Tác giả bài viết: ThS. Nguyễn Thị Xuân - Phó Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ rõ sự cần thiết phải tiến hành cải cách hành chính, đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Vấn đề cải cách hành chính không phải tới thời điểm hiện nay mới được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Cải cách hành chính đã được thực hiện từng bước qua các giai đoạn và thu được những kết quả nhất định trong thời gian vừa qua. Hiện nay chúng ta vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính với nhiều nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính.
Đảng và Nhà nước ta xác định cải cách thủ tục hành chính luôn được quan tâm và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong tiến trình cải cách hành chính nhà nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ ra: thủ tục hành chính còn phức tạp, phiền hà, đang là rào cản lớn đối với việc tạo lập môi trường xã hội, môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, hiệu quả cho sự phát triển. Vì vậy, cải cách thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giải quyết nhanh và kịp thời những yêu cầu của người dân gắn với việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đã được triển khai mạnh mẽ từ các bộ, ngành và các địa phương.
Trên cơ sở những quan điểm của Đảng, Nhà nước ta đã ba hành những văn bản quy định việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông: Quyết định 181/2003/QĐ-TTg ngày 04/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế “một cửa” tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Ngày 22 tháng 6 năm 2007 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 93 Ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa kiên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Ngày 25 tháng 3 năm 2015 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 09 về việc ban hành Quy chế thực hiện một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương (thay thế Quyết định số 93). Ngày 23/4/2018 Chính phủ ban hành Nghị định số 61 (thay thế Quyết định số 09) về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Nghị định 61 đã mở rộng phạm vi các cơ quan, đơn vị thực hiện thủ tục hành chính: không chỉ các các cơ quan hành chính nhà nước mà còn ban gồm cả quân đội, công an. Và mở rộng hơn đối với doanh nghiệp, cá nhân được thuê hoặc được ủy quyền thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.
Như vậy, sau 13 năm (từ năm 2003) thực hiện cơ chế một cửa và 11 năm (từ năm 2007) thực hiện cơ chế một cửa liên thông đạt được những kết quả nhất định: cơ sở vật chất cơ bản được đảm bảo, đội ngũ cán bộ, công chức đã có những chuyển biến tích cực: về năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được chuẩn hóa hơn, thái độ phục vụ người dân tận tình, phần nào đã đáp ứng được yêu cần việc đảm bảo thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông ở cấp xã hiện nay. Tuy nhiên, để đáp ứng được với yêu cầu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của một số đơn vị xã, phường, thị trấn còn có những hạn chế nhất định: tinh thần, thái độ phục vụ người dân của cán bộ, công chức chưa tốt, còn gây phiền hà cho nhân dân khi đến giải quyết hồ sơ, yêu cầu, số hồ sơ giải quyết quá hạn vẫn còn chiếm tỷ lệ không nhỏ, có những đơn vị vẫn còn tình trạng thu các khoản phí, lệ phí chưa đúng theo quy định của pháp luật, diện tích phòng tiếp nhận và trả kết quả nhiều đơn vị chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật, việc niêm yết các thủ tục, phí, lệ phí chưa được thực hiện đúng và không được bổ sung, thay thế kịp thời khi có những văn bản, quy định mới của nhà nước... Để nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết hồ sơ, yêu cầu của tổ chức, công dân theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cấp xã cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức đang công tác tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Hàng năm, tăng cường các đợt tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao trình độ tin học để công chức có thể khai thác ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tốt cho công việc. Chú trọng việc trang bị kỹ năng về giao tiếp hành chính, kỹ năng xử lý giải quyết các tình huống phát sinh trong quá trình thực thi công vụ.
Hai là, việc phân bổ các chức danh theo quy định của pháp luật hiện nay thực sự chưa phù hợp. Số lượng công chức chuyên môn cấp xã ngoài căn cứ vào các tiêu chí cụ thể: đơn vị hành chính (số lượng dân cư, mật độ dân số, diện tích...) thì số lượng hồ sơ, yêu cầu cần giải quyết của người dân cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để sắp xếp, bố trí số lượng công chức cho phù hợp.
Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của lãnh đạo cấp xã và sự kiểm tra, giám sát của cấp trên với bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các xã, phường, thị trấn. Tránh tình trạng giải quyết hồ sơ cho người dân không đúng theo quy định, cán bộ, công chức ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả sách nhiễu người dân hoặc thu các khoản phí ngoài quy định của pháp luật. Từ đó có những xử lý kịp thời đối với những trường hợp vi phạm cũng như khen thưởng những cá nhân thực hiện tốt công việc.
Bốn là, công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cần được bố trí cố định, tránh tình trạng luân chuyển thường xuyên giữa các đơn vị. Bên cạnh đó cần có sự chuẩn hóa về việc tiếp nhận hồ sơ, không nên “cứng nhắc” công chức ở lĩnh vực nào thì chỉ nhận hồ sơ, giải quyết yêu cầu của người dân của lĩnh vực đó. Khắc phục được vấn đề khi tổ chức, công dân tới liên hệ công việc phải đi lại nhiều lần khi không có công chức trực tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
Năm là, theo quy định của Bộ Nội vụ thì các xã, phường, thị trấn không có công chức hợp đồng, nhưng thực tiễn hiện nay nhiều địa phương mới chỉ tuyển dụng được số lượng nhỏ công chức cấp xã. Một số lượng không nhỏ công chức đang làm việc theo hợp đồng ở các xã, phường, thị trấn chiếm số lượng lớn, họ không được hưởng 25% phụ cấp công vụ, tự đóng bảo hiểm xã hội. Vì vậy, nhà nước cần có quy định phù hợp hơn với thực tiễn, có chế độ đãi ngộ để họ yên tâm, tận tình với công việc cũng như có thể thu hút được những người có trình độ cao. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở các địa phương nhanh chóng có cơ chế tuyển dụng công chức đối với các xã, phường, thị trấn.
Sáu là, để đánh giá năng lực thực thi công vụ và thái độ phục vụ của công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, thấy được mức độ hài lòng của người dân khi tới giải quyết công việc. Các xã, phường, thị trấn cần có cách thức để người dân dễ dàng thực hiện việc chấm điểm đối với cán bộ, công chức của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Có thể xem đây là một trong những kênh để đánh giá đối với cán bộ, công chức cuối năm.
Bảy là, trang bị đủ và hiện đại về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả: phòng làm việc phải đảm bảo về diện tích theo quy định; dành đúng và đủ diện tích cho người dân ngồi chờ kết quả theo quy định, cần trang thiết bị đủ, nâng cấp các các trang thiết bị như: máy vi tính, máy in, máy photocoppy, máy fax....Để nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông các xã, phường, thị trấn cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai thực hiện và khai thác tốt các phần mềm xử lý công việc chuyên môn. Cán bộ, công chức phải được đào tạo, bồi dưỡng đồng thời bản thân mỗi cán bộ, công chức không ngừng tự học hỏi, nghiên cứu để nâng cao khả năng sử dụng máy vi tính, khai thác tốt internet và các phần mềm xử lý công việc trong lĩnh vực mình phụ trách.
Trên đây có thể được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm thay đổi cách thức làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cấp xã, cải tiến chế độ làm việc, tạo ra một cách thức giải quyết công việc hiệu quả cho tổ chức, công dân, đồng thời tạo sự chuyển biến tích cực trong mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức, công dân./.