TỈNH KON TUM BƯỚC ĐẦU ỨNG DỤNG CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐỂ NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO ĐỊA PHƯƠNG

TỈNH KON TUM BƯỚC ĐẦU ỨNG DỤNG CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐỂ NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO ĐỊA PHƯƠNG

    Trần Thị Thương - Khoa Nhà nước và Pháp luật

     

    Trên thế giới, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2015, phổ biến từ năm 2017 và ở Việt Nam, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2018. Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, hiểu theo nghĩa hẹp, là một bước phát triển cao hơn, là bước phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin, cho phép tính toán nhanh hơn, xử lý dữ liệu nhiều hơn, truyền tải dung lượng lớn hơn, với chi phí rẻ hơn. Còn hiểu theo nghĩa rộng, công nghệ số là một trong các nhóm công nghệ chính của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với đại diện là công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, thực tế ảo... Có thể khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan; có vai trò rất quan trọng đối với mọi quốc gia và các địa phương.

    Đối với tỉnh Kon Tum chuyển đổi số bắt đầu triển khai mạnh mẽ từ năm 2020, cụ thể Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3894/KH-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2020 với mục tiêu cụ thể hóa việc triển khai thực hiện theo Quyết định số 749/QĐ- TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, làm cơ sở cho các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan, đơn vị mình. Đặc biệt, sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 18 tháng 2 năm 2022 về về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, công tác chuyển đổi số của tỉnh Kon Tum đã có nhiều chuyển biến rõ nét, cụ thể năm 2022 đạt 0,54 điểm, vươn lên xếp thứ 45 trong cả nước và xếp thứ 2 trong khu vực Tây Nguyên. Trong năm 2023, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Kon Tum tiếp tục được triển khai thực hiện quyết liệt, qua đó đã đạt được một số kết quả quan trọng, tạo nền tảng để triển khai công cuộc chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo, cụ thể:

    Thứ nhất, đã ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung và Danh mục cơ sở dữ liệu mở với 64 cơ sở dữ liệu dùng chung của 17 lĩnh vực và 199 cơ sở dữ liệu mở của 14 lĩnh vực; đến nay, kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh đã được vận hành và cập nhật 75 bộ dữ liệu thuộc 12 lĩnh vực của 31 cơ quan, đơn vị.

    Thứ hai, về thể chế số, UBND tỉnh đã ban hành chính sách giảm 50% phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến; có 119 dịch vụ công trực tuyến được cắt giảm thời gian giải quyết khi nộp hồ sơ bằng hình thức trực tuyến đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

    Thứ ba, về hạ tầng số, hiện mạng truyền số liệu chuyên dùng đã kết nối đến 100% cơ quan nhà nước các cấp; Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ đến 100% trung tâm xã và gần 50% hộ gia đình. Hình thành Kho cơ sở dữ liệu tỉnh phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây; một số nền tảng dùng chung thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

    Thứ tư, nguồn nhân lực số đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu đề ra về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đến nay, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã bố trí ít nhất 01 cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin; đã thành lập Ban chỉ đạo/Tổ chỉ đạo về Chuyển đổi số và 566 Tổ công nghệ số cộng đồng với 2.519 thành viên tham gia.

    Thứ năm, đối với an toàn, an ninh mạng, về bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ, toàn tỉnh đã phê duyệt cấp độ an toàn cho 24/35 hệ thống, đạt 68,57%. Hiện có 13 website được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá và gán nhãn tín nhiệm mạng. Trong năm hệ thống đã có 78.364 lỗ hổng đã được phát hiện, xử lý. Tổng số mã độc ghi nhận trong năm là 180.731 và đã xử lý 178.523 đạt 99%.

    Thứ sáu, các phần mềm, nền tảng số đã góp phần phục vụ tốt hoạt động quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực như: Hệ thống quản lý và điều hành của tỉnh được 100% đơn vị, địa phương triển khai với tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt trên 98,25%; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đã cung cấp trên 998 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và trên 373 dịch vụ công trực tuyến một phần...

