Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập lý luận chính trị đóng vai trò quan trọng trong giáo dục lý luận chính trị. Việc này góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đồng thời đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo và hình thành con người Việt Nam XHCN. Bài viết phân tích tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập lý luận chính trị, đánh giá thực tiễn dạy và học tại Trường Chính trị tỉnh Kon Tum, và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị hiện nay.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm ý thức được vai trò quan trọng của lý luận đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Lý luận - theo Theo Người, lý luận “là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử”(1). Vì vậy, Người khẳng định: “lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi.”(2).
Ngay sau khi tìm ra con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực truyền bá tư tưởng và lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam. Theo Hồ Chí Minh, đây là “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất”(3). Người đã mang ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tinh thần của Cách mạng Tháng Mười Nga để soi đường cho cách mạng Việt Nam. Thông qua công tác huấn luyện và đào tạo, Hồ Chí Minh giúp đội ngũ cán bộ thấm nhuần Chủ nghĩa Mác - Lênin, hiểu rõ mâu thuẫn xã hội, xác định được mục tiêu, động lực cách mạng cũng như vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân.
Nhờ đó, lý luận cách mạng được chuyển biến thành hành động thực tiễn, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy cách mạng Việt Nam không ngừng tiến lên.
Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về thực hành kiên trì, bền bỉ việc giáo dục lý luận chính trị. Người đã để lại cho cách mạng Việt Nam di sản to lớn về giáo dục lý luận chính trị. Đó là hệ thống quan điểm của Người về khái niệm, vai trò, nội dung, phương châm, phương pháp dạy và học lý luận chính trị.
Theo Hồ Chí Minh, để học tốt lý luận chính trị, trước hết, học viên cần phải xác định đúng đắn mục đích học lý luận. Giải thích “vì sao phải học lý luận”, Người chỉ rõ: “Trước hết, Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta, để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình”(4). Người đã chỉ dẫn một cách cặn kẽ: “Khi học tập lý luận thì nhằm mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận, hoặc vì tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với Đảng. Tất cả những động cơ học tập không đúng đắn đều phải tẩy trừ cho sạch”(5).
Theo người, mục đích của học lý luận là “Học để làm việc; làm người; làm cán bộ; Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”(6). Để đạt mục tiêu này, người học cần rèn luyện phẩm chất cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Người nhấn mạnh, học lý luận không chỉ để nâng cao kiến thức mà còn để trau dồi đạo đức cách mạng, thực hiện lý tưởng cộng sản. Khi xác định được mục tiêu rõ ràng, người học sẽ tự giác, chủ động tìm giải pháp học tập hiệu quả.
Thứ hai, phải có thái độ học tập đúng. Từ việc xác định đúng mục đích học tập, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn học viên cần có thái độ học tập đúng: “Phải khiêm tốn, thật thà. Trong Đảng ta trình độ lý luận còn thấp kém, không ai có thể tự xưng mình là giỏi lý luận. Do đó phải nêu cao tinh thần khiêm tốn, thật thà… Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”(7). Đồng thời, Người cũng nhắc nhở, trong quá trình học tập, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự nguyện, tự giác xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực, tự động hoàn thành kế hoạch học tập, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào. Thêm vào đó, người học còn phải có tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau, mạnh dạn phê bình và thật thà tự phê bình và khi phê bình, tự phê bình thì phải xuất phát từ ý muốn đoàn kết để đạt đến đoàn kết mới. Giúp bạn cũng chính là giúp mình, có thế việc học tập mới nhanh tiến bộ.
Thứ ba, học tập lý luận phải quán triệt nguyên tắc lý luận gắn với thực tiễn. Người khẳng định: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông… lý luận cách mạng không phải là giáo điều, nó là kim chỉ nam cho hành động cách mạng; và lý luận không phải là một cái gì cứng nhắc, nó đầy tính chất sáng tạo; lý luận luôn luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động”(8).
Người chỉ rõ, học tập thì theo nguyên tắc: kinh nghiệm và thực tế phải đi cùng nhau. Thí dụ khoa học chính trị dùng sách vở, bài báo bàn về chiến lược, chiến thuật làm tài liệu lý luận; lấy lịch sử và kinh nghiệm tranh đấu của Đảng làm tài liệu thực tế. Người yêu cầu học viên, “không phải học để thuộc lòng từng câu, từng chữ, đem kinh nghiệm của các nước anh em áp dụng một cách máy móc. Nhưng chúng ta phải học chủ nghĩa Mác - Lênin để phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể của cách mạng nước ta, cho hợp với điều kiện đặc biệt của nước ta”(9). Rằng, chúng ta “phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng… giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta. Như thế chúng ta học tập lý luận là cốt để áp dụng vào thực tế”(10).
