Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Phương Thảo - GV Khoa Nhà nước và Pháp luật
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật luôn có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay, là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự điều phối, tổ chức thực hiện của các cơ quan nhà nước và các tổ chức, đoàn thể; là khâu then chốt, quan trọng để chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước thực sự đi vào cuộc sống xã hội, đi vào ý thức, hành động của từng chủ thể trong xã hội.
Trong điều kiện pháp luật được ban hành ngày càng nhiều, nội dung đa dạng, điều chỉnh nhiều loại quan hệ xã hội phục vụ tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật càng trở nên cần thiết. Đặc biệt, với môi trường làm việc là Trường Chính trị, nơi nghiên cứu, giảng dạy, chuyển tải đến người học những kiến thức lý luận chính trị nói chung, kiến thức pháp luật nói riêng thì việc cập nhật, tuyên truyền, phổ biến những kiến thức pháp luật là vô cùng quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho các giảng viên trong quá trình nghiên cứu cũng như giảng dạy. Thêm vào đó, hệ thống pháp luật thường xuyên thay đổi, do đó cần phải cập nhật liên tục những thay đổi đó để phục vụ cho công tác chuyên môn, nghiên cứu. Với chức năng, nhiệm vụ như vậy, trong năm qua Trường Chính trị tỉnh Kon Tum đã phổ biến, giáo dục pháp luật có những kết quả như sau:
Một số kết quả đạt được
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Trường do Chi hội Luật gia, Tổ tuyên truyền pháp luật của Trường đảm trách, Chi hội Luật gia gồm các thành viên là Trưởng, phó khoa Nhà nước và Pháp luật và các giảng viên có chuyên ngành Luật và Hành chính. Đây cũng là điều kiện thuận lợi giúp công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện có kế hoạch, chất lượng và hiệu quả hơn.
Hàng năm, Trường thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo quý để tuyên truyền, phổ biến những văn bản luật mới để kịp thời cập nhật thông tin.
Trong năm 2018, Trường đã tổ chức 04 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho gần 120 lượt cán bộ, công chức, viên chức trong Trường, với nội dung: Hiến pháp năm 2013, Bộ luật dân sự năm 2015, Bộ luật hình sự năm 2015, Luật quản lý, sử dụng tài sản công; Nghị định 101/2017/NĐ-CP quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Thông tư 01/2018/TT-BNV hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 09 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức...
Trong quá trình giảng dạy, các giảng viên đã lồng ghép những nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vào bài giảng. Tập trung phổ biến sâu rộng các quy định pháp luật quan trọng, liên quan chặt chẽ đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương, các cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến đời sống, công việc, nội dung học tập của học viên, như: Luật Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật Hành chính, Luật Dân sự, Luật Kinh Tế, Luật cán bộ, công chức; Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 26/02/2018 của UBND tỉnh về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Luật quản lý nợ công; Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan đến lý lịch tư pháp và yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực cho hơn 1.000 lượt học viên đang học tại Trường Chính trị tỉnh Kon Tum.
Ngoài ra, tổ tuyên truyền pháp luật làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật thông qua việc tổ chức các buổi phổ biến pháp luật; viết tin bài để đăng trên các Tạp chí, báo, trang thông tin điện tử của Ngành và của trường Chính trị tỉnh Kon Tum; lồng ghép hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật vào các bài giảng. Tham gia góp ý xây dựng các dự án luật mới hoặc dự án luật sửa đổi bổ sung thông qua các hình thức như: góp ý tại các Hội nghị chuyên đề, Hội thảo, hoặc trực tiếp góp ý.
Nhờ đó, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã đạt được những kết quả nhất định, kịp thời bổ sung, cập nhật kiến thức pháp luật cho cán bộ, giảng viên và học viên của trường, hỗ trợ trong công tác dạy, học, nghiên cứu.
Khó khăn, hạn chế
Do công việc chuyên môn nhiều nên khó sắp xếp được thời gian có đông đủ cán bộ, viên chức để tổ chức thực hiện buổi tuyên truyền.
Thời gian giành cho các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật không nhiều, thường là tranh thủ sau các cuộc họp giao ban toàn cơ quan, do đó cũng ảnh hưởng đến chất lượng buổi tuyên truyền.
Hình thức tuyên truyền chủ yếu vẫn là thuyết trình, chưa sinh động.
Một số buổi tuyên truyền do các giảng viên trẻ thực hiện đã cung cấp được các thông tin cơ bản, tuy nhiên vẫn chưa chuyên sâu được các nội dung.
Một số đề xuất nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại Trường Chính trị tỉnh Kon Tum
Để công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại Trường Chính trị tỉnh Kon Tum đạt hiệu quả tích cực hơn nữa, cần lưu ý một số vấn đề như:
Tiếp tục tăng cường quán triệt thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 07/12/2012 của Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư; Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021; Luật phổ biến giáo dục pháp luật và các văn bản khác có liên quan để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các phòng, khoa đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Coi công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ chung của toàn Trường.
Tăng cường sự quan tâm, lãnh chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đối với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Tạo điều kiện về thời gian, kinh phí, cơ sở vật chất để tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhà trường. Củng cố, kiện toàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Chi hội Luật gia, tổ tuyên truyền pháp luật của Trường đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, có chính sách hợp lý đối với đội ngũ này.
Sắp xếp thời gian hợp lý để thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đảm bảo đầy đủ cán bộ, viên chức của trường tham gia. Căn cứ vào lịch giảng dạy và làm việc để lựa chọn thời gian phù hợp, các cán bộ, viên chức của Trường sắp xếp công việc chuyên môn tham gia đầy đủ các buổi tuyên truyền pháp luật.
Nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Đội ngũ làm công tác tuyên truyền pháp luật thường xuyên trau dồi kiến thức, kỹ năng, cập nhật những kiến thức pháp luật mới, góp phần đảm bảo hiệu quả tuyên truyền. Tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức giành cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.
Đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Áp dụng các hình thức sinh động, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng tuyên truyền. Có thể tổ chức các hội thảo trao đổi đa chiều. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền pháp luật. Về nội dung, bên cạnh việc phổ biến nội dung của các văn bản pháp luật mới, cần tập trung phổ biến những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của cán bộ, viên chức của Trường và học viên các lớp.
Tăng cường lồng ghép, cập nhật các nội dung, kiến thức pháp luật mới trong các bài giảng. Trong quá trình giảng dạy, các giảng viên chủ động tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với học viên thông qua việc lồng ghép các văn bản pháp luật có liên quan vào các nội dung bài học./.
Tài liệu tham khảo:
Báo cáo số 04-BC/HLGTCT, ngày 04/12/2018 của Chi hội Luật gia Trường CHính trị tỉnh Kon Tum về kết quả công tác năm 2018, nhiệm vụ 2019 của Chi hội Luật gia Trường Chính trị tỉnh Kon Tum.