Tìm hiểu phong cách báo chí Hồ Chí Minh (Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025)

Tìm hiểu phong cách báo chí Hồ Chí Minh (Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025)

    Năm 1902, trong tác phẩm "Làm gì", V.I.Lênin xác định cùng với kinh tế, chính trị thì lý luận là một trong ba lĩnh vực trọng yếu của Đảng. Vì vậy, Đảng cần một cơ quan ngôn luận đó là báo chí - cơ quan ngôn luận chính thống của Đảng. Khi nói về vai trò của báo chí, V.I. Lênin khẳng định: “Báo chí là trận địa ban đầu, từ đó Đảng sẽ tiến hành cuộc đấu tranh với đối thủ của mình bằng vũ khí tương xứng. Báo hằng ngày là công cụ tuyên truyền, cổ động quần chúng không có gì thay thế được”[1]. Vì vậy, mỗi Đảng cách mạng “cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành được một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện”[2], “trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”[3]. Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung”[4]. Đối với Người, làm báo chưa bao giờ là hoạt động nghề nghiệp thuần túy mà là phương tiện để làm cách mạng, phục vụ nhân dân. Người cho rằng: “báo chí là một dạng tiếng nói được ghi lại, truyền rộng ra, phổ biến đến đông đảo người đọc, giúp họ hiểu biết thêm những vấn đề họ chưa hiểu, mong đợi, thắc mắc,…Tờ báo sẽ như một tuyên truyền viên không có mặt mà vẫn đến được với quần chúng. Tờ báo còn hiện diện, tồn tại của một tổ chức cách mạng. Nó đưa ra những sự thật, nên có sức thuyết phục hơn nhiều bài diễn văn, tuyên truyền”[5]. Từ đó, Người khẳng định, bước thực tiễn đầu tiên để tiến tới thành lập một tổ chức chính trị như mong muốn là cần phải thành lập ngay một tờ báo làm cơ quan ngôn luận với nhiệm vụ tuyên truyền tập thể, không có báo thì không thể chuyển tải được các chủ trương, quan điểm đến tận các tổ chức cơ sở, các hội viên, đặc biệt là trong điều kiện hoạt động bí mật, trong sự kiểm duyệt gắt gao của chủ nghĩa thực dân. Tháng 6/1925, tổ chức “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên” được thành lập và tờ báo đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử đó chính là tuần báo “Thanh niên” ra đời  ngày 21/6/1925.  Báo Thanh niên với mục đích truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, thức tỉnh nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc. Đây không chỉ là điểm mốc mở đầu cho nền báo chí cách mạng Việt Nam mà còn là sản phẩm báo chí đầu tiên được sử dụng với ý nghĩa đầy đủ là phương tiện truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam nhằm chuẩn bị những tiền đề về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1930).

    Cuộc đời làm báo hơn 50 năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với khoảng hơn 2.000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký, với 170 bút danh, được viết bằng nhiều thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Hán,…Các tác phẩm báo chí của Người thể hiện sự kết hợp sắc bén lý luận với thực tiễn, bề dày văn hóa dân tộc và nhân loại, sâu sắc về nội dung, mẫu mực về hình thức thể hiện, có tính chiến đấu và sức thuyết phục cao, tạo nên một phong cách độc đáo - phong cách báo chí Hồ Chí Minh. Người không chỉ tiêu biểu cho đạo đức, tư tưởng và phong cách báo chí của người cộng sản chân chính mà còn là người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam.

    Báo chí thực chất là hoạt động chính trị, thông tin trên báo chí quan trọng nhất là thông tin chính trị. Theo Người, báo chí là công cụ đấu tranh giai cấp, là vũ khí đấu tranh cách mạng. Tính tư tưởng cách mạng của báo chí quyết định chất lượng, tác dụng của báo chí. Để bảo đảm tính tư tưởng, tính đảng của báo chí, trong đó phải thể hiện được tính chiến đấu, tính giáo dục và tính quần chúng của báo chí. “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới”[6]. Vì vậy, báo chí phải có đường lối chính trị đúng, vì có đường lối chính trị đúng thì các nội dung và hình thức thể hiện của báo chí mới đúng và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng. Người khẳng định: “Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”[7]. Vì vậy, “tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc”[8].Người yêu cầu “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”[9]. Người nhấn mạnh: “Tờ báo của chúng ta có mấy điểm chính: 1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung. 2. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thì: 3. Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. Vì vậy: 4. Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là tờ báo của mình, thì: 5. Nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Và: 6. Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa. Hiện nay, các báo ta thường có những khuyết điểm sau đây: Về mặt tuyên truyền thì không kịp thời và chính trị suông quá nhiều”[10]. Người nhắc nhở: “Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, vì độc lập, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”[11].

