Một số nhân tố ảnh hưởng đến việc xây dựng phong cách cán bộ trường Đảng trung thành, sáng tạo, cống hiến vì sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu lý luận chính trị

Một số nhân tố ảnh hưởng đến việc xây dựng phong cách cán bộ trường Đảng trung thành, sáng tạo, cống hiến vì sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu lý luận chính trị

    Tác giả bài viết: Ths. Phạm Thị Hoa - Phó Trưởng phòng QLĐT&NCKH

          Ngày 20-8-2021, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch số 341-KH/HVCTQG triển khai Cuộc vận động “Xây dựng phong cách cán bộ trường Đảng trung thành, sáng tạo, cống hiến vì sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu lý luận chính trị” giai đoạn 2021-2025. Cuộc vận động được triển khai tới các tập thể, cá nhân trong toàn hệ thống Học viện và các trường chính trị góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII. Nhận diện những nhân tố tác động đến việc xây dựng phong cách cán bộ trường Đảng trung thành, sáng tạo, cống hiến vì sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu lý luận chính trị là cần thiết để thấy rõ hơn những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện Cuộc vận động này.
          Tác động đến việc triển khai Cuộc vận động “Xây dựng phong cách cán bộ trường Đảng trung thành, sáng tạo, cống hiến vì sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu lý luận chính trị” giai đoạn 2021-2025 trong các trường chính trị nói chung và Trường Chính trị tỉnh Kon Tum nói riêng có thể chỉ ra một số nhân tố chủ quan và khách quan chủ yếu sau:
          Thứ nhất, chủ trương lãnh đạo của cấp ủy, kế hoạch thực hiện Cuộc vận động của đơn vị
          Chủ trương lãnh đạo của Đảng ủy, các chi bộ trực thuộc được thể hiện qua các nghị quyết, kết luận. Việc đưa nội dung “Xây dựng phong cách cán bộ trường Đảng trung thành, sáng tạo, cống hiến vì sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu lý luận chính trị” vào nghị quyết, kết luận của cấp ủy đơn vị, các chi bộ là yếu tố quan trọng đảm bảo Cuộc vận động được triển khai có tính hệ thống và hiệu quả. Một mặt, xây dựng phong cách cán bộ trường Đảng “1 trung thành, 3 sáng tạo, 5 cống hiến” vừa là phương châm, vừa là mục tiêu trong xây dựng đội ngũ viên chức, giảng viên trường chính trị, trước mắt được triển khai trong giai đoạn 2021-2025, trùng với nhiệm kỳ của cấp ủy đơn vị. Nội dung Cuộc vận động cũng là sự cụ thể hóa, góp phần triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, các Nghị quyết Trung ương khóa XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Mặt khác, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu: “Nâng cao phẩm chất, bản lĩnh chính trị, năng lực tư duy, thực hiện tốt quy định nêu gương của các cán bộ chủ chốt; nâng cao phẩm chất chính trị, ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, năng lực công tác của đảng viên, quần chúng trong Đảng bộ”, đồng thời đề ra một trong những nhiệm vụ, giải pháp phải thực hiện là “thực hiện hiệu quả phong trào thi đua 05 tốt:“Dạy tốt, học tốt, nghiên cứu tốt, quản lý tốt, phục vụ tốt”; xây dựng môi trường là việc có tính tổ chức và kỷ luật cao, tạo lập được các giá trị chuẩn mực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh “Kiên định, đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, nêu gương, sáng tạo””. Những nội dung và tiêu chí Cuộc vận động rất gần với mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường đặt ra. Việc bổ sung, cập nhật, đưa những giá trị của Cuộc vận động vào nghị quyết, kết luận, vào các các đợt tổ chức sinh hoạt chính trị của Đảng bộ Trường, của các chi bộ vừa nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ, chi bộ, vừa thể hiện tính kiên quyết, nhất quán, chủ động, quyết tâm trong thực hiện Cuộc vận động.
          Kế hoạch số 341-KH/HVCTQG của Học viện đặt ra một trong những yêu cầu triển khai Cuộc vận động là “nội dung, hình thức, biện pháp đề ra phải cụ thể, thiết thực, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm, tình hình và điều kiện của từng đơn vị”. Trên cơ sở các nội dung, tiêu chí chung, mỗi trường cần xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể sát hợp với tình hình đơn vị, rõ ràng hơn trong các mục tiêu cụ thể và định lượng, dễ nhớ, dễ thực hiện hơn trong các tiêu chí, gắn kết chặt chẽ với các quy chế, kế hoạch khác của trường. Kế hoạch này là cơ sở để mỗi đảng viên, viên chức, lao động xây dựng kế hoạch hành động cá nhân, kế hoạch công tác, phấn đấu đạt được những kết quả cụ thể, tạo ra những chuyển biến tích cực, rõ nét trong công việc, phong cách, ứng xử, phẩm chất, đạo đức, lối sống.
          Thứ hai, năng lực, bản lĩnh, ý thức trách nhiệm, tính tự giác học tập, rèn luyện, phấn đấu của đảng viên, viên chức, lao động
