CÔNG TÁC TỔNG KẾT THỰC TIỄN Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH KON TUM – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

CÔNG TÁC TỔNG KẾT THỰC TIỄN Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH KON TUM – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

    Tổng kết thực tiễn là một hoạt động quan trọng để rút ra những bài học kinh nghiệm, đánh giá tình hình và đề ra những định hướng, giải pháp cho những vấn đề thực tế. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Gắn kết tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách”[1].

    Tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương là một trong hai chức năng quan trọng của trường chính trị cấp tỉnh theo Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13-11-2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết luận số 479-KL/HVCTQG ngày 26-9-2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ này: “Đối với trường chính trị, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn không chỉ phục vụ cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập mà quan trọng hơn phải gắn với tư vấn cho cấp ủy, chính quyền địa phương hoạch định chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh”. Thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn, hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn là một trong những tiêu chí mà các trường chính trị cần thực hiện. Để phát huy được vai trò là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và là “trung tâm nghiên cứu lý luận”, tham gia vào công tác tổng kết thực tiễn của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đòi hỏi các trường chính trị tỉnh hiện nay càng phải quan tâm hơn nữa đến việc thực hiện tốt chức năng tổng kết thực tiễn của mình.

    1. Thực trạng công tác tổng kết thực tiễn ở Trường Chính trị tỉnh Kon Tum

    Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tổng kết thực tiễn, trước hết đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường trong những năm qua đã quan tâm tăng cường thực hiện nhiệm vụ này. Ban Giám hiệu Trường đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, hướng dẫn, kế hoạch của trung ương và địa phương[2] về công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận. Xuất phát từ nhu cầu cải thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của Trường và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, Trường đã chủ động thực hiện và tham mưu triển khai các hoạt động tổng kết thực tiễn phù hợp.

    Trước hết, hoạt động tổng kết thực tiễn phục vụ cho việc nâng cao chất lượng các mặt công tác được Trường triển khai thực hiện sớm và thường xuyên. Tiến hành tổng kết thực tiễn, triển khai các sáng kiến, đề xuất nâng cao chất lượng dạy và học lý luận chính trị của các giảng viên đã thông qua tại các hội thảo khoa học được tổ chức, Trường đã ban hành Quy định nâng cao chất lượng dạy và học[3]. Đã đã tiến hành sơ kết, đánh giá thực hiện Quy định, đồng thời chỉ đạo đánh giá sâu hơn chất lượng giảng dạy từng phần học, từng chương trình cụ thể như: Chất lượng giảng dạy học phần Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh chương trình trung cấp lý luận chính trị; chất lượng bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính. Qua đó, từng khía cạnh cụ thể của công tác giảng dạy, học tập lý luận chính trị, bồi dưỡng chuyên ngành được phân tích, làm rõ hơn những điểm mạnh, điểm yếu, từ đó có biện pháp chỉ đạo, thực hiện nâng cao chất lượng dạy và học cụ thể trên thực tế.

    Trường đã tham gia biên soạn, bổ sung giáo trình Tình hình nhiệm vụ địa phương (chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính), biên soạn giáo trình Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển địa phương (chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị). Đồng thời biên soạn tài liệu một số chương trình  bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn nghiệp vụ các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện và cấp xã; biên soạn bổ sung một số chuyên đề vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy[4]; góp ý đổi mới giáo trình trung cấp lý luận chính trị...

    Thứ hai, tham gia tích cực hoạt động tổng kết thực tiễn các vấn đề của địa phương góp phần phục vụ công tác tham mưu chính sách cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Đơn vị luôn khuyến khích viên chức, giảng viên tìm hiểu, nắm bắt các vấn đề, nhu cầu thực tế của các địa phương… để đề xuất các vấn đề nghiên cứu, tổng kết thực tiễn phù hợp. Viên chức, giảng viên của Trường đã phát huy năng lực, đề cao tinh thần trách nhiệm, cải tiến lề lối, phương pháp làm việc, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tham mưu triển khai các nghị quyết của cấp ủy các cấp và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội… làm cơ sở cho hoạch định chính sách, phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý của địa phương.

    Với nhiệm vụ được phân công, Trường tham gia tích cực vào các hoạt động sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng[5]; tổng kết các hoạt động theo yêu cầu của cấp ủy, chính quyền địa phương như:

    - Tổng kết thực tiễn vấn đề Phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa tại địa bàn tỉnh Kon Tum. Qua tổng kết, Trường đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 1196-KL/TU ngày 26-11-2019 về nhận diện và ngăn chặn xung đột xã hội hiện nay trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo Ban Chỉ đạo 35 các cấp của địa phương triển khai thực hiện. Đồng thời chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh phục vụ sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 1196-KL/TU.

