KON TUM: NHỮNG KẾT QUẢ TÍCH CỰC SAU 10 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 37-NQ/TW VỀ CÔNG TÁC LÝ LUẬN TRÊN ĐỊA BÀN TOÀN TỈNH

KON TUM: NHỮNG KẾT QUẢ TÍCH CỰC SAU 10 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 37-NQ/TW VỀ CÔNG TÁC LÝ LUẬN TRÊN ĐỊA BÀN TOÀN TỈNH

                                                                                 Lê Văn Châu

    Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum

    Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về "công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030, tỉnh Kon Tum đã triển khai nghiên cứu, nghiệm thu, đưa vào ứng dụng hàng trăm đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh và cơ sở; cử hàng chục ngàn lượt cán bộ, công chức, viên chức đào tạo về lý luận chính trị và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; góp phần vào việc hoạch định chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn toàn tỉnh.

    Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW,  ngày 09-10-2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) vềCông tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 (Nghị quyết số 37-NQ/TW), Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho biết[1]: Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bám sát 03 phương châm công tác lý luận được xác định tại Nghị quyết số 37-NQ/TW, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với chú trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đúc kết những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền để ban hành các chủ trương, nghị quyết lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.

    Lãnh đạo đổi mới việc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đẩy mạnh nghiên cứu, học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn. Trong đó, đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 21-10-2021 về đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên địa bàn tỉnh và Quy định số 489-QĐ/TU, ngày 29-6-2022 về quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên địa bàn tỉnh.

    Ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09- 02- 2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới" Chỉ đạo Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm chính trị các huyện, thành phố đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị, cập nhật các quan điểm, nghị quyết mới của Đảng vào nội dung bài giảng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị ở các cơ sở giáo dục.

    Giai đoạn 2015 - 2024, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 32 nghị quyết (nghị quyết chuyên đề và nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ chính trị hằng năm) gắn với chỉ đạo thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; chỉ đạo tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận đối với 12 nội dung trên tất cả các lĩnh vực, làm cơ sở quan trọng để xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng thời, tổng kết, đánh giá đầy đủ, toàn diện công tác lãnh đạo thực hiện các chỉ đạo của Trung ương về xây dựng Đảng[2].

    Giai đoạn 2014-2024, UBND tỉnh đã phê duyệt, chỉ đạo triển khai 105 đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh (đã nghiệm thu 75 đề tài). Một số đề tài đã cung cấp luận cứ khoa học cho tỉnh xây dựng chủ trương, nghị quyết về kinh tế- xã hội, dân tộc, tôn giáo, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, như: Các đề tài về Khiếu nại và giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai trên địa bàn tỉnh; Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Bana ở tỉnh Kon Tum; Giải pháp xử lý có hiệu quả một số vấn đề chủ yếu có nguy cơ gây mất ổn định chính trị- xã hội trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới; Lịch sử lực lượng vũ trang tỉnh Kon Tum (1945-2010); Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; Xây dựng cơ sở khoa học đề xuất các giải pháp phát triển nghề; Nghiên cứu thực trạng, đề xuất các giải pháp đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút khách du lịch tại khu du lịch sinh thái Măng Đen; Công tác tư tưởng trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới-thực trạng và giải pháp; Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường phổ thông dân tộc bán trú tỉnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh ở tỉnh Kon Tum[3];...

    Chỉ đạo nghiên cứu, vận dụng các quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng vào thực hiện nhiệm vụ và giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là học tập, vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; qua đó, tiếp tục khẳng định tính khoa học và vai trò, vị trí của chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống xã hội, là cơ sở cho các cấp ủy, chính quyền nghiên cứu, vận dụng vào xây dựng chủ trương, nghị quyết lãnh đạo, phục vụ công tác chỉ đạo ở địa phương, đơn vị.

    Trong đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ trì nghiên cứu 02 đề tài khoa học cấp tỉnh: (1) “Nghiên cứu công tác tư tưởng trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới -  thực trạng và giải pháp”; (2) “Nhận diện và ngăn chặn xung đột xã hội trên địa bàn tỉnh - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”; biên soạn một số tài liệu chuyên đề cung cấp cho Trường Chính trị tỉnh, các huyện ủy, thành ủy, Trung tâm chính trị các huyện, thành phố nghiên cứu, giảng dạy trong các lớp đào tạo, bồi dưỡng và phổ biến, quán triệt cho cán bộ, đảng viên. Trường Chính trị tỉnh chủ trì nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh "Phòng chống "Diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa tại địa bàn tỉnh Kon Tum"; Công an tỉnh chủ trì nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh "Giải pháp xử lý có hiệu quả một số vấn đề chủ yếu có nguy cơ gây mất ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới";...