          Trình độ, năng lực, bản lĩnh, ý thức trách nhiệm của mỗi đảng viên, viên chức, lao động tác động trực tiếp đến hiệu quả việc nắm bắt nội dung, tầm quan trọng của việc thực hiện Cuộc vận động; từ đó có cách thức thực hiện phù hợp. Cuộc vận động “Xây dựng phong cách cán bộ trường Đảng trung thành, sáng tạo, cống hiến vì sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu lý luận chính trị” là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có sự gắn kết chặt chẽ với các phong trào thi đua khác của đơn vị (như phong trào thi đua 05 tốt; thi đua thực hiện văn hóa công sở; thực hiện học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…), có sự hòa quyện về nội dung, tạo thành chỉnh thể thống nhất, bổ sung, thúc đẩy nhau. Thực tế cho thấy, một số ít đảng viên, viên chức chưa ý thức đúng và đầy đủ về trách nhiệm của mình trong việc thực hiện tốt các phong trào thi đua, còn có tâm lý “lười”, “ngại” học tập lý luận chính trị, một số ít viên chức có tư tưởng ngại khó, ngại khổ, kén việc; vẫn còn tình trạng viên chức, đảng viên chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, trong nêu gương, còn biểu hiện thiếu gương mẫu trong sinh hoạt, hình thức trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chưa chủ động nghiên cứu, đề xuất và sáng kiến trong triển khai thực hiện công việc chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao; ngoài ra, trình độ, thao tác tiếp cận công nghệ thông tin, khả năng sử dụng ngoại ngữ trong khai thác, tìm kiếm, theo dõi thông tin từ những trang mạng chưa tốt... Những hạn chế này không được khắc phục sẽ là những rào cản rất lớn trong thực hiện xây dựng phong cách cán bộ trường Đảng.
    Ý thức trách nhiệm, tính tự giác học tập, rèn luyện, phấn đấu của cán bộ, đảng viên là yếu tố tiên quyết đảm bảo sự thành công, hiệu quả trong xây dựng phong cách cán bộ trường Đảng. Điều này không chỉ tác động trực tiếp đến nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh của mỗi cán bộ, đảng viên, đến việc đạt được các tiêu chí “Trung thành – Sáng tạo – Cống hiến” hiệu quả mà còn tạo sự lan tỏa, hiệu ứng thúc đẩy trong thực hiện. Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là một trong những nhiệm vụ của người đảng viên được quy định trong Điều lệ Đảng. Hơn ai hết, mỗi đảng viên cần gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ này, thực hiện tốt Cuộc vận động để trở thành người có đủ đức, đủ tài, có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước và hội tụ đủ phẩm chất “6 dám” như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung).
          Thứ ba, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội tại đơn vị
          Các tổ chức chính trị - xã hội tại trường chính trị như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh... có vai trò tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động đoàn viên của mình tích cực thực hiện xây dựng phong cách cán bộ trường Đảng đồng thời giám sát việc thực hiện. Sự vào cuộc và làm tốt vai trò của các tổ chức này tạo ra sự cộng hưởng trong công tác tuyên truyền, giáo dục, đồng bộ trong triển khai, sự lan tỏa, khẳng định những giá trị đúng đắn của Cuộc vận động, nâng cao được khả năng giám sát, phản biện đối với việc thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy, cơ quan và mỗi đảng viên, viên chức. Các tổ chức chính trị - xã hội tại đơn vị vận động đoàn viên của mình xây dựng được phong cách trung thành, sáng tạo, cống hiến vì sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu lý luận chính trị cũng chính là tạo ra hiệu ứng tích cực đạt đến “mục tiêu kép”, vừa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ, mục tiêu, các phong trào thi đua của tổ chức mình.
          Thứ tư, cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất
          Cơ chế, chính sách cùng cơ sở vật chất là những điều kiện cần thiết và quan trọng cho việc thực hiện xây dựng phong cách cán bộ trường Đảng trung thành, sáng tạo, cống hiến vì sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu lý luận chính trị.
    Cơ chế, chính sách, đặc biệt chính sách đãi ngộ nhân tài, trong khuyến khích, hỗ trợ viên chức học tập nâng cao trình độ, thực hiện nghiên cứu khoa học, trong kiểm tra, đánh giá, khen thưởng được xây dựng, áp dụng phù hợp tác động đến chất lượng, hiệu quả việc thực hiện. Một mặt, nó tạo ra sự tin tưởng, yên tâm công tác, dành toàn bộ tâm sức cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu lý luận chính trị của mỗi viên chức, mặt khác tạo ra sự công bằng, động lực thúc đẩy trong phấn đấu, rèn luyện, thu hút được đông đảo sự tham gia.
