Tác giả bài viết: Ths. A Phúc - Trưởng phòng TC,HC,TT,TL
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định nghĩa về văn hóa như sau: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoại hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”[1]. Qua định nghĩa này cũng cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa - văn hóa là phương thức tồn tại và phát triển của xã hội loài người.
Văn hóa trường Đảng là những giá trị văn hóa kết tinh trong quá trình hoạt động của hệ thống trường Đảng và ở mỗi trường Đảng nói riêng. Văn hóa trường Đảng có vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của nhà trường. Nói đến văn hóa Trường Đảng, có thể tiếp cận ở nhiều góc độ, khía cạnh để nghiên cứu như 1) xây dựng trụ sở, cảnh quan đơn vị đạt chuẩn văn hóa; văn hóa về trang phục trong Trường Đảng; 2) văn hóa ứng xử trong nội bộ Trường Đảng, gồm: ứng xử văn hóa của cán bộ lãnh đạo, viên chức quản lý; ứng xử văn hóa của viên chức, người lao động trong nhà trường với cấp trên và đồng chí, đồng nghiệp, học viên; 3) xây dựng môi trường giảng dạy và học tập văn hóa thích ứng với nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, nhu cầu học tập, nghiên cứu tại trường (về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tinh thần giảng dạy, học tập, nghiên cứu …); 4) xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp, nêu cao tinh thần trách nhiệm vì tập thể, vì học viên, không vụ lợi, tham nhũng; 5) xây dựng văn hóa chính trị, văn hóa tích cực tự phê bình và phê bình.
Xây dựng văn hóa trường Đảng là quá trình xuyên suốt, toàn diện ở mọi mặt hoạt động của nhà trường, phải thực hiện quyết liệt để loại bỏ “cái cũ” lạc hậu, xây dựng “cái mới” phù hợp và tiến bộ theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Trong đó, tập trung vào các vấn đề về Hệ thống hóa giá trị văn hóa truyền thống trường Đảng; xác lập những giá trị mới của văn hóa trường Đảng gắn với nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tình hình mới; thực hành việc chuyển hóa những “giá trị cũ” sang giá trị mới trên cơ sở truyền thống văn hóa của nhà trường và những yêu cầu mới về văn hóa công sở, văn hóa công vụ, xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ hiện nay.
Văn hóa trường Đảng ở Trường Chính trị tỉnh Kon Tum được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường qua các thời kỳ quan tâm xây dựng. Thể hiện trong việc ban hành văn bản áp dụng các quy định của Đảng, Nhà nước, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về văn hóa công sở, văn hóa công vụ và thực hiện nề nếp làm việc, văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, viên chức, học viên Trường. Ngày 17/01/2018, Hiệu trưởng đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-TCT về thực hiện ứng xử văn hóa của cán bộ, giảng viên, viên chức, học viên của Trường Chính trị tỉnh Kon Tum. Trong đó có các nội dung chủ yếu quy định ứng xử của cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu; ứng xử của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu khoa học; quy định ứng xử của đội ngũ viên chức, người lao động; quy định ứng xử của học viên…Thực hiện Quyết định 5029-QĐ/HVCTQG, ngày 26/10/2017 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về Ban hành quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ngày 06/5/2019, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kon Tum đã ban hành Thông báo số 26-TB/TCT, trong đó yêu cầu các khoa, phòng, cán bộ, giảng viên, học viên thực hiện tốt việc phổ biến và nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định về ứng xử văn hóa Trường Đảng; bố trí lắp đặt các bảng, băng rôn khẩu hiệu, nội dung ứng xử văn hóa để tuyên truyền, giáo dục, cổ động cán bộ, giảng viên, học viên thực hiện tốt quy định ứng xử văn hóa; thực hiện tốt kỷ cương, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo, bản lĩnh, trách nhiệm, văn minh, tính chuyên nghiệp trong giảng dạy, phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng tại đơn vị; tu bổ, bổ sung hoàn chỉnh hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị bài trí đảm bảo mỹ quan, khoa học đáp ứng nhu cầu công tác dạy và học tại đơn vị; thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá… trong thực hiện quy định ứng xử văn hóa của đơn vị.
Trong quá trình thực hiện xây dựng văn hóa trường Đảng, nhà Trường đạt được kết quả tích cực. Tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, viên chức từng bước đổi mới, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và công tác phục vụ các mặt hoạt động của đơn vị. Các cán bộ, viên chức có ý thức, thái độ tích cực trong văn hóa ứng xử, xây dựng mối quan hệ tích cực, đúng mực giữa cán bộ, giảng viên với học viên.
Phong trào xây dựng đơn vị văn hóa được Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Công đoàn Trường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, được cán bộ, viên chức, người lao động đồng tình ủng hộ và thực hiện. Nhiều năm liền, đơn vị luôn được cấp có thẩm quyền công nhận là đơn vị đạt danh hiệu đơn vị văn hóa.
Để xây dựng văn hóa trường Đảng tại Trường Chính trị tỉnh Kon Tum đáp ứng yêu cầu xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn, thiết nghĩ tập thể nhà trường cần tiếp tục thực hiện những nội dung sau:
Một là, tập trung xây dựng quy định văn hóa trường Đảng gồm xây dựng bộ tiêu chí văn hóa trường Đảng của đơn vị; thực hiện lồng ghép các quy định của Đảng, Nhà nước, của Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về văn hóa công sở, văn hóa công vụ gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong xây dựng nội dung quy định về văn hóa trường Đảng của đơn vị;
Hai là, Uỷ ban kiểm tra của Đảng ủy, Ban chấp hành Công đoàn, Ban Thanh tra Nhân dân… thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát cán bộ, viên chức nhà trường trong thực hành văn hóa trường Đảng;
Ba là, hằng năm, phát động phong trào thi đua và đánh giá việc thực hành văn hóa trường Đảng tại đơn vị, biểu dương điển hình tiên tiến về thực hành văn hóa trường Đảng, góp ý phê bình và xử lý vi phạm liên quan việc thực hành văn hóa trường Đảng.
Bốn là, từng cán bộ, viên chức nhà trường cần nhận thức tốt, coi việc tu dưỡng rèn luyện về đạo đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm và thực hành văn hóa trường Đảng như là nhu cầu tự thân để hoàn thiện nhân cách, uy tín, năng lực hoạt động thực tiễn của mình trước đồng chí, đồng nghiệp và học viên.
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3 (1930-1945), tái bản lần 3, NXB Chính trị Quốc gia- Sự thật, Hà nội 2011, tr.470