Chiến thắng 30/4/1975 - Thành quả vĩ đại của cách mạng Việt Nam

Chiến thắng 30/4/1975 - Thành quả vĩ đại của cách mạng Việt Nam

    Tháng 7/1973, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương khóa III ra Nghị quyết “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới”. Nghị quyết khẳng định: “con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên”[1].

    Thực hiện Nghị quyết lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương khóa III, cả miền Nam và miền Bắc đều thi đua chiến đấu và lao động sản xuất tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ ngày 30/9/1974 đến ngày 8/10/1974, Bộ Chính trị họp bàn về chủ trương giải phóng miền Nam, phê chuẩn kế hoạch hai năm và kế hoạch tác chiến năm 1975. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là trận quyết chiến chiến lược vĩ đại của quân dân ta, diễn ra liên tục suốt 55 ngày đêm trên toàn chiến trường miền Nam, trong đó trung tâm là ba đòn tiến công chiến lược: đòn tiến công giải phóng Tây Nguyên, đòn tiến công giải phóng Huế - Đà Nẵng, đòn tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

    Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy bắt đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên (4/3 đến ngày 3/4/1975) với trận đánh mở đầu vào thị xã Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975. Sau khi làm chủ Buôn Ma Thuột và toàn bộ Tây Nguyên, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch ở Quân đoàn 2 và hệ thống chính quyền ngụy ở Quân khu 2, chúng ta nhanh chóng phát triển cuộc tiến công xuống các tỉnh ven biển miền Trung.

    Ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị hạ quyết tâm chuyển cuộc tiến công chiến lược thành tổng tiến công chiến lược, hoàn thành kế hoạch hai năm (1975-1976) ngay trong năm 1975.

    Ngày 21/3/1975, chiến dịch Huế - Đà Nẵng bắt đầu. Ngày 26/3/1975, giải phóng Huế, ngày 29/3/1975 giải phóng Đà Nẵng. Trên đà thắng lợi đó, ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị quyết định giải phóng miền Nam trong tháng 4/1975. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Sài Gòn - Gia Định (sau đổi tên thành chiến dịch Hồ Chí Minh). Ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định bắt đầu. Năm cánh quân từ 5 hướng lấy điểm đến là trung tâm Sài Gòn kết hợp với pháo lệnh, xe tăng và không quân  nhanh chóng tiêu diệt và làm tan rã hàng chục vạn quân địch để tiến vào trung tâm thành phố. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ chiến thắng đã được cắm trên dinh Độc Lập. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi.

    Chiến thắng 30/4 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam. Chiến thắng 30/4 là chiến thắng của sức mạnh nội lực Việt Nam, của truyền thống văn hoá dân tộc, của sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời là sự ủng hộ giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế, của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ.

    Với mỗi người Việt Nam, ngày 30/4/1975 là một ngày lịch sử trọng đại. Đó là ngày đoàn tụ, non sông thu về một mối, Bắc - Nam liền một dải; ngày hoà hợp dân tộc, người một nước cùng nhìn về một hướng, cùng nhau bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên hoà bình, thống nhất, độc lập, tự do đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước ấm no, hạnh phúc.

    Có trải qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh đất nước hai miền chia cắt mới thấy ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4/1975, mới cảm nhận hết giá trị của những năm tháng hoà bình, thống nhất, toàn vẹn Tổ quốc. Vì thế, hơn ai hết, người Việt Nam càng trân quý những ngày tháng hôm nay, càng trân trọng những thành quả có được sau gần 40 năm đổi mới đất nước. 

    Chiến thắng 30/4/1975 khẳng định tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nó thể hiện ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Đúng như Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội toàn quốc lần thứ IV khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”[2].

    Tinh thần chiến thắng 30/4 đang tiếp thêm động lực mới cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ý chí quyết chiến quyết thắng thôi thúc chúng ta không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển. Tinh thần tự chủ, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, biến thách thức thành cơ hội, xoay chuyển tình thế, giúp chúng ta vượt lên khó khăn, ổn định,  phát triển kinh tế -xã hội. Chúng ta luôn kiên định, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đổi mới, hội nhập và phát triển. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa; phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp, khơi dậy ý chí và khát vọng xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh.  

    Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, phát huy tinh thần và hào khí của Đại thắng mùa Xuân 1975 hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. 

    Tài liệu tham khảo:

    - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, Nxb Chính trị quốc gia, H.2004.

    - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Trung cấp Lý luận Chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb.Lý luận Chính trị, H.2021.

    - Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975, Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000 .

    - Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử chiến dịch Trị Thiên và chiến dịch Đà Nẵng Xuân 1975, Nxb Quân đội nhân dân, H.2006

    Th.s Ngô Thị Thúy Mai -  Khoa Xây dựng Đảng

     

    [1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2004, t.34, tr.232

    [2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2004, t.37, tr.471

    Danh mục
    Tin nổi bật
    Tin liên quan
    zalo
    Hotline