    Cơ sở vật chất của mỗi trường được quan tâm đầu tư nâng cấp ngày càng khang trang, phương tiện làm việc được trang bị ngày càng đầy đủ, hiện đại tạo cho viên chức điều kiện làm việc thoải mái, tiện lợi nhất; mạng internet được nâng cấp giúp đảng viên, viên chức có điều kiện tự học được tốt hơn, thuận lợi tiếp cận những tri thức, kỹ năng mới, học tập, tiếp thu kinh nghiệm không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, thúc đẩy tính khám phá, sáng tạo cũng như tận dụng được nhiều hơn những cơ hội để sáng tạo, cống hiến. Tuy nhiên, sự bùng nổ của công nghệ thông tin với những tin tức trái chiều đến từ nhiều nguồn, có những thông tin do các thế lực thù địch chủ động tấn công gây những khó khăn nhất định cho việc nắm bắt tình hình, định hướng dư luận để ổn định tư tưởng, nhất là trong những vụ việc nhạy cảm, phức tạp.
          Thứ năm, tình hình diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, sự chống phá của các thế lực thù địch
          Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, nước ta đã đạt được “những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn”[1] trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng... tạo được dấu ấn tốt đẹp với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực hiện nay có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đứng trước những khó khăn, thách thức như: “Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy đang nổi lên”[2], những vấn đề toàn cầu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19... Ở trong nước “kinh tế - xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước và còn nhiều khó khăn, thách thức”[3], đặc biệt là “Sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động ngày càng tinh vi hơn; những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... còn diễn biến phức tạp”[4]. Điều này gây ra những khó khăn đối với xây dựng phong cách cán bộ trường Đảng. Xuất phát điểm kinh tế thấp cùng truyền thống văn hóa của cư dân nông nghiệp, những tác động bởi những mặt trái của kinh tế thị trường, sự chống phá ngày càng tinh vi, quyết liệt của các thế lực thù địch... làm cho quá trình đấu tranh giữa cái cũ với cái mới, giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái năng động, bứt phá và sức ỳ, giữa sự sáng tạo và rập khuôn, máy móc, giữa bản lĩnh chính trị vững vàng và suy thoái tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong xây dựng phong cách cán bộ trường Đảng càng trở nên quyết liệt và dai dẳng hơn.
          Cán bộ trường Đảng nằm trong tuyến đầu của lực lượng làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, trước những khó khăn, diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của quốc tế và trong nước, trước những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thành tựu của công cuộc đổi mới, gieo rắc những tư tưởng bi quan, hoài nghi, dao động càng phải thui rèn bản lĩnh, phát huy vai trò, trách nhiệm của những nhà lý luận, nhà tư tưởng, góp phần giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.
          Như vậy, có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến xây dựng phong cách cán bộ trường Đảng trung thành, sáng tạo, cống hiến vì sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu lý luận chính trị hiện nay. Những nhân tố đó tác động với những thuận lợi, khó khăn đan xen đến việc thực hiện nhiệm vụ này của mỗi đảng viên, viên chức trường chính trị. Mỗi đơn vị, viên chức, đảng viên cần nhận thức đúng, đầy đủ, tận dụng những nhân tố thuận lợi, khắc phục những mặt, những nhân tố cản trở để Cuộc vận động “Xây dựng phong cách cán bộ trường Đảng trung thành, sáng tạo, cống hiến vì sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu lý luận chính trị” giai đoạn 2021-2025 do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát động được triển khai hiệu quả, tạo chuyển biến thực sự trong phong cách mỗi viên chức, đảng viên.
     



    [1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.25
    [2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập II, tr.163
    [3] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập I, tr.103
    [4] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập II, tr.164

    Danh mục
    Tin nổi bật
    Tin liên quan
    Nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn của giảng viên  Trường Chính trị tỉnh Kon Tum

    Nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Kon Tum

    Tham gia tổng kết thực tiễn là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trường chính trị cấp tỉnh). Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13-11-2018 của Ban Bí thư “về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, nêu rõ: “Trường chính trị cấp tỉnh có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương”. Tổng kết thực tiễn góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tư vấn cho cấp ủy, chính quyền địa phương hoạch định chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
    SUY NGHĨ TRÍ THỨC

    SUY NGHĨ TRÍ THỨC

    Đặng Thanh Long Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH và KT tỉnh Kon Tum “Tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt, Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên Có giang sơn, thì sĩ đã có tên, Từ Chu, Hán, vốn sĩ này là quý”
    zalo
    Hotline