Kỷ niệm 66 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2020)

Kỷ niệm 66 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2020)

    Tác giả bài viết: ThS. Ngô Thị Thuý Mai

    Nguồn tin: Khoa xây dựng Đảng

    Mùa hè năm 1953, Chính phủ Pháp triệu hồi tướng Xalăng về nước, cử Nava sang làm tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương
    Nava đã vạch ra một kế hoạch chiến lược mới với hi vọng giành được một thắng lợi quyết định về quân sự, để làm cơ sở về một giải pháp chính trị "danh dự" cho Pháp tại Đông Dương. Tháng 7/1953, Hội đồng Chính phủ và Hội đồng quốc phòng Pháp đã thông qua kế hoạch quân sự mới - Kế hoạch Nava, với 2 bước cơ bản:

        Bước I (thu đông 1953-xuân 1954): Giữ thế phòng ngự chiến lược ở chiến trường miền Bắc, tránh giao chiến với quân chủ lực của ta, thực hiện tiến công chiến lược ở chiến trường miền Nam. Đồng thời, ra sức mở rộng ngụy quân, tập trung binh lực xây dựng một lực lượng cơ động mạnh.

        Bước II (mùa thu 1954): Chuyển lực lượng ra chiến trường miền Bắc, thực hiện tiến công chiến lược, cố giành thắng lợi quyết định, buộc ta phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho chúng.

        Cùng với việc cố vấn trực tiếp về chiến lược, Mỹ tiến hành tăng cường chi viện quân sự cho Pháp. "Năm 1953, viện trợ quân sự của Mỹ chiếm 43,8% ngân sách chiến tranh của Pháp ở Đông Dương. Năm 1954, Mỹ tiếp tục tăng viện trợ cho Pháp lên 400 triệu USD và 385 triệu USD viện trợ quân sự bổ sung riêng cho kế hoạch Nava, chiếm 78% trong toàn bộ ngân sách chiến tranh của Pháp ở Đông Dương"[1]. Từ đó, thực dân Pháp đã tăng viện cho quân viễn chinh 12 tiểu đoàn rút từ Pháp, Bắc Phi và Triều Tiên sang, đưa lực lượng cơ động chiến lược trên toàn chiến trường Đông Dương lên 84 tiểu đoàn. Ngoài ra, Pháp còn chuyển quân từ các chiến trường khác về tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ 44 tiểu đoàn cơ động. Ngày 3/12/1953, Nava quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh vơi 16.200 quân, 49 cứ điểm chia làm 3 phân khu. Chúng chấp nhận một trận quyết chiến chiến lược tại đây, sẵn sàng "nghiền nát" bộ đội chủ lực của ta. Điện Biên Phủ trở thành trung tâm của kế hoạch Nava, với hệ thống phòng ngự kiên cố, Pháp-Mỹ coi Điện Biên Phủ là một pháo đài khổng lồ không thể công phá. Chúng hi vọng với kế hoạch này sẽ "chuyển bại thành thắng" trong vòng 18 tháng.

        Trước mưu đồ của thực dân Pháp, từ tháng 9/1953 phương hướng chiến lược của ta trong đông-xuân 1953-1954 là "tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai. Đồng thời, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa điểm xung yếu mà chúng không thể bỏ, do phải phân tán binh lực mà tạo cho ta những điều kiện thuận lợi mới để tiêu diệt thêm từng bộ phận sinh lực của chúng"[2]. Với phương châm: tích cực, chủ động, linh hoạt; đánh ăn chắc, tiến ăn chắc, chắc thắng thì đánh cho kì thắng, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận. Chính phủ thành lập Hội đồng hậu cần trung ương cho mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm chủ tịch. Với tinh thần cả nước cho Điện Biên Phủ toàn thắng, từ các vùng tự do đến các vùng địch hậu, căn cứ du kích đều dồn sức cho chiến trường Điện Biên Phủ.

        Với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", quân và dân ta gấp rút dồn sức người, sức của chuẩn bị cho chiến dịch. Toàn dân "đã huy động 261.453 dân công với 18.301.570 ngày công, 25.056 tấn gạo, 907 tấn thịt, 917 tấn thực phẩm khác, 20.991 xe đạp thồ, 11.800 mảng nứa và hàng nghìn con ngựa thồ"[3] cung cấp cho mặt trận Điện Biên Phủ. Ngày 13/3/1954, quân ta bắt đầu nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch diễn ra trong 3 đợt

        Đợt 1 (từ ngày 13/3 - 17/3/1954): Quân ta tiêu diệt cứ điểm Him Lam và toàn bộ phân khu Bắc (bao gồm cứ điểm Độc Lập và Bản Kéo).