Những tư tưởng của Người về học tập lý luận chính trị là những bài học vô giá. Tư tưởng đó không chỉ là cơ sở lý luận cho việc xác định chiến lược đào tạo con người, chủ trương, đường lối chỉ đạo phát triển nền giáo dục lý luận cách mạng của Đảng ta qua các thời kỳ cách mạng, mà còn là những bài học, những kinh nghiệm thực tiễn giáo dục hết sức sinh động, thiết thực và hiệu quả đối với công tác giáo dục lý luận chính trị hiện nay.
Công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên là một bộ phận cơ bản quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng nhằm thực hiện việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong cán bộ, đảng viên. Trong tác phẩm Đường Kách Mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động… Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, Đảng mới làm nổi cách mệnh tiên phong”(11). Vì thế, trong mỗi giai đoạn cách mạng, việc học tập và nghiên cứu lý luận chính trị đóng vai trò quan trọng, giúp cán bộ, đảng viên trang bị tri thức toàn diện, giữ vững bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin vào tương lai dân tộc và lý tưởng cách mạng. Đây cũng là cơ sở để họ tự tin và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thấm nhuần những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về học tập lý luận chính trị, Trường Chính trị tỉnh Kon Tum đã và đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng học tập lý luận chính trị của Trường. Hằng năm, Nhà trường tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế cuối đợt học; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc dạy và học,... Đặc biệt, trong năm 2024, Nhà trường đã tổ chức Hội thi Học viên học giỏi lý luận chính trị, tạo sân chơi học thuật bổ ích nhằm khuyến khích tinh thần học tập, rèn luyện tư duy lý luận cho học viên. Hội thi không chỉ giúp học viên củng cố kiến thức đã học mà còn tạo cơ hội để học viên thực hành vận dụng lý luận vào các tình huống thực tiễn. Các học viên thông qua các vòng thi thuyết trình, trả lời câu hỏi ứng xử của Ban giám khảo…, qua đó, hội thi đã phát hiện và vinh danh những cá nhân xuất sắc, góp phần xây dựng phong trào học tập lý luận mạnh mẽ trong toàn Trường. Nhờ những hoạt động này, chất lượng dạy và học lý luận của Trường không ngừng được cải thiện, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tình hình mới.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc học lý luận chính trị của học viên còn mang nặng tính hình thức. Không ít cán bộ, học viên chưa tích cực học tập lý luận chính trị, thậm chí còn có biểu hiện lười học tập lý luận chính trị. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XII, Đảng ta chỉ rõ, cán bộ, đảng viên có biểu hiện: Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục lý luận chính trị hiện nay.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do một số học viên vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của học tập lý luận chính trị, chưa coi học lý luận chính trị là nhiệm vụ chính để nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, phục vụ công tác. Tính thụ động trong việc tiếp thu lý luận chính trị của một bộ phận không nhỏ học viên vẫn còn. Để góp phần khắc phục tình trạng trên, cần phải vận dụng và quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập lý luận chính trị đến toàn thể học viên, đó là:
Thứ nhất, mục đích học tập cần được xác định rõ ràng, cụ thể: học để làm việc, làm người, làm cán bộ; học để phục vụ Nhân dân, Tổ quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam CHXH. Đây là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị, bởi chỉ khi xác định đúng mục tiêu, học viên mới nghiêm túc tham gia học tập và nghiên cứu để đạt kết quả tốt nhất.
Thực tế cho thấy, dù giảng viên có đổi mới phương pháp đến đâu, nếu người học không muốn học hoặc không nhận thức rõ vai trò của lý luận chính trị thì các giải pháp cũng không mang lại hiệu quả. Học viên cần hiểu rằng việc học lý luận chính trị không nhằm mục đích “quy hoạch” hay “thăng quan, phát tài”, mà để nâng cao trình độ lý luận, phát triển năng lực công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng.
Do đó, cần chú trọng công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của lý luận chính trị thông qua nhiều hình thức đa dạng, như các buổi giảng, sinh hoạt lớp, giao lưu, hay tiếp xúc thực tế. Qua đó, làm cho học viên nhận thức rõ rằng “không có lý luận cách mạng thì không thể có cách mạng vận động”. Việc này giúp thúc đẩy tính tự nguyện, tự giác học tập, đồng thời nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với việc học tập lý luận chính trị.
Thứ hai, yếu tố người thầy đóng vai trò rất quan trọng. Người giảng viên bằng khả năng sư phạm, đem tâm huyết của mình truyền lửa cho học viên. Muốn vậy, giảng viên phải là những người có đủ phẩm chất, năng lực, có niềm tin vững chắc vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vào CNXH và con đường đi lên CNXH của Đảng ta, từ đó truyền cảm hứng, niềm tin cho người học. Phải nắm vững và hiểu sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng thì tuyên truyền mới thuyết phục.
