Tầm nhìn và quyết sách của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Tầm nhìn và quyết sách của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945

    Tác giả bài viết: ThS. Ngô Thị Thúy Mai - Khoa Xây dựng Đảng

         Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra và giành thắng lợi, ngoài nguyên nhân khách quan, còn có  nguyên nhân chủ quan. Nếu nguyên nhân khách quan là điều kiện quốc tế thuận lợi: phát xít Nhật đầu hàng lực lượng Đồng Minh không điều kiện, đóng vai trò quan trọng, thì một trong những nguyên nhân chủ quan giữ vai quyết định trực tiếp, đó là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua tầm nhìn chiến lược và những quyết sách tài tình và sáng suốt nhất!
         Ngay từ năm 1930 tại Hội nghị thành lập Đảng, Cương lĩnh chính trị đầu tiên đã nêu rõ: “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[1], đồng thời, xác định cách mạng thuộc địa nằm trong phạm trù của cách mạng vô sản, thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp và giải phóng xã hội, giải phóng con người. Như vậy, ngay từ đầu Đảng ta đã nhìn nhận thấu suốt mục tiêu, triển vọng lâu dài của cách mạng Việt Nam là đi tới xã hội cộng sản. Từ đó, Đảng đã xác định đúng nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, trước mắt của cách mạng là “đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập. Dựng ra chính phủ công nông binh, tổ chức ra quân đội công nông”[2]. Đảng ra đời đã kịp thời lãnh đạo giai cấp công nhân và quần chúng nhân dân trải qua các phong trào cách mạng sôi nổi, rộng khắp, vượt qua sự khủng bố, đàn áp của đế quốc, thực dân để phát triển lực lượng cách mạng, không ngừng củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng. Với đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn, Đảng luôn căn cứ vào tình hình biến đổi của thực tiễn, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh chủ trương, nhiệm vụ cách mạng phù hợp với yêu cầu từng thời kỳ cách mạng, nhưng luôn nhất quán về mục tiêu, phương pháp cách mạng và chiến lược đại đoàn kết dân tộc.
         Từ năm 1939 - 1945, tình hình quốc tế và trong nước biến chuyển mau lẹ, nhanh chóng xuất hiện thời cơ thuận lợi và cả những thách thức, nguy cơ đối với cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, Đảng đã kịp thời phân tích, đánh giá nhận định tình hình, dự báo xu thế, triển vọng đối với cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta, nhanh chóng đưa ra những quyết định kịp thời nhất.  Qua đó, thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo nhạy bén, sáng suốt với tầm nhìn trí tuệ đầy chiến lược, sự sáng tạo và bản lĩnh kiên cường của Đảng ta. Nghị quyết Hội nghị Trung ương (11/1939) đã nhận định: “Cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị gây nên bởi đế quốc chiến tranh lần này sẽ nung nấu cách mạng Đông Dương nổ bùng và tiền đồ cách mệnh giải phóng Đông Dương nhất định sẽ quang minh rực rỡ ”[3]. Trên cơ sở dự đoán ban đầu quan trọng đó, tháng 5/1941 Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng nêu rõ: “Liên Xô thắng trận, quân Trung Quốc phản công…tất cả các điều kiện ấy sẽ giúp cho các cuộc vận động của Đảng ta mau phát triển,và rồi đây, lực lượng sẽ lan rộng ra toàn quốc để gây một cuộc tổng khởi nghĩa rộng lớn”, “nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần  trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”[4]. Hội nghị nêu bật: “Nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước là một nhiệm vụ trước tiên của Đảng ta”[5], “trong giai đoạn hiện tại, nếu không đánh đuổi được Pháp-Nhật thì vận mạng của dân tộc phải chịu mãi kiếp ngựa trâu muôn đời mà vấn đề ruộng đất cũng không làm sao giải quyết được”[6]. Trước tình hình đó, Hồ Chí Minh khẳng định: “Bây giờ tình hình phát triển cách mạng hòa bình đã qua, nhưng thời kỳ khởi nghĩa toàn dân chưa đến. Cho nên nếu chỉ hoạt động trong vòng chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào tiến tới, nhưng nếu phát động khởi nghĩa ngay thì sẽ bị quân địch làm cho nguy khốn. Đã đến lúc một cuộc đấu tranh phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự, nhưng lúc này chính trị vẫn trọng hơn quân sự, cần phải tiến hành hình thức đấu tranh thích hợp thì mới có thể đưa cách mạng tới thành công”[7].
         Đêm 9/3/1945, ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng được triệu tập nhận định về thời cơ có thể nổ ra khởi nghĩa: “Rồi đây, những thắng lợi của Liên Xô, sự tan rã của chủ nghĩa phát xít quốc tế…sẽ thúc đẩy cách mạng bùng nổ ở nhiều nước”. Do đó, tư tưởng chỉ đạo của Hội nghị là “phải hành động ngay, hành động cương quyết nhanh chóng, sáng tạo chủ động, táo bạo”[8]. Tinh thần của Hội nghị được thể hiện trong bản Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (ban hành ngày 12/3/1945). Bản Chỉ thị chỉ rõ “ta không thể đem việc quân Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương làm điều kiện tất yếu cho cuộc khởi nghĩa của ta, vì như thế lại ỷ vào người và tự bỏ tay trong khi tình thế biến chuyển thuận tiện. Nếu cách mạng Nhật bùng nổ và chính quyền cách mạng của nhân dân Nhật thành lập hay nếu giặc Nhật mất nước như Pháp năm 1940 và quân đội viễn chinh của Nhật mất tinh thần thì khi ấy quân đồng minh chưa đổ bộ vào Đông Dương thì cuộc tổng khởi nghĩa của ta có thể bùng nổ thắng lợi”[9]. Bản Chỉ thị đã thể hiện sự lãnh đạo của Đảng vô cùng sáng suốt, kiên quyết, kịp thời nhạy bén, bình tĩnh thận trọng và sáng tạo. Bản chỉ thị là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và của Mặt trận Việt Minh trong cao trào kháng Nhật cứu nước, có tác dụng quyết định trực tiếp đối với thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Thực hiện bản Chỉ thị trên, Đảng phát động cao trào kháng Nhật cứu nước (thời kỳ tiền khởi nghĩa) lãnh đạo toàn dân gấp rút chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Hội nghị thay đổi khẩu hiệu “đánh đuổi phát xít Nhật - Pháp” trước đây bằng khẩu hiệu “đánh đuổi phát xít Nhật” và đề ra việc thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân.
