Tác giả bài viết: Ngô Thị Thuý Mai
Nguồn tin: Khoa xây dựng Đảng
Năm 1917, giữa lúc cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất đang diễn ra quyết liệt, Cách mạng tháng Mười Nga bùng nổ và thắng lợi, làm rung chuyển thế giới, thức tỉnh các dân tộc phương Đông, có tác động chuyển biến tư tưởng,tình cảm nhiều nhà cách mạng lớn. Lức bấy giờ, Nguyễn Ái Quốc quyết định rời Luân Đôn trở lại Pháp.
Khi nghiên cứu Cách mạng tháng Mười Nga (1917), Nguyễn Ái Quốc nhận xét: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”[1]. Người nhấn mạnh: “Cách mạng tháng Mười là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác và học thuyết Lênin ở một nước lớn là Liên Xô, rộng một phần sáu thế giới. Đó là thắng lợi vĩ đại nhất của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức do giai cấp công nhân và đội tiền phong của họ là Đảng bôn-sê-vích lãnh đạo”[2]. Người khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”[3].
Từ kinh nghiệm cách mạng vô sản thế giới, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: Việt Nam muốn có độc lập, tự do phải đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, vì “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hi sinh, phải thống nhất,… phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”[4]. Người hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo “Cách mạng tháng Mười mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới”[5].
Từ đó, Nguyễn Ái Quốc tích cực nghiên cứu, học tập, vận dụng và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, ánh sáng Cách mạng Tháng Mười, đồng thời chuẩn bị những tiền đề quan trọng cho sự ra đời của chính đảng tiên phong ở Việt Nam. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, khẳng định đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam.
Qua thực tiễn phát triển của cách mạng, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam ngày càng thấm nhuần những lời dạy của V.I.Lênin và những giá trị lịch sử, bài học kinh nghiệm quý báu từ Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Đó là bài học về sự cần thiết có sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của mỗi nước mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công. Xây dựng khối liên minh công nông vững chắc - sự bảo đảm chắc chắn nhất những thắng lợi của cách mạng, chỉ có khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo mới có thể kiên quyết và triệt để đánh đổ các thế lực phản cách mạng, giành lấy và củng cố chính quyền của nhân dân lao động, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cách mạng dân tộc, dân chủ và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và trên cơ sở liên minh công nông ngày càng vững mạnh, trong mỗi giai đoạn cách mạng, cần tập hợp mọi lực lượng cách mạng và tiến bộ khác thành một mặt trận rộng rãi, thực hiện thống nhất hành động dưới nhiều hình thức khác nhau để chống kẻ thù chung. Trong cuộc đấu tranh gian khổ ấy, cần phải dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành chính quyền và bảo vệ chính quyền. Tuỳ tình hình cụ thể mà quyết định những hình thức đấu tranh cách mạng thích hợp, sử dụng đúng và khéo kết hợp các hình thức đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị để giành thắng lợi cho cách mạng. Không ngừng tăng cường và củng cố nền chuyên chính vô sản và sau khi giành được chính quyền, nhiệm vụ hàng đầu của giai cấp công nhân là phải tăng cường nền chuyên chính vô sản để hoàn thành những nhiệm vụ lịch sử của cách mạng, triệt để xoá bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội để tiến lên chủ nghĩa cộng sản.
Trong cuộc đấu tranh một mất một còn, giữa một bên là giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức với một bên là bọn đế quốc cùng bè lũ tay sai bán nước, bọn phong kiến, địa chủ và tư sản phản động; nhân dân các nước cần có tinh thần cách mạng triệt để, luôn luôn giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ gian khổ hi sinh, kiên quyết đấu tranh đến cùng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kết hợp chặt chẽ lòng yêu nước với tinh thần quốc tế vô sản trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận khăng khít, không tách rời với cách mạng vô sản thế giới. Đúng như lời kêu gọi của V.I.Lênin “giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”.
Dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga, được vận dụng sáng tạo vào đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, tiến lên giành được nhiều thắng lợi vĩ đại. Đó là, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân ta đã đập tan xiềng xích nô lệ hơn 80 năm của thực dân Pháp và hàng trăm năm chế độ phong kiến nhà Nguyễn, đưa lại độc lập, thống nhất cho đất nước ta; đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ thành người làm chủ xã hội, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á; đưa Đảng ta từ chỗ hoạt động bí mật, bất hợp pháp, thành Đảng Cầm quyền lãnh đạo cách mạng; khẳng định trong thực tiễn đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng ta vạch ra trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên là hoàn toàn đúng đắn, mở ra kỷ nguyên phát triển mới cho dân tộc Việt Nam: kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, tăng cường lực lượng, mở rộng địa bàn cho cách mạng thế giới. Đồng thời chứng minh học thuyết Mác-Lênin có thể áp dụng thành công vào cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa, nếu biết cách vận dụng đúng đắn, sáng tạo. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử phong trào giải phóng dân tộc, Đảng Cộng sản ở một nước thuộc địa đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành được thắng lợi và nắm chính quyền trong cả nước.
Thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đỉnh cao là các chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thắng lợi của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã khẳng định một chân lý lịch sử là: một dân tộc đất không rộng, người không đông nhưng nếu có Đảng Cộng sản chân chính lãnh đạo, biết đề ra cương lĩnh chính trị đúng đắn, đường lối cách mạng phù hợp, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, có phương thức tiến hành chiến tranh sáng tạo, được sự ủng hộ của nhân dân thế giới hoàn toàn có thể chiến thắng bất cứ kẻ thù xâm lược nào. Những thắng lợi vẻ vang qua hơn 30 năm đổi mới là minh chứng sinh động về sự kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, về quá trình đúc rút, tổng kết những bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Mười, cũng như những kinh nghiệm từ thành công và thất bại của chủ nghĩa xã hội hiện thực, để vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lênin và Cách mạng Tháng Mười”[6]. Chính vì vậy, “mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười Nga vẻ vang, đối với Lênin vĩ đại và đối với nhân dân Liên Xô là vô cùng sâu sắc”[7] . Với những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc, cách mạng Việt Nam đã tiếp nối lịch sử hào hùng và mục tiêu lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995, Tập 2, tr.274
[2],3 Hồ Chí Minh, Cách mạng tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc, Nxb Sự thật, H.1967, t.5
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995, Tập 2, tr.280
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 12, tr. 301.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2009, t.12, tr. 305
[7] Hồ Chí Minh, Cách mạng tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc, Nxb Sự thật, H.1967, t.18