Người giảng viên phải nắm chắc lý luận, đồng thời phải gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Việc học tập lý luận chính trị không phải nhằm biến các đồng chí thành những người lý luận suông mà nhằm làm thế nào cho công tác của các đồng chí được tốt hơn, nghĩa là các đồng chí phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong cách mạng của chúng ta. Như thế học tập lý luận cốt để áp dụng vào thực tế”(12). Người cán bộ giảng dạy lý luận chính trị đòi hỏi phải có một nền tảng lý luận và vốn thực tiễn phong phú, để kiểm nghiệm lý luận và nâng nhận thức lý luận lên tầm cao mới. Có như thế người giảng viên mới có thể thực hiện mục tiêu giáo dục lý luận: “Mục đích học để vận dụng chứ không phải học vì lý luận”(13). Muốn gắn lý luận và thực tiễn trong bài giảng, người giảng viên phải không ngừng cập nhật tình hình địa phương, trong nước, thế giới,… phải tăng cường nghiên cứu, kiểm nghiệm thực tế để nắm bắt thực tiễn, liên hệ vào bài giảng; tránh dạy lý luận suông, “dạy chay” mà phải làm cho người học thấy được vai trò “ngọn đèn pha” của lý luận đối với thực tiễn; gợi mở cho người học áp dụng lý luận vào lĩnh vực công tác và cuộc sống.
Giảng viên cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương pháp dạy học, lồng ghép sử dụng các phương pháp dạy học tích cực kết hợp các phương tiện hỗ trợ hiện đại hợp lý, linh hoạt. Ví dụ, các lớp Trung cấp lý luận chính trị ở Trường đều có số lượng học viên đông, do đó giảng viên căn cứ vào số lượng học viên, cách bố trí sơ đồ lớp để vừa sử dụng vấn đáp, kết hợp phỏng vấn nhanh và thảo luận nhóm,… để tất cả học viên có thể tham gia. Tránh cứng nhắc sử dụng một vài phương pháp trong cả quá trình giảng sẽ gây nhàm chán cho học viên.
Khi soạn giáo án, giảng viên cần nắm chắc mục tiêu bài giảng để theo đó xác định trọng tâm của bài, tránh lan man. Bởi một chuyên đề lý luận chính trị có nội dung kiến thức lớn, thời gian ngắn không thể truyền tải hết. Vì thế, muốn học viên không nhàm chán thì bài giảng cần súc tích, ngắn gọn nhưng vẫn đạt mục tiêu bài giảng.
Thứ ba, về phía Nhà trường, ngoài việc tạo điều kiện về nơi ăn, ở và học tập cho những học viên ở xa, cần tăng cường hơn nữa việc thực hiện nghiêm các quy chế liên quan đến dạy và học để kịp thời chỉnh đốn thái độ học tập của học viên như quy chế thi, kiểm tra, quy chế học viên, nội quy...; có biện pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.
Thứ tư, về phía cơ quan, đơn vị cử cán bộ, đảng viên đi học, cần xem xét cử những cán bộ có năng lực công tác, phẩm chất đạo đức tốt, có nhu cầu học tập lý luận chính trị để nâng cao trình độ, rèn luyện đạo đức cách mạng, tâm huyết với nghề nghiệp, chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát, thường xuyên liên lạc với Nhà trường để nắm bắt tình hình học tập của cán bộ đơn vị mình, nhắc nhở kịp thời những cán bộ chưa thực hiện nghiêm nội quy, quy chế của Nhà trường. Đi kèm với công tác kiểm tra, giám sát, các đơn vị cần có sự bố trí, sắp xếp công việc hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng được bố trí theo học, giúp họ yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập lý luận của mình. Hạn chế tối đa tình trạng vừa đi học, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan.
Tóm lại, quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập lý luận chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác giáo dục lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh Kon Tum. Thông qua đào tạo lý luận chính trị, nhà trường góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo và quản lý của tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng và sự phát triển của tỉnh Kon Tum.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị, cả giảng viên và học viên cần nỗ lực không ngừng. Điều này đòi hỏi sự nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và vai trò của công tác giáo dục lý luận chính trị, nhằm thay đổi tư duy, phương pháp giảng dạy và học tập, hướng đến hiệu quả cao nhất trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu của hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh.
Nguyễn Thị Dung - CVC Phòng QLĐT&NCKH
__________________
(1), (4), (5), (7), (8), (9), (10), (12), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.96, 90, 95, 98, 95, 95-96, 95, 95, 95.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, sđd, tr.273-274.
(3), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, sđd, tr.289, 259.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, sđd, tr.208.