        Đợt 2 (từ ngày 30/3 - 26/4/1954): Quân ta đồng loạt tấn công các cứ điểm phía đông phân khu trung tâm (A1,C1, D1, E1, C2,...).

        Đợt 3 (từ ngày 1/5/-7/5/1954): Quân ta đánh chiếm các cứ điểm còn lại ở phía đông.

        Đến 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, Tướng Đờ Caxtơri cùng toàn bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm bị bắt, gần một vạn quân địch ra hàng. Sau 56 ngày đêm liên tục chiến đấu, quân ta tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ: 16.200 tên, bao gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và quân nhảy dù, 3 tiểu đoàn pháo binh và súng cối hạng nặng; 1 thiếu tướng, 16 đại tá và trung tá, 1.749 sĩ quan và hạ sĩ quan; hạ 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí và cơ sở vật chất kĩ thuật. Điện Biên Phủ thất thủ, kế hoạch Nava thất bại thảm hại, đã giáng một đòn quyết định trực tiếp làm thay đổi cục diện chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta trên bàn Hội nghị Giơnevơ.

        Chiến dịch đông xuân 1953-1954 đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã "thể hiện sức mạnh và tính sáng tạo, độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam vừa kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc suốt mấy nghìn năm lịch sử vừa phát triển cao về chiến thuật và kỹ thuật của một cuộc chiến tranh hiện đại mang tính chất cách mạng và giải phóng dân tộc một cách triệt để do đội tiên phong cách mạng là Đảng Cộng sản lãnh đạo"[4]. "Điện Biên Phủ như một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã"[5], một bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, xứng đáng "đi ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỉ XX"[6]. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao của chiến tranh giữ nước thời đại Hồ Chí Minh. "Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới"[7].

        66 năm đã trôi qua, âm vang chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu" vẫn còn in đậm mãi trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam. "Giá trị và những bài học lịch sử của cuộc đấu trí, đấu lực trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán năm 1954 không chỉ được phát huy trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà còn có giá trị hiện hữu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh nhiều vận hội nhưng không ít thách thức hiện nay".


    [1] Trần Thị Vinh, Điện Biên Phủ trong nghiên cứu và giảng dạy lịch sử ở một số trường đại học khu vực Đông Nam Á, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 11-2004, tr.63

    [2] Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân. H.1964, tr.47

    3,4,8 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng, 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Nxb Chính trị quốc gia, H.2014, tr.137-138, tr.39, tr.71

    [5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, H.2011, tập 14, tr.315

    [6] Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật, H.1970, tr.90

    7 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 12, tr.410

    Danh mục
    Tin nổi bật
    Tin liên quan
    Xây dựng văn hóa Trường Đảng góp phần xây dựng Trường Chính trị tỉnh Kon Tum đạt chuẩn

    Xây dựng văn hóa Trường Đảng góp phần xây dựng Trường Chính trị tỉnh Kon Tum đạt chuẩn

          Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định nghĩa về văn hóa như sau: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoại hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”[1]. Qua định nghĩa này cũng cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa - văn hóa là phương thức tồn tại và phát triển của xã hội loài người.
    Những kết quả bước đầu trong thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09-02-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ở Trường Chính trị tỉnh Kon Tum

    Những kết quả bước đầu trong thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09-02-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ở Trường Chính trị tỉnh Kon Tum

     Ngày 09-02-2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới (Chỉ thị 23-CT/TW ). Quán triệt những quan điểm, mục tiêu nêu ra trong Chỉ thị 23-CT/TW, triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị của cấp ủy các cấp, phát huy vị trí, vai trò của mình, những năm qua Đảng bộ và đơn vị Trường Chính trị tỉnh Kon Tum đã đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện Chỉ thị 23-CT/TW của Ban Bí thư.
    Căn cứ địa cách mạng ở Kon Tum với tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn

    Căn cứ địa cách mạng ở Kon Tum với tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn

    Căn cứ địa cách mạng ở Kon Tum với tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn
    Một số trao đổi về kinh nghiệm giảng dạy lịch sử Đảng ở Trường Chính trị Kon Tum

    Một số trao đổi về kinh nghiệm giảng dạy lịch sử Đảng ở Trường Chính trị Kon Tum

    Một số trao đổi về kinh nghiệm giảng dạy lịch sử Đảng ở Trường Chính trị Kon Tum
    zalo
    Hotline