    - Tổng kết hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu cho Tỉnh ủy giai đoạn từ 2016 đến 2023.

    - Tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh thực hiện Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24-02-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh. Một số ý kiến đề xuất trong hội thảo đã được tiếp thu, tổng hợp kiến nghị đến cấp có thẩm quyền để chỉ đạo thực hiện[6].

    Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, hội thảo Trường được phê duyệt thực hiện và chủ trì xét duyệt thực hiện đều xuất phát từ nhu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa phương[7]... Phát huy dân chủ, trí tuệ của viên chức, giảng viên tham gia phản biện, góp ý xây dựng một số đề án quan trọng của tỉnh như: Đề án Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Đề án Phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050... Ngoài ra, viên chức Trường tham gia ý kiến tham luận tại các hội thảo khoa học cấp tỉnh về: Dồn tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” trên địa bàn tỉnh Kon Tum; xây dựng hợp tác xã kiểu mới...

    Các ý kiến góp ý xây dựng đề án cũng như vào các chủ trương của tỉnh được cán bộ, giảng viên của Trường tâm huyết, nghiên cứu cẩn trọng, chuyên sâu trên cơ sở khoa học và tổng kết thực tiễn, đưa ra được các ý kiến góp ý, kiến nghị xác đáng đối với cấp có thẩm quyền. Qua đó cung cấp luận cứ khoa học cho các cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng chủ trương, đề án về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; củng cố hệ thống chính trị cơ sở.

    Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, Trường đã tổ chức hơn 250 lượt đi nghiên cứu thực tế cho các giảng viên trong Trường. Sau mỗi đợt thực tế, các giảng viên đều báo cáo đánh giá thực tiễn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại các địa phương, đơn vị, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc còn tồn tại. Đây là hoạt động nhằm bổ trợ kiến thức thực tiễn phục vụ đắc lực cho công tác giảng dạy chuyên môn của các giảng viên đồng thời là căn cứ thực tiễn cho hoạt động góp ý đổi mới Giáo trình do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

    Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổng kết thực tiễn tại Trường Chính trị tỉnh Kon Tum vẫn còn những khó khăn, hạn chế, bất cập nhất định.

    Thứ nhất, nhận thức, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghiên cứu của đội ngũ viên chức chưa đầy đủ và còn nhiều điểm yếu

    Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đầu tư trí tuệ, công sức, thời gian, kinh phí. Một số viên chức (chủ yếu trong đội ngũ giảng viên) nhận thức chưa thực sự đầy đủ về tầm quan trọng của chức năng tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học của đơn vị, còn có tâm lý e dè, ngại nghiên cứu, tìm hiểu chuyên sâu các vấn đề lý luận và thực tiễn để đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cho lãnh đạo đơn vị và cấp trên.

    Năng lực tư duy, logic, khái quát hóa vấn đề của đội ngũ giảng viên chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy Trường đã có chương trình nghiên cứu thực tế cho đội ngũ giảng viên và có các hoạt động thông tin, nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao năng lực khoa học, gắn giảng dạy với nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn. Tuy nhiên, kinh nghiệm, vốn kiến thức thực tiễn của đội ngũ giảng viên theo chuyên ngành giảng dạy của mình còn có những hạn chế nhất định. Điều này làm ảnh hưởng đến năng lực tư duy sâu sắc, có khả năng khái quát cao, dự báo được khả năng tổ chức thực hiện công trình và kết quả đạt được, thấy được giá trị về lý luận và thực tiễn, khả năng ứng dụng của công trình nghiên cứu khi hoàn thành của giảng viên để có những đề xuất, kiến nghị xây dựng chủ trương, chính sách tốt hơn cho tỉnh. Do các hoạt động thông tin khoa học và nghiên cứu khoa học của Trường chủ yếu bó hẹp trong nội bộ nên không có điều kiện cho giảng viên, viên chức tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động thực tiễn đang diễn ra trong thực tế tại địa phương. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự hạn chế trong hoạt động nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn của đội ngũ giảng viên Trường.