    Với những thành công bước đầu về chuyển đổi số nêu trên trên đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của địa phương, bởi vì thông qua chuyển đổi số công tác quản lý được nhanh chóng và chính xác hơn nhiều lần (đơn cử như: việc số hóa bản đồ điện tử giúp việc quản lý đất đai cực kỳ thuận lợi, việc chia tách thửa đất có thể thực hiện trên bản đồ máy tính và hệ thống định vị GPS thay vì ra thực tế đo đạc rất tốn thời gian; việc hình thành kho dữ liệu lớn dùng chung giữa các ngành thuế, kho bạc, tài chính, tài nguyên cũng đã giúp việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thuận lợi hơn rất nhiều, thay vì trước đây phải đi kiểm tra sổ sách, hóa đơn từng đơn vị thì nay có thể so sánh, đối chiều trên hệ thống hóa đơn và chứng từ điện tử, mặt khác người dân và doanh nghiệp cũng thao tác nộp thuế, nộp báo cáo qua cổng dịch vụ công rất nhanh chóng, thuận lợi và tránh việc gặp gỡ trực tiếp dễ phát sinh tiêu cực; đối với một số hội nghị phổ biến, quán triệt, tập huấn đã có thể triển khai trực tuyến đến cấp cơ sở giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại rất nhiều của các cơ quan, đơn vị...). Cụ thể hơn việc chuyển đổi số đã giúp nâng cao năng lực lãnh đạo của tỉnh Kon Tum được thể hiện một số chỉ tiêu sau:

    Một là, theo kết quả công bố tại phiên họp Chính phủ ngày 17 tháng 4 năm 2024, Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2023, Kon Tum đạt 82,10 tăng 07 bậc so với năm 2022, xếp thứ 35/63 tỉnh, thành trong cả nước. Đối với Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023, Kon Tum xếp thứ 43/63 với kết quả đạt 86,14 tăng 12 bậc so với năm 2022. Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số PCI tỉnh Kon Tum năm 2022 đạt 64,89 điểm, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố. Trong khu vực Tây nguyên, Kon Tum chỉ xếp sau Lâm Đồng và đây cũng là thứ hạng cao nhất tỉnh đạt được kể từ năm 2006 đến nay.

    Hai là, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số đến 2023, định hướng đến 2030; tỉnh cũng đã ban hành 14 kế hoạch để triển khai các nhiệm vụ. Đã thành lập 566 Tổ công nghệ số cộng đồng tại 10 huyện, thành phố, với 2.519 thành viên tham gia; 100% số xã đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ người dân; 100% cơ quan, đơn vị các cấp triển khai ứng dụng chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành; tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt trên 99%. Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến: tỉnh đã cung cấp 1.170 dịch vụ công toàn trình, 169 dịch vụ công trực tuyến một phần; tích hợp lên 1.259 TTHC của tỉnh lên Cổng DVC quốc gia, đạt 71.86%.

    Ba là, từ đầu năm 2022 đến nay Kon Tum đã thu hút 27 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 2.789,6 tỉ đồng; có 476 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 7.831 tỉ đồng. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh còn hướng dẫn các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước có yêu cầu hỗ trợ, trong đó có một số nhà đầu tư lớn và tập đoàn có tiềm lực đã đến khảo sát và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh như: Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Hùng Nhơn, Tập đoàn Hưng thịnh, Công ty CP Him Lam, Nutifood, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Hạ tầng giao thông (Intracom),...

    Bốn là, UBND tỉnh đã tập trung nghiên cứu, ban hành nhiều văn bản pháp quy và thường xuyên rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến chuyển đổi số, từng bước hình thành khung khổ pháp lý cho việc triển khai chuyển đổi số (Từ năm 2022-2023 đã có 91 văn bản được ban hành phục vụ thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó có 02 văn bản quy phạm pháp luật, 16 Quyết định, 13 Kế hoạch và 60 công văn).