    Lãnh đạo, chỉ đạo phát huy dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan Đảng, Nhà nước theo Quy định số 285-QĐ/TW, ngày 25- 4- 2015 của Bộ Chính trị; phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên tiếp cận, khai thác, sử dụng các tư liệu, tài liệu của Đảng, Nhà nước theo quy định để phục vụ công tác chuyên môn; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc dân chủ trong hội họp, thảo luận, bàn bạc, tham gia ý kiến, phê bình, chất vấn của cán bộ, đảng viên; phát huy tối đa trí tuệ tập thể và ý kiến của cá nhân, khắc phục biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, độc đoán trong lãnh đạo, quản lý;...

    Chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác giáo dục lý luận chính trị trong các trường phổ thông; chỉ đạo Trường Cao đẳng Kon Tum thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học các môn lý luận chính trị trong sinh viên; chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch học tập, bồi dưỡng chính trị cho đội ngũ cán bộ, viên chức, gắn với đánh giá kết quả học tập lý luận chính trị, đạo đức hằng năm của học sinh;...

    Đồng thời, chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn theo Quy định số 57-QĐ/TW, ngày 08-02-2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị. Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, toàn tỉnh đã cử 4.061 lượt cán bộ, công chức, viên chức đào tạo lý luận chính trị, 11.672 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh[4].

    Thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22- 10- 2018 của Bộ Chính trị “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (Ban Chỉ đạo 35 tỉnh); chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân khi sử dụng mạng xã hội; chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, sai sự thật, xấu, độc, nhất là trên Internet, mạng xã hội; chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin trên mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác; chấn chỉnh, xử lý nghiêm đảng viên vi phạm trong viết bài, phát ngôn và sử dụng mạng xã hội;…

    Tổ chức và chỉ đạo thực hiện Kế hoạch đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu chống phá Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025 và Đại hội XIII của Đảng, Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026; công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam; hướng dẫn các cấp ủy nhận diện, đấu tranh, cảm hóa đảng viên, văn nghệ sĩ, trí thức bất mãn, cơ hội chính trị; chỉ đạo tăng cường công tác nắm bắt dư luận xã hội, tình hình trên không gian mạng trong các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm, các sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh;…

    Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện gần 190 vụ việc vi phạm liên quan đến lĩnh vực an ninh mạng; khởi tố, xử lý hình sự 02 đối tượng, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 06 trường hợp về hành vi đăng tải thông tin xấu, độc trên không gian mạng, phạt tiền trên 34 triệu đồng; gọi hỏi, răn đe, buộc gỡ bỏ các bài viết đối với 143 trường hợp; triển khai phương án bóc gỡ, vô hiệu hóa hoạt động của 949 tài khoản mạng xã hội[5];...

    Việc bám sát, thực hiện nghiêm túc phương châm, nhiệm vụ của Nghị quyết 37-NQ/TW đã đem lại những hiệu quả tích cực trên lĩnh vực lý luận chính trị của tỉnh trong 10 năm qua, góp phần to lớn vào việc củng cố, nâng cao ý thức, bãn lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao hiệu quả công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, phục vụ tích cực cho việc hoạch định chủ trương, đường lối phát triển kinh tế- xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh.

                                                                                

     

     

     

    [1] Báo cáo số 531-BC/TU, ngày 26-4-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09-10-2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) "về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”.

    [2] Báo cáo số 531-BC/TU, ngày 26-4-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09-10-2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) "về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030” (tổng hợp báo cáo của các địa phương, đơn vị).

     

    [3] Báo cáo số 531-BC/TU, ngày 26-4-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09-10-2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) "về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030” (tổng hợp báo cáo của các địa phương, đơn vị).

     

     

    [4] Báo cáo số 531-BC/TU, ngày 26-4-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09-10-2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) "về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030” (tổng hợp báo cáo của các địa phương, đơn vị).

     

     

    [5] Báo cáo số 531-BC/TU, ngày 26-4-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09-10-2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) "về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030” (tổng hợp báo cáo của các địa phương, đơn vị).

    Danh mục
    Tin nổi bật
    Tin liên quan
    zalo
    Hotline