Về Hòn Đất tìm thăm “chị Sứ”

Về Hòn Đất tìm thăm “chị Sứ”

    Tác giả bài viết: ThS. Trần Thị Thu Hương - Khoa Xây dựng Đảng

    Kiên Giang đẹp không chỉ có núi non, biển cả và hàng trăm đảo lớn, nhỏ như những viên ngọc sáng ngời ở vùng Tây Nam Tổ quốc, mà Kiên Giang còn có Hòn Đất, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng, rất đỗi tự hào của dân tộc.
     Từ trung tâm thành phố Rạch Giá theo Quốc lộ 80 khoảng 30km, rồi tiếp tục rẽ trái 10km nữa thì đến Hòn Đất, địa danh gắn liền với tên tuổi nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Phan Thị Ràng, nhân vật được Nhà văn Anh Đức miêu tả qua tác phẩm văn học nổi tiếng “Hòn Đất” với tên gọi chị Sứ.

            Từ xa, Hòn Đất nhô lên ở mép biển như một đụn đất khổng lồ, phủ kín màu xanh trong khiết. Chúng tôi men theo con đường ngoằn ngoèo dưới chân Hòn Đất, xuyên qua những rặng cây xoài mát rượi, loài cây đặc trưng của miền đất để đến khu di tích lịch sử thắng cảnh Hòn Đất -Hòn Me - Hòn Quéo tại xã Thổ Sơn.

            Mộ chị Ràng nằm ngay dưới chân Hang Hòn, mặt nhìn ra con lộ nơi có chợ Thổ Sơn khá sầm uất. Bên trong cổng khu di tích chừng 100m là hồ nước rộng điểm hoa sen. Mộ chị vuông vức khang trang, trên mái che, dưới ốp đá ngày ngày được người dân quét dọn, chăm nom hương khói. Sau lưng mộ là 37 bậc thang để đi lên Hang Hòn, nơi chứa bao kỷ niệm những năm tháng đau thương của quân dân Thổ Sơn. Đôi bên là hai tấm bảng dài tựa lưng vào núi, khắc ghi tên gần 1.000 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc tại Hang Hòn.

            Phan Thị Ràng, bí danh Tư Phùng, sinh năm 1937, quê tại xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang; trú quán tại xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Chị sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Cha mất do bị địch tra tấn dã man. Mẹ là là người phụ nữ đảm đang, tảo tần nuôi dạy 5 người con. Phan Thị Ràng là con gái thứ 3 trong gia đình, từ nhỏ chị phải đảm đương việc nhà, vừa phải trông em, phụ giúp mẹ. Lớn lên trong hoàn cảnh quê hương bị xâm lược, gia cảnh khó khăn nên Phan Thị Ràng sớm bộc lộ rõ tố chất giỏi giang, nhanh nhẹn. Chứng kiến cảnh quê hương chìm trong khói lửa đạn bom, mối thù cha bị giặc giết chết, chị quyết tâm đi theo lý tưởng cách mạng.

            Năm 1950, gia đình di chuyển xuống vùng giải phóng Bình Sơn sinh sống. Tại đây, với ý nghĩ tuổi nhỏ làm việc nhỏ, Phan Thị Ràng tham gia Đội Thiếu niên cứu quốc, lúc ấy chị mới 13 tuổi. Từ đây cho đến ngày đình chiến, Phan Thị Ràng hăng hái đi giao liên cho các anh, các chú. Nhà chị trở thành trạm liên lạc của Công binh xưởng tỉnh Long Châu Hà, nhận vũ khí của các đơn vị trong tỉnh đem sửa, chị còn phụ giúp chở vũ khí, đi mua lúa từ Nam Thái Sơn về xay xát cung cấp cho Công binh xưởng…

            Sau hiệp định đình chiến, tình hình vùng giải phóng vô cùng hỗn loạn, lực lượng giáo phái truy bắt những người tham gia kháng chiến, giết người cướp của, làm tiền... gia đình chị liên tục lẩn tránh khắp nơi, đến đâu cũng bị lộ. Nhận thấy Phan Thị Ràng thông minh, có khiếu ăn nói, có năng lực tổ chức, thuyết phục bà con nên tổ Đảng núi Dài (Huyện ủy Tri Tôn) đã bắt liên lạc và mời chị về làm trinh sát tại Xà Tón. Do hăng hái hoạt động, hai tháng sau bị lộ, chị được chuyển về hoạt động tại xã Trí Đạo, huyện Kiên Lương. Ít lâu sau, tổ chức chuyển chị về Bình Sơn phụ trách Thanh vận và liên lạc đường dài, một công việc đầy khó khăn nguy hiểm. Quá trình công tác tình báo, trinh sát, chị được cấp trên đánh giá cao, chị còn được đồng đội tin yêu, bà con quý mến người nữ cán bộ có mái tóc đen mượt, dài chấm gót hay chải phồng lên ở phía trước.

            Năm 1959, chị học lớp dự bị đảng viên và lớp đào tạo để chuẩn bị hoạt động công khai. Năm 1960, toàn miền Nam Đồng khởi, chị được Huyện ủy Hòn Đất giao phụ trách thanh niên đi phá lộ, đắp cản và bao vây đồn bót giặc từ Vàm Rầy đến Tám Ngàn. Thời gian này, chị cùng lãnh đạo huy động dân đấu tranh với địch chống bắn pháo bừa bãi và buộc Tỉnh trưởng chấp nhận yêu sách bồi thường cho gia đình nạn nhân. Chị còn tích cực vận động quần chúng, xây dựng căn cứ địa cách mạng, dự trữ lương thực, vận động thanh niên nhập ngũ và tổ chức chiến đấu.