    Năm là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền theo hướng đa dạng, phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu và Nhân dân đối với vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong tình hình mới.

    Sáu là, đã ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để triển khai thực hiện các hoạt động, chương trình, đề án phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Nguồn vốn ngân sách nhà nước chi cho chuyển đổi số trong 02 năm 2022 và 2023 là 97.277 triệu đồng.

    Bảy là, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành thông tin và truyền thông các cấp (Có 443 lao động trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin. 01 trường đại học và 01 trường cao đẳng có đào đạo công nghệ thông tin với số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm khoảng 60-70 sinh viên; 409 cán bộ, công chức được phân công phụ trách (chuyên trách hoặc kiêm nhiệm) tham mưu công tác chuyển đổi số và an toàn an ninh mạng của các sở, ban, ngành và địa phương (trong đó, có ít nhất 01 cán bộ phụ trách (chuyên trách hoặc kiêm nhiệm) về công nghệ thông tin (quản trị mạng), 01 lãnh đạo phụ trách về công nghệ thông tin.

     Tám là, ưu tiên thực hiện chuyển đổi số đối với một số lĩnh vực nhằm cung cấp trải nghiệm mới, mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp và xã hội, như: Đã triển khai ứng dụng nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia thực hiện quản lý 100% đối tượng tiêm chủng và lịch sử tiêm chủng13; 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thuộc Sở Y tế đã triển khai ứng dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip, ứng dụng phần mềm VneID thay thế thẻ bảo hiểm y tế trong khám bệnh, chữa bệnh; Đã vận hành và sử dụng phần mềm tra cứu văn bằng chứng chỉ; phần mềm tra cứu điểm thi; phần mềm quản lý ngân hàng đề thi và tổ chức thi, kiểm tra trên máy tính; phần mềm dạy và học trực tuyến (MS Teams, Zoom, Googe Meet, ...); Đã triển khai Dịch vụ công trực tuyến cấp đổi, cấp lại Giấy phép lái xe; hệ thống quản lý hoạt động vận tải; phần mềm quản lý bến xe, áp dụng truyền tải dữ liệu lệnh vận chuyển;Các nền tảng: Agribank E-Mobile Banking….

    Chín là, thường xuyên rà soát, cắt giảm chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến. Qua đó, có 36 dịch vụ công trực tuyến được giảm lệ phí theo Nghị quyết số 24/2023/NQ-HĐND, ngày 11-7-2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh và 119 dịch vụ công trực tuyến giảm thời gian giải quyết khi nộp hồ sơ trực tuyến. Đã xây dựng lộ trình và tăng cường nguồn lực đầu tư để hình thành các đô thị theo hướng thông minh trên địa bàn tỉnh.

    Mười là, phát triển và thành lập sàn thương mại điện tử của tỉnh với 588 sản phẩm; xây dựng và vận hành hệ thống hội chợ, triển lãm trực tuyến. Nền tảng giao hàng tiết kiệm; giao hàng nhanh... đã dần tiếp cận đến các xã, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử ở khu vực nông thôn. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP của tỉnh năm 2022 đạt tỷ lệ 7,17% và năm 2023 đạt tỷ lệ 6,88%.

    Tuy nhiên, bên cạnh các mặt đã đạt được thì vẫn còn một số hạn chế, khó khăn và bài học kinh nghiệm cho thời gian đến đối với phát triển công tác chuyển đổi số của địa phương như:

    Một là, đội ngũ công chức, viên chức tham mưu chuyển đổi số của các sở, ngành, địa phương còn hạn chế về số lượng và chất lượng, đặc biệt thiếu các công chức có trình độ cao về công nghệ thông tin và các chuyên gia chuyển đổi số.

