Giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam

Giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam

    Bản chất cách mạng, khoa học và giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin đã được kiểm nghiệm, khẳng định bởi thực tiễn trong hơn 95 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiên định, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào từng giai đoạn lịch sử cách mạng của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam.

    Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với cách mạng Việt Nam, Người xem đây là “cẩm nang thần kỳ”, “kim chỉ nam” cho hành động của Đảng. “Đảng ta nhờ kết hợp được chủ nghĩa Mác - Lênin với tình hình thực tế của nước ta, cho nên đã thu được nhiều thắng lợi trong công tác”[1]. Do đó, Đảng phải luôn trung thành, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, nâng cao bản lĩnh, trí tuệ của Đảng. Người căn dặn: “chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta”[2]. Đồng thời, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên ra sức nghiên cứu, học tập, tu dưỡng nâng cao trình độ lý luận và vận dụng sáng tạo lập trường, quan điểm, phương pháp, nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tế công tác, theo tinh thần: “học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta”[3]. Sự  thất bại của các phong trào yêu nước Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế Kỷ XX dẫn đến sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước. Yêu cầu lịch sử đòi hỏi phải có một tổ chức cách mạng tiên phong, có đường lối cứu nước đúng đắn để giải phóng dân tộc. Đây là yêu cầu khách quan, cấp thiết của dân tộc Việt Nam. Cuộc hành trình qua ba đại dương, bốn châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ và gần ba mươi quốc gia, hàng trăm thành phố lớn nhỏ, tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều nền văn hoá đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[4] và khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[5] và Người cho rằng: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[6]; “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”[7]. Chính Người đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong phong trào công nhân, phong trào yêu nước và xúc tiến chuẩn bị các tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930).

    Tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành, phát triển trên cơ sở kế thừa, chọn lọc những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; tiếp thu và vận dụng sáng tạo tinh hoa văn hóa nhân loại (văn hóa phương Đông, phương Tây) mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác - Lênin. Cơ sở thế giới quan, phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác - Lênin với hạt nhân lý luận là chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.

    Lịch sử đã chứng minh: kể từ ngày thành lập đến nay Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua  hơn 95 năm hình thành và phát triển. Trong suốt quá trình ấy, Đảng luôn gắn bó với dân tộc, phấn đấu hy sinh cho độc lập dân tộc, tự do, ấm no và hạnh phúc của nhân dân. Để có được những thành quả to lớn ấy, chính là dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng sáng tạo, phù hợp điều kiện cụ thể của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chủ trương, đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn  lãnh đạo nhân dân giành những thắng lợi vĩ đại trong Cách mạng tháng Tám (năm 1945), khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; những thành tựu to lớn của gần 40 năm đổi mới đất nước, ngày càng khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

    Trong các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị của Đảng đều nhất quán khẳng định vai trò to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam. Sự khẳng định nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ bảo đảm sự thống nhất nhận thức trong toàn Đảng mà còn thể hiện rõ ý chí kiên quyết đấu tranh đối với những những luận điệu sai trái, thù địch đi ngược lại tư tưởng cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

     Đại hội VI (12/1986), Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”[8]. Đại hội VII (6/1991), khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của dân tộc và nhân loại, nắm vững quy luật khách quan và thực tiễn đất nước để đề ra cương lĩnh chính trị đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”[9]. Tổng kết 15 năm đổi mới, Đại hội lần thứ IX của Đảng rút ra bài học: “Trong quá trình đổi mới, phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”[10]. Đại hội lần thứ X của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Đổi mới không phải là từ bỏ mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn và được xây dựng có hiệu quả hơn. Đổi mới không phải xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng”[11]. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”[12]. Đại hội lần thứ XII của Đảng chỉ rõ: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới”[13]. Để xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong tình hình mới, Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Kiên định vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam”[14]. Điều đó càng khẳng định tầm vóc, ý nghĩa, giá trị to lớn, sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

    Thực hiện mưu đồ chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch không ngừng tiến hành mọi thủ đoạn nhằm xuyên tạc, phủ nhận, hạ thấp vai trò và ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề cấp bách, thường xuyên, cơ bản, lâu dài. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” nhấn mạnh: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu”[15]

    Đại hội XIII nhấn mạnh: “Đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại; đưa việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”[16]; “Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được đổi mới cả về nội dung và phương pháp; tăng cường quản lý, kỷ luật trong giảng dạy, học tập; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên; từng bước khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị, dạy và học hình thức”[17].   phải “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa học tập lý luận với rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn để nâng cao bản lĩnh chính trị; khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên”[18]

    Chính vì vậy, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và các tầng lớp  nhân dân nhận thức sâu sắc về những giá trị cốt lõi, bền vững của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có vai trò vô cùng quan trọng.  Trong đó nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân  nâng cao nhận thức, trình độ, bản lĩnh chính trị, năng lực tư duy, năng lực nghiên cứu, một cách toàn diện, sâu sắc, có hệ thống những di sản tư tưởng, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm vận dụng đúng đắn, sáng tạo vào thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

    Th.s Ngô Thị Thúy Mai, Khoa Xây dựng Đảng

     

     

    [1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.97

    [2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.92

    [3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.611

    [4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 12, tr.30

    [5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.289.

    [6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr. 563

    [7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr. 562

    [8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1987, tr.125

    [9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự Thật, Hà Nội 1991, tr.21.

    [10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, tr.19

    [11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.70.

            [12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự Thật, Hà Nội, 2011,   tr.88

    [13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.99.

    [14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.40-41.

    [15] Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

    [16] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, H.2021, tr.182 - 183, tr.170

    [17] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tập 2, tr 170.

    [18] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tập 2, tr 236.

     

     

    Danh mục
    Tin nổi bật
    Tin liên quan
    Tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum - Thực trạng và giải pháp

    Tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum - Thực trạng và giải pháp

    Theo khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: Tảo hôn được hiểu là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, tuổi kết hôn của nữ là từ đủ 18 tuổi trở lên, tuổi kết hôn của nam là từ đủ 20 tuổi trở lên.
    ĐẤU TRANH BÁC BỎ LUẬN ĐIỆU CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH, PHẢN ĐỘNG, PHẦN TỬ CƠ HỘI CHÍNH TRỊ LỢI DỤNG VẤN ĐỀ “DÂN TỘC”, “TÔN GIÁO” ĐỂ CHỐNG ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TA

    ĐẤU TRANH BÁC BỎ LUẬN ĐIỆU CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH, PHẢN ĐỘNG, PHẦN TỬ CƠ HỘI CHÍNH TRỊ LỢI DỤNG VẤN ĐỀ “DÂN TỘC”, “TÔN GIÁO” ĐỂ CHỐNG ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TA

    Sau khi đất nước thống nhất, Việt Nam ta đổi mới, vươn lên mạnh mẽ, có vị thế nhất định trên trường quốc tế song các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị vẫn điên cuồng chống phá Đảng, Nhà nước ta trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”. Những luận điệu các thế lực thù địch rêu rao dù có nguy hiểm nhưng với thực tiễn phát triển toàn diện đất nước, nhất là trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo cho ta thấy rõ các luận điệu của chúng là sự xuyên tạc trắng trợn và vô căn cứ.
    VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG VỀ ĐẠO ĐỨC HIỆN NAY

    VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG VỀ ĐẠO ĐỨC HIỆN NAY

    Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về đạo đức, để Đảng ta đảm đương được sứ mệnh lịch sử trước nhân dân và dân tộc, là nội dung đặc biệt quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, vận dụng vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
    zalo
    Hotline