            Tháng 1 năm 1962, địch tập trung hơn 2.000 quân đánh vào vùng căn cứ cách mạng ở Ba Hòn (Hòn Đất - Hòn Me - Hòn Sóc). Cuộc chiến đấu không cân sức giữa quân giải phóng và địch vô cùng ác liệt. Chị Phan Thị Ràng vừa liên lạc giữa các đơn vị trong khu căn cứ, vừa tổ chức vận động nhân dân đấu tranh chính trị, binh vận… phối hợp với các hoạt động quân sự tấn công địch.

            Đêm 8 rạng ngày 9/1/1962, trên đường đi làm nhiệm vụ, chị bị địch bắt. Từ mua chuộc, dụ dỗ đến dùng mọi cực hình tra tấn dã man nhưng chị vẫn kiên quyết không khai nửa lời, một lòng trung kiên với cách mạng, tin tưởng thắng lợi thuộc về nhân dân, tiếp tục tuyên truyền, vận động binh lính địch và tìm cách thông báo cho đồng chí, đồng bào những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù. Địch lồng lộn, tức tối giết chết chị một cách hết sức tàn bạo. Dã man hơn, khi chị chết chúng treo ngược 2 tay lên nhánh cây xoài, thân hình lơ lửng trên không, dùng dao lam lóc từng thớ thịt. Chúng treo thi thể của chị trên cây qua 4 ngày đêm nhằm phục kích tóm gọn quân giải phóng đến lấy xác chị.

            Chị hy sinh khi vừa mới bước sang tuổi 25, là Huyện uỷ viên huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Sự hy sinh và tấm gương sáng ngời của chị đã truyền thêm sức mạnh và lòng căm thù giặc sâu sắc cho các lực lượng vũ trang và nhân dân vùng Ba Hòn quyết tâm đánh địch, bảo vệ quê hương đi đến ngày toàn thắng. Ngày 20/12/1994, Phan Thị Ràng (Tư Phùng, chị Sứ) được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”…

            Phan Thị Ràng trở thành hình ảnh tiêu biểu của người con gái miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ: đẹp người, đẹp nết, thông minh, dũng cảm, nguồn cảm hứng vô tận của nhà văn Anh Đức. Chị hoá thân vào nhân vật lịch sử “chị Sứ” trong tiểu thuyết "Hòn Đất" nổi tiếng và được chuyển thể thành bộ phim cùng tên của đạo diễn Hồng Sến. Trong từng thước phim đã dựng lại cuộc đời hoạt động cách mạng anh dũng và tuyệt đẹp của chị, làm rung động bao trái tim người Việt Nam yêu nước./.


                            Tài liệu tham khảo

               1. Bộ quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, “Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)”, Nxb Chính trị quốc gia, 2013.

               2. Anh Đức, Hòn Đất, Nxb Văn học, 1980.

               3. Tiểu sử chị sứ, https://www.youtube.com/watch?v=VQPN8DfA5vo

    Danh mục
    Tin nổi bật
    Tin liên quan
    Nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn của giảng viên  Trường Chính trị tỉnh Kon Tum

    Nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Kon Tum

    Tham gia tổng kết thực tiễn là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trường chính trị cấp tỉnh). Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13-11-2018 của Ban Bí thư “về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, nêu rõ: “Trường chính trị cấp tỉnh có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương”. Tổng kết thực tiễn góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tư vấn cho cấp ủy, chính quyền địa phương hoạch định chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
    SUY NGHĨ TRÍ THỨC

    SUY NGHĨ TRÍ THỨC

    Đặng Thanh Long Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH và KT tỉnh Kon Tum “Tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt, Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên Có giang sơn, thì sĩ đã có tên, Từ Chu, Hán, vốn sĩ này là quý”
    SỰ CẦN THIẾT PHẢI NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY CÁC HỌC PHẦN CHỦ NGHĨA MÁC - LÊ NIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ HIỆN NAY

    SỰ CẦN THIẾT PHẢI NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY CÁC HỌC PHẦN CHỦ NGHĨA MÁC - LÊ NIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ HIỆN NAY

    ThS. Lê Thị Minh Phượng - GV Khoa Lý luận cơ sở Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) khẳng định: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…” là một trong những biểu hiện của suy thoái về tư tưởng, chính trị. Đề cập đến nội dung xây dựng Đảng về tư tưởng, văn kiện Đại hội XIII cũng nhấn mạnh cần phải: “nâng cao chất lượng tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” . Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả chất lượng giảng dạy các học phần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chương trình Trung cấp lý luận chính trị tại các trường chính trị tỉnh là nội dung cấp thiết. Điều đó xuất phát từ những lý do sau:
    Tăng cường bồi dưỡng phẩm chất chính trị cho cán bộ, đảng viên hiện nay

    Tăng cường bồi dưỡng phẩm chất chính trị cho cán bộ, đảng viên hiện nay

    Tăng cường bồi dưỡng phẩm chất chính trị cho cán bộ, đảng viên hiện nay
    zalo
    Hotline