Tác phẩm Đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự vận dụng trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên hiện nay

Tác phẩm Đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự vận dụng trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên hiện nay

             

    Tác phẩm “Đạo đức cách mạng” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1958 với bút danh Trần Lực, ra đời trong bối cảnh miền Bắc nước ta đã hoàn toàn giải phóng, Đảng bước sang giai đoạn lãnh đạo nhân dân hai miền Nam-Bắc thực hiện đồng thời nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

    Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy, phần lớn cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, phấn đấu để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của Đảng, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên có nhận thức lệch lạc, biểu hiện suy thoái và cá nhân chủ nghĩa “họ lầm tưởng rằng, miền Bắc không còn thực dân và phong kiến nữa, thì tức là cách mạng thành công rồi. Do đó mà họ để chủ nghĩa cá nhân chớm nở, họ yêu cầu hưởng thụ, yêu cầu nghỉ ngơi... không muốn làm công tác mà đoàn thể giao phó”[1]. Những biểu hiện đó nếu không ngăn chặn sẽ làm Đảng suy yếu, gây mất đoàn kết, thống nhất trong Đảng, ảnh hưởng đến mối liên hệ gắn bó giữa Đảng với Nhân dân, làm tổn hại bản chất cách mạng của Đảng. Tác phẩm là sự chỉ dẫn về việc xây dựng nhân cách, phẩm chất của người làm cách mạng, là thông điệp về xây dựng một đảng cầm quyền liêm chính, trong sạch, vững mạnh, trí tuệ và bản lĩnh ngang tầm nhiệm vụ. Đây thật sự là một “cuốn cẩm nang” quý báu về công tác xây dựng Đảng; có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc trong đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

    Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”[2] và khẳng định niềm tự hào của những người cách mạng: “Có gì sung sướng vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người”[3]. Người yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên Đảng phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững vai trò tiền phong, gương mẫu; đảng viên phải thật sự trở thành con người mới xã hội chủ nghĩa, mới hoàn thành được các nhiệm vụ cách mạng phức tạp. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Công việc cách mạng là nghìn điều muôn loại phức tạp, khó khǎn. Để cân nhắc mọi hoàn cảnh phức tạp, nhìn rõ các mâu thuẫn, để giải quyết đúng các vấn đề thì chúng ta phải cố gắng học tập lý luận Mác-Lênin”[4]. Người nhấn mạnh: “học tập chủ nghĩa Mác-Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn”[5]. Việc học tập lý luận phải trở thành nhu cầu và yêu cầu tự thân, cấp thiết, thường xuyên và lâu dài của mỗi cán bộ, đảng viên. Việc học tập không ngừng để hoàn thiện bản thân, phát triển trình độ lý luận, năng lực tư duy và hành động, để trở thành người cán bộ, đảng viên chân chính của Đảng. Trong bản Di chúc, Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”[6].

    Những chỉ dẫn sâu sắc trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và yêu cầu cấp thiết trong việc tu dưỡng đạo đức đối với cán bộ, đảng viên có thể thấy vai trò nền tảng của đạo đức cách mạng trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trên nền tảng tư tưởng chỉ đạo và những yêu cầu thực tiễn cấp bách được Người đặt ra trong tác phẩm, Đảng ta đã từng xác lập và củng cố vững chắc vai trò lãnh đạo, khẳng định sức mạnh và bản lĩnh chính của mình. Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là vấn đề mang tính chiến lược, lâu dài, là nhiệm vụ cần có, phải có để Đảng luôn là Đảng của đạo đức, văn minh, xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn kế thừa, vận dụng linh hoạt, sáng tạo những luận điểm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, ra sức xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đặt ra trong từng thời kỳ.

    Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, tư tưởng đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh luôn khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý chí độc lập tự do, mỗi cán bộ đảng viên luôn gương mẫu về đạo đức, lối sống, đi đầu trên mọi mặt trận, xứng đáng với niềm tin của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết taonf dân tộc, quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, tư tưởng đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh tiếp tục được vận dụng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ra sức tu dưỡng, rèn luyện, thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng xây dựng cấp ủy, chi bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.