    Hai là, dữ liệu quản lý của các cơ quan, đơn vị được số hóa, lưu trữ tập trung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh còn chậm. Do một số đơn vị, địa phương chưa quyết liệt trong công tác chuyển đổi số.

    Ba là, tỷ lệ người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa đối với hồ sơ thủ tục hành chính còn thấp (đạt tỷ lệ 24,69%). Do một số địa bàn điều kiện kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; mức thu nhập của người dân thấp nên điều kiện sử dụng các dịch vụ internet còn hạn chế; số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh còn ít. Khả năng sử dụng thiết bị công nghệ để thực hiện dịch vụ công của người dân còn hạn chế.

    Bốn là, phát triển hạ tầng số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức (hệ thống máy tính của nhiều đơn vị, địa phương nhất là cấp xã đã lạc hậu; toàn tỉnh còn 39 điểm lõm sóng băng rộng di động). Công tác bảo mật còn nhiều hạn chế, 20% hệ thống thông tin toàn tỉnh chưa được xác nhận bảo vệ an toàn thông tin theo cấp độ. Do nguồn lực của địa phương còn hạn hẹp so với nhu cầu đầu tư chuyển đổi số rất lớn.

    Vì vậy, trong thời gian tới các cấp, các ngành cần quan tâm chú trọng một số giải pháp và thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

    Thứ nhất, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương phát huy tốt vai trò và nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác chuyển đổi số, gắn kết chặt chẽ với công tác cải cách hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo của địa phương và đời sống người dân trên địa bàn.

     Thứ hai, rà soát, chỉnh sửa, ban hành Kế hoạch chuyển đổi số hằng năm và các văn bản có liên quan về công tác chuyển đổi số sát với thực tiễn của tỉnh; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

    Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia trên địa bàn tỉnh, các loại cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Tập trung nguồn lực số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu theo Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, Danh mục cơ sở dữ liệu mở tỉnh Kon Tum bảo đảm đồng bộ, quy chuẩn kỹ thuật và an toàn thông tin, phục vụ kết nối và chia sẻ dữ liệu theo quy định.

    Thứ tư, thu hút mạnh đầu tư để có nguồn vốn đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tìn và viễn thông, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số, nhất là xóa vùng lõm sóng băng rộng di động, vùng sâu, vùng biên giới...

    Thứ năm, củng cố, kiện toàn, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành thông tin và truyền thông của tỉnh, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu tham mưu và triển khai thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Phát huy hơn nữa vai trò của Tổ Công nghệ số cộng đồng tại cơ sở, bảo đảm thực sự là lực lượng nòng cốt trong việc hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số. Có chính sách thu hút và đãi ngộ cán bộ, công chức lĩnh vực công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị, địa phương (đặc biệt là các công chức chuyên môn các lĩnh vực nhưng có năng lực am hiểu công nghệ thông tin).

    Thứ sáu, tăng cường tuyên truyền phổ biến, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và Nhân dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với đời sống và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, chú trọng tập huấn nâng cao trình độ thường xuyên cho các cán bộ lớn tuổi, cán bộ vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

    Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện công tác chuyển đổi số gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cụ thể. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

    Tài liệu tham khảo

    1. Cẩm nang chuyển đổi số của Bộ Thông tin và truyền thông được tái bản có chỉnh sửa, cập nhật, bổ sung năm 2021.
    2. Nghị quyết 09/-NQ/TU ngày 18 tháng 2 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy  về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
    3.  Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
    4. Báo cáo 635/BC-BCĐCĐS ngày 15 tháng 4 năm 2023 của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số về kết quả triển khai Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2022
    5. Báo cáo số 1071/BC-BCĐ ngày 01 tháng 4 năm 2024 của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Kon Tum về kết quả chuyển đổi số năm 2023
    6. Báo cáo 424/BC-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023
    7. Báo cáo 488/BC-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024

     

     

    Danh mục
    Tin nổi bật
    zalo
    Hotline