hội bởi lẽ là tế bào của xã hội, gia đình thực hiện các chức năng xã hội của mình góp phần giữ vững bình ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tác động đến sự vận động của xã hội, nếu không có gia đình thì xã hội không thể phát triển, thậm chí không thể tồn tại được.

             Ở Việt Nam, gia đình luôn được xác định là thiết chế xã hội rất quan trọng – là tế bào của xã hội. Do vậy, dù ở bất cứ giai đoạn phát triển, chế độ xã hội nào, gia đình luôn được Nhà nước quan tâm, tác động bằng chính sách, điều chỉnh bằng pháp luật. Đặc biệt, quyền con người luôn được đề cao trong quy định của pháp luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, cụ thể:

             1. Nhóm quyền về nhân thân

             Pháp luật về hôn nhân và gia đình công nhận và bảo vệ quyền kết hôn của công dân:

    - Cá nhân đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình (về độ tuổi: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; Không bị mất năng lực hành vi dân sự; Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định của pháp luật) có quyền tự do kết hôn. Các hành vi lừa dối, cướng ép hoặc cản trở trong kết hôn bị nghiêm cấm và xử lý theo pháp luật (dân sự, hành chính, hình sự) tùy hành vi và mức độ vi phạm.

    - Không phân biệt đối xử trong kết hôn, quyền kết hôn không phụ thuộc vào địa vị, thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo và quốc tịch... Tuy nhiên việc kết hôn giữa những người cùng giới không được nhà nước thừa nhận[1] vì yếu tố văn hóa và tính tự nhiên trong quan hệ hôn nhân.

            Bên cạnh việc công nhận quyền kết hôn, pháp luật cũng công nhận và bảo vệ quyền ly hôn của vợ chồng:

    - Ly hôn là quyền tự do cá nhân, vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Vợ, chồng có quyền yêu cầu ly hôn khi thấy tình cảm giữa vợ chồng không còn, không thể hàn gắn được hoặc việc duy trì hôn nhân là không cần thiết. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định về trường hợp hạn chế quyền ly hôn “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”[2]. Mục đích của quy định nhằm bảo vệ quyền làm mẹ của người phụ nữ, gắn trách nhiệm của người chồng trong việc tạo điều kiện cho người vợ thực hiện chức năng làm mẹ.

             Công nhận và bảo vệ quyền bình đẳng của vợ chồng trong quan hệ hôn nhân:

    - Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về  mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật hôn nhân gia đình và các luật khác có liên quan.[3]

    - Vợ, chồng được tự do lựa chọn nơi cư trú theo thảo thuận của vợ chồng, không bị ràng buộc bời phong tục, tập quán địa giới hành chính[4]. Vợ chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau; tạo điều kiện giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, được quy định tại điều 20, 21, 22, 23 Luật hôn nhân gia đình 2014.

    - Pháp luật cho phép vợ chồng có quyền đại diện cho nhau. Quyền đại diện này là bình đẳng, không phân biệt, được quy định cụ thể tại điều 24, điều 25 luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Với quy định này, quyền “gia trưởng” trong gia đình đã bị phủ nhận; vợ, chồng có quyền ngang nhau và đều có quyền đại diện cho nhau cả theo pháp luật và theo ủy quyền.

             2. Nhóm quyền về tài sản

    - Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.[5] Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Trong các giao dịch có đối tượng là tài sản chung thì vợ chồng bình đẳng với nhau khi tham gia giao dịch, đối với giao dịch có giá trị tài sản chung lớn, tài sản chung đưa vào kinh doanh, tài sản là nguồn sống duy nhất của gia đình thì phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của hai vợ chồng theo quy định tại điều 31, 33, 35,36 cửa luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

    - Quyền tự do cá nhân và sự độc lập trong hôn nhân cũng được đề cao khi pháp luật thừa nhận vợ chồng có quyền sở hữu tài sản riêng. Tài sản riêng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định của pháp luật, tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng[6]. Pháp luật cũng quy định quyền tự quyết trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng  của vợ chồng tại điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Như vậy, vợ chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình mà không phụ thuộc vào ý chí của vợ hoặc chồng mình. Tuy nhiên, quyền của vợ, chồng đối với tài sản riêng vẫn bị hạn chế trong trường hợp “việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình”[7] hoặc “ Hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng là nguồn sống duy nhất của gia đình”[8] thì việc định đoạt tài sản riêng phải có sự đồng ý của vợ, chồng.

    - Công nhận nguyên tắc bình đẳng trong phân chia tài sản khi ly hôn. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố: hoàn cảnh của gia đình và của vợ chồng; Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.[9] Đối với tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó.

    chia tai san cho con trong thoi ky hon nhan 1
             Quyền con người trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình được toàn thế giới công nhận như một nhóm quyền con người về dân sự. Công nhận, tôn trọng và bảo vệ quyền con người về hôn nhân và gia đình là một trong những tiêu chí để đánh giá sự tiến bộ xã hội. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới đã có nhiều quy định về công nhận, thực hiện và bảo về quyền con người như: Hiến chương Liên hợp quốc, Cong ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ... Không nằm ngoài vòng quay đó, Nhà nước ta hiện này, quyền con người trong lĩnh vực hôn nhân gia đình đã trở thành một trong những quyền cơ bản nhất của cá nhân được pháp luật ghi nhận. Nguyên tắc để thực thi và bảo đảm quyền con người về hôn nhân gia đình ở Việt Nam là bình đẳng, không phân biệt đối xử, thừa kế và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.


    [1] Khoản 2, điều 8 luật hôn nhân và gia đình nă 2014

    [2] Khoản 3, Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

    [3]  Điều 17 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

    [4] Điều 20 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

    [5] Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

    [6] Khoản 1 Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

    [7] Khoản 4 Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

    [8] Khoản 4 Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

    [9] Khoảng 3, điều 59 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

    Danh mục
    Tin nổi bật
    Tin liên quan
    Nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn của giảng viên  Trường Chính trị tỉnh Kon Tum

    Nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Kon Tum

    Tham gia tổng kết thực tiễn là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trường chính trị cấp tỉnh). Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13-11-2018 của Ban Bí thư “về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, nêu rõ: “Trường chính trị cấp tỉnh có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương”. Tổng kết thực tiễn góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tư vấn cho cấp ủy, chính quyền địa phương hoạch định chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
    SUY NGHĨ TRÍ THỨC

    SUY NGHĨ TRÍ THỨC

    Đặng Thanh Long Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH và KT tỉnh Kon Tum “Tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt, Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên Có giang sơn, thì sĩ đã có tên, Từ Chu, Hán, vốn sĩ này là quý”
    zalo
    Hotline