    Thực tiễn qua gần 35 năm thực hiện "Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" (1991-2025), với sự nỗ lực phấn đấu của toàn đảng, toàn dân và toàn quân, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi hẳn bộ mặt và vị thế của đất nước. Những thành tựu đó khẳng định giá trị to lớn của Cương lĩnh năm 1991, đồng thời Đảng ta thêm nhiều bài học quý báu, trong đó nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được coi là nhiệm vụ then chốt và trở thành yêu cầu cấp bách. Đặc biệt tại Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” xác định ba vấn đề cấp bách nhất thì “đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp” được xác định là cấp bách nhất. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII tiếp tục chỉ rõ chín biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, chín biểu hiện của suy thoái về đạo đức, lối sống và chín biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đại hội XII của Đảng xác định xây dựng đạo đức trong Đảng ngang tầm với những nội dung xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Đại hội XIII nhấn mạnh trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức “làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng. Tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức. Cổ vũ, biểu dương các gương sáng đạo đức, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong Đảng và ngoài xã hội”[7].

    Thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng như Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Những điều đảng viên không được làm”; Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII  về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, Xác định đây là những nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương, đơn vị theo phương châm chỉnh đốn, xây dựng Đảng toàn diện, trong sạch, liêm chính, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước và xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

    Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta chủ trương tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, việc nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng, nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Hiểu rõ những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng chính là cách mà mỗi cán bộ, đảng viên tự bồi dưỡng lập trường tư tưởng, quan điểm, phương pháp cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị nhằm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà lịch sử và dân tộc giao phó. Tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, tiếp tục mang tính thời sự sâu sắc, có ý nghĩa giáo dục to lớn, chỉ đạo cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và trở thành phương châm hành động, tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên.

    Để tiếp tục vận dụng, thực hiện có chất lượng, hiệu quả các chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:

    Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên trong việc học tập, quán triệt sâu sắc lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự mình tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức và năng lực trí tuệ, phương pháp và tác phong công tác, xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

    Hai là, tiến hành đồng thời việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cấp uỷ, tổ chức đảng, của hệ thống chính trị và mỗi cán bộ, đảng viên.

    Ba là, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ, chuẩn mực, giá trị con người Việt Nam phù hợp với truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình trước Đảng và Nhân dân.

    Bốn là, nêu cao trách nhiệm nêu gương, đi đầu trên các mặt tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, tự phê bình và phê bình, trong quan hệ với nhân dân, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

    Năm là, tăng cường công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

    Sáu là, kiên định, vững vàng trên nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nắm vững, vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận trong thực tiễn; phải đặc biệt coi trọng nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng, khắc phục bệnh “lười học lý luận chính trị” của cán bộ, đảng viên. Đây là yêu cầu trọng tâm của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược.

     

    Th.S Ngô Thị Thúy Mai - GV. Khoa Xây dựng Đảng

     

     

     

     

     

     

     

     

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

     

    1. Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tài liệu Lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, năm 2020
    2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011
    3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011
    4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016
    5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021
    6. Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"
    7. Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do-vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, H.1976
    8. Phạm Quốc Thành, Tư tưởng Hồ Chí Minh về rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên, Nxb Chính trị quốc gia, H.2004
    9. Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

    10. Trường Chinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam, Nxb Lý luận, H.1991

     

     

     

     

    [1]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2011, tr. 611

    [2]3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia -  Sự thật, H.2011, tr. 612

     

    [4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, H.2011, tr. 610

    [5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, H.2011, tr. 611

    [6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, H.2011, tr. 622

    [7] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t. I, tr. 183 -184.

    Danh mục
    Tin nổi bật
    Tin liên quan
    zalo
    Hotline