Hồ Chí Minh, người vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin vào Việt Nam. (Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890-19/5/2025)

Hồ Chí Minh, người vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin vào Việt Nam. (Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890-19/5/2025)

    Ngày 01-09-1858, liên quân thực dân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công thành phố Đà Nẵng, mở đầu công cuộc xâm lược Việt Nam. Năm 1884, với việc ký với Pháp Hiệp ước Patơnốt, triều đình nhà Nguyễn về bản chất đã chấp nhận sự cai trị của thực dân Pháp trên toàn lãnh thổ Việt Nam, Việt Nam từ một quốc gia độc lập, trở thành thuộc địa của Pháp.

    Với truyền thống yêu nước phong trào kháng chiến chống thực dân đã nổ ra mạnh mẽ. Đặc biệt sau khi có chiếu Cần Vương (7-1885) của vua Hàm Nghi, kêu gọi Nhân dân đứng lên chống Pháp, hàng trăm cuộc khởi nghĩa dưới ngọn cờ phong kiến đã nổ ra ở khắp Bắc - Trung - Nam, nhưng đều bị đàn áp dã man và lần lượt thất bại. Mặc dù rất khâm phục chí khí của những người đi trước, nhưng người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành không tán thành cách làm của các vị tiền bối. Trăn trở với vận mệnh đất nước bị xâm lăng, Nhân dân lầm than, cực khổ, Nguyễn Tất Thành nung nấu quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Không hướng về phương Đông truyền thống, Người quyết định sang Pháp, nơi sinh ra chủ nghĩa thực dân, quê hương của cuộc cách mạng tư sản Pháp, để “tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những Tự do, Bình đẳng, Bác ái”

    Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành lên con tàu Amiran Latusơ Tơrevin thuộc Hãng tàu buôn Năm Sao của Pháp, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Trong gần 10 năm (1911-1920), với nhiều tên mới: Văn Ba, Pôn Thành... Nguyễn Ái Quốc, Người đã đi đến nhiều nước, nhiều châu lục. Vừa lao động kiếm sống, vừa nghiên cứu, học hỏi thực tiễn, Người đã tích lũy và chắt lọc cho vốn tri thức của mình các nền văn hóa khác nhau, đặc biệt là kinh nghiệm của các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới như Cách mạng Tư sản Mỹ (1776) và Cách mạng Tư sản Pháp (1789) và đặc biệt là Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Người khắng định: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”[1] “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”[2].

              Như vậy là đã rõ, khi tiếp cận được chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc từ người yêu nước trở thành người cộng sản và đã dứt khoát lựa chọn con đường đi theo chủ nghĩa xã hội cho cách mạng Việt Nam, theo quỹ đạo của cách mạng vô sản. Người đã tham gia nhiều hoạt động thực tiễn và lý luận rất sôi nổi như: tham gia Ban Nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp, tham gia sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa, viết bài và tham gia xuất bản báo (tờ Le Paria), viết bài tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin về Việt Nam và các nước thuộc địa.

    Một mặt, không máy móc, không giáo điều khuôn mẫu, không tự “buộc mình” hay trói người khác vào những câu chữ hàn lâm, kinh viện khép kín, đọc các  tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc, người đọc cảm nhận được cái tinh thần cách mạng, khoa học, nhân văn và rất biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin chứ không phải những nội dung “nhất thành bất biến”. Đây thực sự là nét tinh hoa, độc đáo và rất dũng cảm hiếm có ở người khác. Năm 1930, khi chủ nghĩa giáo điều còn tồn tại trong phong trào cộng sản công nhân Quốc tế, chủ trương đưa vấn đề giai cấp lên trước vấn đề dân tộc, thì Nguyễn Ái Quốc đã dũng cảm đưa ra một luận điểm táo bạo gắn với thực tiễn đất nước là nêu đại đoàn kết dân tộc, thu hút cả trung tiểu địa chủ vào lực lượng cách mạng, với Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã chứng minh tính đúng đắn, cách mạng, sáng tạo của Hồ Chí Minh, đó là thắng lợi của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc đã được nêu ngay từ đầu năm 1930 trong Chính Cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Hồ Chí Minh, đó cũng là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh, một cống hiến quan trọng vào phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác – Lênin trong xử lý mối quan hệ giữa vấn đề giai cấp với vấn đề dân tộc trong cách mạng xã hội chủ nghĩa.

