1. Từ hiền tài là nguyên khí quốc gia
Từ xa xưa, gọi trí thức là người học cao hiểu rộng, có chí khí và phẩm hạnh được Nhân dân gọi là kẻ sĩ. Danh xưng kẻ sĩ, ngoài ý nghĩa đề cao đạo học và nhân tài, còn là sự gửi gắm hy vọng, đặt ra yêu cầu cao về nhân cách, cốt cách quân tử, dù cạm bẫy hay cám dỗ thế nào cũng giữ lòng ngay thẳng, tôn trọng, đấu tranh lẽ phải. Lịch sử dân tộc qua các thời kỳ đã chứng minh, hiền tài là nguyên khí quốc gia, là vốn quý của dân tộc. Sự tồn vong của dân tộc, cơ đồ, tiềm lực, vị thế uy tín của đất nước sự phụ thuộc rất lớn vào vai trò của trí thức - tầng lớp tinh hoa trong đời sống xã hội.
Trong bài kẻ sĩ của cụ Nguyễn Công Trứ từng viết:
“Tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt,
Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên
Có giang sơn, thì sĩ đã có tên,
Từ Chu, Hán, vốn sĩ này là quý”
Bất kỳ triều đại nào muốn phát triển thịnh vượng cũng phải coi trọng chính sách trọng dụng người tài.
2. Quan điểm của Đảng đối với trí thức
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã nhận thức rõ và đánh giá cao vị trí của đội ngũ trí thức trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước. Ngay từ đầu chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người đã nói “những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều”. “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”. Bản thân Người là một trí thức yêu nước đi làm cách mạng. Người hết sức trọng dụng tầng lớp trí thức ưu tú của dân tộc, tạo điều kiện cho họ cống hiến, được thể hiện đầy đủ nhất tài năng, vai trò trách nhiệm của mình trong sự nghiệp chung của toàn dân. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để đội ngũ trí thức phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, phát huy vai trò trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam được coi là cột mốc quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta. Đảng ta đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để đưa nước ta trở thành một nước tiên tiến nhanh chóng hòa nhập vào dòng tiến hóa chung của nhân loại chúng ta chỉ có một con đường là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảng ta cũng xác định rằng, để thực hiện cho được những mục tiêu của sự nghiệp đổi mới không chỉ bằng lòng nhiệt tình và dũng cảm như trước đây mà còn phải phát huy được hoạt động trí tuệ và tài năng sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân.
Đội ngũ trí thức là đại biểu tập trung cho trí tuệ dân tộc. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta thì trí thức tham gia trực tiếp và chủ yếu vào nâng cao dân chí, là bộ phận nguồn lực khoa học và kỹ thuật, trí thức góp phần lớn lao vào phát triển lực lượng sản xuất.
Tầng lớp trí thức là bộ phận rất nhạy cảm, có uy tín lớn cũng như tầm ảnh hưởng rộng trong xã hội; là những người có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận sớm nhất, nhanh nhất những thông tin xã hội.
Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao vai trò đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Và, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trí thức Việt Nam luôn sát cánh cùng giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và Nhân dân lao động cả nước đoàn kết, phấn đấu, cống hiến tài năng và trí tuệ góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.
Thật vậy, trong toàn bộ hoạt động cách mạng của mình, nhất là trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng ta đã ban hành những nghị quyết, chỉ thị, đặc biệt là các nghị quyết chuyên đề về giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa nghệ thuật, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài… để tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ra Nghị quyết 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Khẳng định “xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao nguồn nhân lực của Đảng và chất lượng của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”.
Có thể nói rằng, Đảng và Nhà nước ta dành cho trí thức những vị trí vẻ vang đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược của Đảng trong giai đoạn đổi mới đất nước.
Và, chính Đảng ta đã đề ra những chủ trương và chính sách phù hợp để đoàn kết tập hợp lực lượng trí thức xung quanh Đảng để động viên họ thực hiện những nhiệm vụ cách mạng của Đảng giao phó.
Thực tế đã chứng minh rằng trí thức nước ta đã tỏ rõ xứng đáng là “động lực cách mạng”, là lực lượng lao động quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
3. Và, phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong mái nhà chung Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã qua gần 20 năm thành lập trải 4 kỳ đại hội, với 13 hội trí thức thành viên với gần 5.000 hội viên (chưa kể hội viên khuyến học), bằng nỗ lực và hằng tâm của mình những năm qua hoạt động của Liên hiệp Hội có nhiều đổi mới, góp phần tập hợp đội ngũ trí thức và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà và ngày càng phấn đấu tỏ rõ là tổ chức chính trị - xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo (Chỉ thị 42-CT/TW, ngày 16 tháng 4 năm 2010 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”).
Đội ngũ trí thức trong Liên hiệp Hội hằng năm đã tham gia phát biểu, tham vấn cả trăm dự thảo quyết định, kết luận, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; thực hiện cả chục nhiệm vụ phản biện/năm đối với các báo cáo đánh giá tác động môi trường; tư vấn phản biện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, trong đó có các đề án lớn, quan trọng như: Đề án “Phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Đề án “Đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum tính đến năm 2025, định hướng đến 2030”; Đề án “Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”; Đề án “Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025”; các nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện, thành phố; các đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung đối với các huyện, thành phố...