         Để chuẩn bị tích cực và khẩn trương hơn nữa cho việc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước. Từ ngày 15 đến ngày 20 /4/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự Bắc Kỳ (Hiệp Hoà, Bắc Giang). Hội nghị quyết định quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam Giải phóng quân, xây dựng 7 chiến khu chống Nhật cứu nước, lập Ủy ban quân sự cách mạng, mở lớp huấn luyện quân chính,…chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến. Trong thời gian này, trong nội bộ Đảng ta đã phê phán nghiêm khắc quan điểm sai lầm của một vài đồng chí ở Trung Bộ chủ trương cải tổ chính phủ Trần Trọng Kim hy vọng giành độc lập bằng con đường hoà bình với Nhật. Đồng thời, Trung ương phê phán tư tưởng tả khuynh của các đồng chí trong báo Giải Phóng (Nam Bộ) vẫn còn giữ khẩu hiệu “đánh đổ phát xít Pháp-Nhật” sau khi Nhật hoàn thành cuộc đảo chính[10]. Trong cao trào tiền khởi nghĩa, tất cả các hoạt động của Đảng về chính trị, quân sự, tư tưởng đều chĩa mũi nhọn vào phát xít Nhật và chính phủ bù nhìn thân Nhật, nhằm mục tiêu trước mắt là tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
         Khi Nhật đầu hàng Liên Xô và Đồng Minh, tinh thần quân đội Nhật hoang mang cực độ, Đảng ta đã thực hiện một sách lược khôn khéo: Đối với quân đội Nhật, chúng ta sẽ rất ôn hòa, tránh tất cả những sự xô xát vô ích, bất lợi cho cả đôi bên, đồng thời chúng ta có thể dùng ngoại giao làm cho Nhật hiểu rõ tình thế, tán thành cách mạng Việt Nam. Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng nhận định thời cơ cho ta giành độc lập đã tới, Đảng phải kịp thời phát động, lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và bọn bù nhìn tay sai của chúng trước khi quân Đồng minh Anh, Mỹ vào Việt Nam. Ngay đêm 13/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập. Uỷ ban khởi nghĩa đã ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam đã gửi thư tới đồng bào cả nước kêu gọi nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy. Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[11]. Với những quyết định lịch sử đó, hơn 20 triệu nhân dân ta từ Bắc tới Nam đã nhất tề đứng lên làm cuộc tổng khởi nghĩa trên toàn quốc. Trong đó, thắng lợi ở Hà Nội (ngày 19/8), Huế (ngày 23/8) , Sài Gòn (ngày 25/8) có ý nghĩa quyết định. Tổng khởi nghĩa đã thành công trên phạm vi cả nước. Ngày 02/9/1945, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng công bố “Tuyên ngôn độc lập”, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chế độ thực dân hơn 80 năm, chế độ phong kiến hàng nghìn năm đã bị lật nhào, chính quyền cách mạng thuộc về nhân dân.
         Những nghị quyết, chỉ thị quan trọng của Đảng ở những thời điểm bước ngoặt chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa là những quyết sách đúng đắn, mau lẹ, kịp thời, cho thấy sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả tất yếu khách quan của quá trình Đảng thường xuyên bổ sung, phát triển và hoàn chỉnh hệ thống các quan điểm về cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó chú trọng đến việc lựa chọn hình thức và phương pháp cách mạng phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể; tổ chức xây dựng lực lượng cách mạng, nhận định tình thế và thời cơ cách mạng,… để chỉ đạo kiên quyết, tập trung, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, dẫn dắt các tầng lớp nhân dân chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động cách mạng. Cách mạng Tháng Tám thành công đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu cho cách mạng Việt Nam, cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, đồng thời là minh chứng cho giá trị bền vững của tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, trong đó “sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”[12].



     
    [1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.1998, tập 2, tr.2
    [2] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 3, tr.1
    [3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tập 6, tr.535
    [4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tập 6, tr.100
    [5],6 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tập 7, tr.118, tr.119
     
    [7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.1996, tập 4, tr. 4
    [8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tập 7, tr.367
    [9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2000, tập 7, tr.373
    [10] Theo Th.s Trần Thị Kim Dung, Viện Xây dựng Đảng - Học viện Chính trị quốc gia  Hồ Chí Minh, Vai trò lãnh đạo của Đảng trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, https://dangcongsan.vn/ 14:36, Thứ hai, 09/09/2019 
      [11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, , Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 3, tr.596
    [12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu, ban Chấp hành Trung ương Khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, H.1999, tr.23

    Danh mục
    Tin nổi bật
    Tin liên quan
    zalo
    Hotline