    Vì vậy, người làm báo phải luôn có ý thức trách nhiệm trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, nghề nào cũng khó, nghề báo đòi hỏi phải rất sáng tạo và có tư duy luôn đổi mới. Muốn làm báo tốt, người làm báo cần đi sâu vào nghiệp vụ báo chí, có ý chí tự cường, tự lập, khổ luyện trong thực tiễn, luôn khiêm tốn, chịu khó học hỏi mới thành công:  “Học ở đâu, học với ai? Học trong xã hội, học nơi công tác thực tế, học ở quần chúng. Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn tiến bộ”[12]. Người nhấn mạnh: “Muốn viết bài báo khá thì cần: “1. Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2. ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài, và học kinh nghiệm của người. 3. Khi viết xong một bài tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít văn hoá xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu, thì sửa lại cho dễ hiểu. 4. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ”[13]. Người nhiều lần nhắc nhở những người làm báo, mỗi khi viết báo phải trả lời được các câu hỏi: “Viết cho ai xem? Viết để làm gì?; “Vì ai mà viết? Mục đích viết làm gì?” nhằm xác định rõ đối tượng tiếp nhận thông tin, từ đó hình thành phương pháp sáng tạo phù hợp cho mỗi nhà báo. Theo Hồ Chí Minh,  một tác phẩm báo chí thật sự có giá trị phải là tác phẩm có bố cục ngắn gọn, ngôn ngữ trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Bác căn dặn: Khi viết cố gắng phải ngắn gọn, song phải có nội dung; tránh lối viết khô khan, kém hoạt bát, không phổ thông, tránh dùng chữ nước ngoài không đúng nghĩa, hay nói chính trị suông, v.v... Bác phê bình cách viết dài dòng, rỗng tuếch: “Nhiều anh em hay viết dài. Viết dòng này qua dòng khác, trang này qua trang khác, nhưng không có ích cho người xem. Chỉ làm tốn giấy mực, mất công người xem”[14], “viết dài mà rỗng thì không tốt. Viết ngắn mà rỗng, cũng không hay”[15]. Khi nào tác phẩm ấy chỉ diễn đạt vừa đủ những điều đáng nói, khi nó được trình bày sao cho mọi người ai cũng hiểu được, khi đọc xong độc giả phải suy ngẫm, thì tác phẩm ấy mới xem như là một tác phẩm hay và biên soạn tốt.

    Có thể thấy tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí là hệ thống những quan điểm, tư tưởng lý luận toàn diện và sâu sắc về vai trò, tính chất, nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam. Báo chí cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Báo chí tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Báo chí là một vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ lợi ích của nhân dân; là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng không ngừng trưởng thành, vững mạnh về mọi mặt, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Nhân dân ta. Phong cách báo chí Hồ Chí Minh vừa mang tính hiện đại, vừa giàu bản sắc dân tộc, thể hiện nhiệt huyết cách mạng khi nói về con người, đất nước, dân tộc Việt Nam. Đúng như đồng chí Trường Chinh đã từng đánh giá: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng, người thầy vĩ đại, là người sáng lập và dìu dắt nền báo chí lên báo chí cách mạng Việt Nam. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác đều gắn liền với công tác báo chí”[16] Người là nhà báo vĩ đại, có tầm vóc quốc tế, mang đến cho báo chí Việt Nam phương pháp hoạt động mới mẻ, hiện đại và cách mạng chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Tư tưởng, tấm gương và phong cách báo chí Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng quan trọng xây dựng và phát triển báo chí cách mạng Việt Nam trong những chặng đường tiếp theo.

    Th.s Ngô Thị Thúy Mai, Khoa Xây dựng Đảng

     

     

     

    [1] V.I. Lênin:Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1979, t.8, tr.245

    [2] Lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2010), Nxb Chính trị quốc gia, H.2013, tr.46

    [3] Lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2010), Nxb Chính trị quốc gia, H.2013, tr.46

    [4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.12, tr.166

                [5] Viện Hồ Chí Minh,  Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu, Nxb Chính trị Quốc gia, H.1997, tr.93

    [6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, H.2011, , tập 12tr.166

    [7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.12, tr.166

    [8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.166

    [9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.166

    [10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.102

    [11] Tạ Ngọc Tấn biên soạn, Hồ Chí Minh về vấn đề báo chí, Cục xuất bản, H.1995, tr. 23

    [12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.163

    [13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.103

    [14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 5, tr339.

    [15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 5, tr339.

    [16]Trường Chinh, HồChí Minh lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, Nxb Sự thật, H.1970, tr. 68

    Danh mục
    Tin nổi bật
    Tin liên quan
    Ý nghĩa thắng lợi của Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam

    Ý nghĩa thắng lợi của Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam

    Ý nghĩa thắng lợi của Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam
    Bàn về khuynh hướng tư tưởng của danh y Lê Hữu Trác

    Bàn về khuynh hướng tư tưởng của danh y Lê Hữu Trác

    Bàn về khuynh hướng tư tưởng của danh y Lê Hữu Trác
    Vai trò của Sách đối với con người

    Vai trò của Sách đối với con người

    Từ xa xưa, con người đã biết đến sự kỳ diệu của sách, đó là cái thần kỳ trong những cái thần kỳ mà nhân loại đã sáng tạo nên. Khi chưa có chữ in, chưa có máy in thì nhân loại đã nghĩ đến sách. Sách là công cụ dùng để ghi chép, lưu trữ và lưu truyền những hiểu biết của con người về thế giới khách quan.
    Xây dựng, củng cố niềm tin chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở - vấn đề cần quan tâm

    Xây dựng, củng cố niềm tin chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở - vấn đề cần quan tâm

    Xây dựng, củng cố niềm tin chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở - vấn đề cần quan tâm
    zalo
    Hotline