Bản tin Khoa học kỹ thuật và Đời sống; và Trang thông tin điện tử tổng hợp của Liên hiệp Hội được duy trì để đưa chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, tham gia xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để từng bước thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Phối hợp triển khai các dự án hỗ trợ cộng đồng thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng gắn với sinh kế, tập quán văn hóa truyền thống và du lịch sinh thái, bảo vệ nguồn nước cho sinh hoạt cho người dân địa phương tại các huyện Sa Thầy, Kon Plong ,Tu Mơ Rông, Đăk Hà.
Tổ chức có hiệu quả các Hội thi, Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật, qua đó thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia vào lĩnh vực khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; khơi dậy tiềm năng, phát huy tính tư duy sáng tạo cho thanh thiếu niên nhi đồng, tạo sân chơi khoa học bổ ích cho học sinh, sinh viên; giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng xây dựng ước mơ để trở thành nhà sáng chế trong tương lai, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.
4. Suy nghĩ trí thức
Chúng ta biết rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ khắp thế giới và ngày càng tác động mạnh mẽ đến nước ta. Trong bối cảnh đó vai trò của đội ngũ trí thức thể hiện ở nhiều lĩnh vực hoạt động. Cụ thể là: cung cấp luận cứ khoa học và tư vấn phản biện để góp phần xây dựng đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trực tiếp nâng cao dân trí về giáo dục, đào tạo nhân lực cho cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ở Việt Nam. Muốn vậy, thiết nghĩ:
Một là, tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức: hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng cần tập trung nâng cao nhận thức chính trị và đề cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức đối với đất nước; chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, quan tâm cơ chế chính sách đặc thù trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng sự phát triển về số lượng và chất lượng đội ngũ trí thức.
Hai là, cần bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật cơ chế chính sách nhằm phát triển đội ngũ trí thức đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chú ý ra soát, hoàn thiện chính sách trọng dụng, đào tạo đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Xây dựng cơ sở dữ liệu đội ngũ trí thức làm cơ sở để đào tạo, điều chỉnh cơ cấu trí thức hợp lý nhằm phát huy cao nhất hiệu quả nguồn lực con người phục vụ cho đất nước tốt nhất.
Ba là, bám sát tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay. Bác nói “kiến thiết cần có nhân tài”. Những người đứng đầu, có trọng trách trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước phải thấm nhuần quan điểm sử dụng người tài, quan điểm về sử dụng trí thức của Bác.
Bốn là, đối với các hội tri thức khoa học và công nghệ: Các cấp ủy đảng và chính quyền hết sức quan tâm thực sự đến tổ chức bộ máy và hoạt động của các hội tri thức-các tổ chức quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ. Nâng cao vị thế các hội trí thức trong việc tập hợp, đoàn kết, góp phần phát huy năng lực chuyên môn khoa học, nâng cao và cập nhật trí thức, giáo dục lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm công dân của trí thức. Tạo điều kiện về cơ chế để các hội trí thức thực hiện tốt vai trò tư vấn phản biện và giám định xã hội, tham gia tích cực và có hiệu quả vào quá trình hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể ban hành quy chế, cơ chế thông tin giúp trí thức nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tiễn của đất nước, địa phương để cập nhật tri thức nhiệm vụ góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, phát huy tính chính trị - xã hội tích cực của trí thức trong phát huy bổn phận của trí thức - kẻ sĩ đối với sự hưng vong, thịnh suy của đất nước.
Nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với đội ngũ trí thức, các hội tri thức, trước hết là nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vai trò, vị trí trí thức cũng như công tác trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phải xác định công tác trí thức là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng của các cấp ủy đảng.
Hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế bảo đảm quyền và trách nhiệm của đội ngũ trí thức, hội trí thức trong góp ý xây dựng, tư vấn phản biện các chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội của tỉnh.
5. Không chỉ là tài nguyên thiên nhiên mà trí thức cũng là nguồn của cải giá trị thúc đẩy sự phát triển của xã hội
Hiền tài là nguyên khí quốc gia - là bài học thực tiễn mà cha ông ta đúc kết qua lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước - chính là bài học về nguồn lực con người vẫn còn nguyên giá trị trong lịch sử đương đại Việt Nam. Quan điểm bất hủ đó của cha ông, chúng ta nguyện kế thừa và phát huy hơn nữa trong sự nghiệp cách mạng nước ta.
Xã hội chúng ta luôn tôn trọng và tôn vinh trí thức. Hãy làm nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để làm cho tổ chức của những người trí thức ngày càng vững mạnh, xứng đáng với vị trí vai trò mà Đảng, Nhà nước giao cho đội ngũ trí thức. Và đội ngũ những người trí thức nguyện giữ vững cốt cách như tùng, như bách như xã hội hằng mong, như Đảng hằng mong./.