     

    Kỹ năng, nghiệp vụ nghiên cứu khoa học còn hạn chế, đặc biệt trong thực hành các kỹ năng như: lựa chọn, xác định nội dung nghiên cứu; sử dụng ngoại ngữ trong nghiên cứu tài liệu, tra cứu thông tin; phân tích, xử lí số liệu; phân tích số liệu; sử dụng các phương pháp nghiên cứu; tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin; kỹ năng chuyển giao kết quả nghiên cứu. Việc bồi dưỡng kỹ năng nghiên cứu khoa học cho đội ngũ viên chức, giảng viên Trường hầu như chưa được thực hiện một cách bài bản, có kế hoạch dài hạn. Do vậy, kết quả của một số công trình nghiên cứu cấp cơ sở chưa có tính ứng dụng thực tiễn cao.

    Thứ hai, thiếu về nguồn lực và tổ chức để triển khai các hoạt động tổng kết thực tiễn phức tạp

    Trường còn thiếu những chuyên gia để hướng dẫn, dẫn dắt đội ngũ thực hiện các hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học đạt kết quả cao. Đội ngũ giảng viên của Trường mỏng, độ tuổi trẻ, có trình độ tiến sĩ không nhiều (02/27 giảng viên có trình độ tiến sĩ).

    Nguồn lực tài chính dành cho thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu. Việc huy động các nguồn lực của xã hội cho hoạt động nghiên cứu khoa học chưa thực hiện được. Nhu cầu về vốn để thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học là lớn nhưng thực tế vốn chưa đảm bảo cho nhu cầu. Hầu hết các năm, kinh phí bố trí cho việc đi nghiên cứu thực tế của giảng viên, công tác tổng kết thực tiễn đều bố trí từ nguồn kinh phí tự chủ rất hạn hẹp của Trường.

    Đơn vị chưa triển khai được thường xuyên và nhiều hoạt động hợp tác với các cơ quan, đơn vị khác trong hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học.

    Thứ ba, việc động viên kịp thời, đánh giá giảng viên có thành tích xuất sắc trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học để đưa vào khen thưởng, thực hiện các chế độ ưu đãi chưa thực sự được quan tâm, nguồn kinh phí bố trí khen thưởng trong hoạt động này không có.

    2. Một số giải pháp nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn của Trường Chính trị tỉnh Kon Tum

    Một là, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tổng kết thực tiễn

    Cấp ủy, lãnh đạo đơn vị tiếp tục chú trọng công tác giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi viên chức, giảng viên về vị trí, vai trò của công tác tổng kết thực tiễn về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, góp phần hoàn thành tốt hơn chức năng, nhiệm vụ chính trị của Trường. Trong điều kiện hiện nay, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học phải quan tâm, thúc đẩy đi trước một bước để phục vụ tốt hơn việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng.

    Mỗi cán bộ, viên chức của Trường cần ý thức rõ việc nâng cao trách nhiệm, ý thức tự giác phát huy năng lực, tinh thần tự học, tự nghiên cứu, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học của mình để tham gia có hiệu quả và việc đề xuất, tham gia và phản biện các nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, các chủ trương, chính sách, đề án của tỉnh.

    Đưa tiêu chí về tham gia công tác tổng kết thực tiễn vào đánh giá viên chức hàng năm, coi đây là một trong những tiêu chuẩn để xét thi đua, khen thưởng.

    Hai là, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học cho đội ngũ viên chức, giảng viên

    Bồi dưỡng nâng cao trình độ tư duy khoa học, khả năng nhạy bén trong phát hiện vấn đề tổng kết, nghiên cứu, xác định mục tiêu, lựa chọn đối tượng, phạm vi, khách thể, trong tiếp cận đối tượng nghiên cứu; bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng triển khai nghiên cứu các công trình, đề tài khoa học, rèn luyện phương pháp, tác phong nghiên cứu; kỹ năng và phương pháp viết báo cáo tổng kết thực tiễn;…

    Tăng cường các hình thức sinh hoạt khoa học, xây dựng các chương trình nghiên cứu khoa học, xây dựng các nhóm nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề trong đội ngũ viên chức, đổi mới cơ chế, chính sách quản lý công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, có chế độ đãi ngộ, khuyến khích đối với viên chức tích cực nghiên cứu và có nhiều công trình nghiên cứu tốt. Trường khuyến khích, tạo điều kiện, viên chức, nhất là đội ngũ giảng viên tích cực, chủ động tham gia các hội thảo, vừa có cơ hội nâng cao kiến thức, vừa tạo cơ hội kết nối với các chuyên gia, học giả hàng đầu trong lĩnh vực đó; tích cực tham gia vào các nghiên cứu chung.

    Đề xuất có cơ chế cho viên chức, giảng viên tham gia vào các hoạt động thực tế tại các địa phương trong tỉnh, tham gia vào các hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu chuyên sâu các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội tại địa phương; tạo cơ hội cho giảng viên các dự án nghiên cứu thực tế; tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp, kỹ năng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học.