    Mặt khác, với phương châm gắn lý luận với thực tiễn, dùng lý luận Mác - Lênin để soi đường cho hoạt động thực tiễn và tổng kết thực tiễn để rút ra những kết luận mới bổ sung cho lý luận thêm phong phú.

    Chúng ta có thể thấy có nhiều luận điểm của Hồ Chí Minh chưa có trong lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin nhưng phù hợp với tinh thần của chủ nghĩa Mác – Lênin, rất đúng với những yêu cầu mà các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin đề ra rằng: học thuyết của các Ông không phải là sinh ra một lần rồi thôi (không phải nhất thành bất biến) mà nó cần luôn được bổ sung, phát triển  phù hợp với thực tiễn, nó phải mang tính lịch sử cụ thể đúng với tinh thần phép biện chứng duy vật. Cho nên, giữa lúc Quốc tế Cộng sản đang đề cao “đấu tranh giai cấp” và lực lượng chủ yếu là giai cấp công nhân, đặt vấn đề giai cấp lên trên hết mọi yếu tố khác thì trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo Người đã đặt vấn đề dân tộc lên trên vấn đề giai cấp, phải thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhằm đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và bọn phong kiến tay sai, hai nhiệm vụ này có quan hệ khăng khít nhau mà đặt lên hàng đầu là nhiệm vụ giải phóng dân tộc, và lực lượng tham gia là có cả trung tiểu địa chủ nữa.

    Đây rõ ràng là sự sáng tạo và dũng cảm của Nguyễn Ái Quốc, thể hiện nhãn quan chính trị nhạy bén, đúng đắn nhằm tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chính, huy động được sức mạnh tổng thể của dân tộc mà giải phóng dân tộc trước, các vấn đề khác của nội bộ dân tộc sẽ xử lý sau.

    Thực tiễn là động lực, là chân lý kiểm nghiệm lý luận, nên, những tư tưởng đúng đắn và rất dũng cảm của Nguyễn Ái Quốc phải đến sau Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5-1941) Đảng ta mới phục hồi và triển khai những tư tưởng trên của Hồ Chí Minh trong thực tế.

    Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và những thắng lợi vĩ đại về sau dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh như Điện Biên Phủ năm 1954; Hiệp định Paris ngày 27/01/1973; đại thắng mùa xuân 1975, sự nghiệp đổi mới 40 năm qua...đã chứng minh tính đúng đắn, cách mạng và sáng tạo của Hồ Chí Minh, đó là thắng lợi của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc đã được nêu ngay từ đầu năm 1930 trong Chính Cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Hồ Chí Minh, đó cũng là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh, một cống hiến quan trọng vào phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác – Lênin trong xử lý mối quan hệ giữa vấn đề giai cấp với vấn đề dân tộc trong cách mạng vô sản.

    Dù đã về cõi vĩnh hằng “gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”[3], nhưng người chiến sỹ cộng sản trung dũng  Nguyễn Ái Quốc, đã để lại cho chúng ta một mẫu mực trong việc vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, mẫu mực ấy đang định hướng cho sự nghiệp đổi mới hiện nay ở nước ta, chuẩn bị bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

                                                    TS Ngô Hoàng Anh – Ths Lê Thị Nghệ

     

    [1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.2, tr.304

    [2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.12, tr.30.

    [3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG H, 2011 tập 15 trang 611

    Danh mục
    Tin nổi bật
    Tin liên quan
    zalo
    Hotline