    Ba là, có sự định hướng nội dung và đảm bảo nguồn lực con người, tài chính, tổ chức cho công tác tổng kết thực tiễn

    Cấp ủy, chính quyền địa phương cần định hướng những nội dung, lĩnh vực cần có các gợi ý, tư vấn chính sách, giải pháp để tập trung lãnh đạo, có giải pháp đột phá, khắc phục những điểm yếu trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để giao nhiệm vụ tổng kết thực tiễn.

    Tăng cường hoạt động liên kết, phối hợp trong tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, tận dụng được nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học chuyên sâu, có chất lượng trong các cơ sở nghiên cứu ở Trung ương và địa phương.

    Tỉnh cần có quy định cụ thể nhằm thực thi chủ trương đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, hoàn thiện cơ chế sử dụng các quỹ đầu tư phát triển khoa học công nghệ. Cần có chính sách khoán kinh phí theo sản phẩm đầu ra, kinh phí được chi theo sản phẩm sẽ nâng cao được chất lượng nghiên cứu và nâng cao được trách nhiệm của tổ chức trong công tác quản lý. Chú trọng thực hiện tốt công tác biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể thực hiện tốt nhiệm vụ tổng kết thực tiễn.

    Bốn là, tăng cường sự phối hợp trong công tác tổng kết thực tiễn: Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phối hợp với các ban của Đảng với các cơ quan chuyên môn của chính quyền địa phương trong tổng kết thực tiễn, từ đó có những đề xuất, kiến nghị chính sách phù hợp, khả thi. Đồng thời làm cơ sở cho việc đề xuất các đề tài nghiên cứu khoa học, đảm bảo cơ sở khoa học và hiệu quả thiết thực cho vấn đề nghiên cứu./.

                                       TS. Đặng Luận,  Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kon Tum

     

     

     

    [1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.181-182

    [2] Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 09-10-2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030; Hướng dẫn số 02-HD/TW ngày 08-02-2018 của Ban Bí thư tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; Hướng dẫn số 02-HD/TU ngày 00-4-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 75-KH/TU, ngày 19-11-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận giai đoạn 2018-2020.

    [3] Quyết định số 192/QĐ-TCT, ngày 09/11/2016 của Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kon Tum ban hành Quy định “Nâng cao chất lượng dạy và học tại trường Chính trị tỉnh Kon Tum”.

    [4] Các chuyên đề như: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; Bảo vệ bí mật nhà nước; Đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên...

    [5] Kết luận số 57-KL/TW ngày 08-3-2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26-5- 2014, Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý; Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030; Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 23-02-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới...

    [6] Sau Hội thảo cấp tỉnh Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh Kon Tum, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy đã có ý kiến chỉ đạo về đăng ký mô hình thực hiện Cuộc vận động tại văn bản số 5175-CV/VPTU ngày 25-9-2023. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 133-KH/TU ngày 14-3-2024 về phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách, giúp đỡ xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với Cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững tại các thôn (làng) trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

    [7] Tiêu biểu như các vấn đề:  Xây dựng và phát triển kinh tế xã hội ở xã Ya Ly, huyện Sa Thầy theo tinh thần Nghị quyết 04-NQ/TU (khóa XIV) của Tỉnh ủy;  Phát triển kinh tế nông hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum; Phát triển kinh tế hợp tác xã trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum; Công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Công giáo ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum; Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Sa Thầy...

    Danh mục
    Tin nổi bật
    Tin liên quan
    Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới ở xã Ya Ly(*), huyện Sa Thầy giai đoạn 2010 – 2020

    Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới ở xã Ya Ly(*), huyện Sa Thầy giai đoạn 2010 – 2020

    Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới ở xã Ya Ly(*), huyện Sa Thầy giai đoạn 2010 – 2020
    Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na ở Thành Phố Kon Tum hiện nay

    Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na ở Thành Phố Kon Tum hiện nay

    Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na ở Thành Phố Kon Tum hiện nay
    Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Cựu chiến binh xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum

    Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Cựu chiến binh xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum

    Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Cựu chiến binh xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum
    Một số vấn đề đặt ra trong thực hiện chính sách dân tộc ở Kon Tum hiện nay

    Một số vấn đề đặt ra trong thực hiện chính sách dân tộc ở Kon Tum hiện nay

    Một số vấn đề đặt ra trong thực hiện chính sách dân tộc ở Kon Tum hiện nay
    zalo
    Hotline